Gia Lai: Hỗ trợ liên kết giữa hợp tác xã và doanh nghiệp giúp đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo
Bà con dân tộc thiểu số ở Gia Lai thu hoạch cà phê chất lượng cao. Ảnh: CTV

Thu nhập tăng cao nhờ mô hình liên kết giữa hợp tác xã và doanh nghiệp

Đã nhiều mùa rẫy, nhưng có lẽ chưa bao giờ gia đình chị Pui Hning xã Hla, huyện Chư Pưh tỉnh Gia Lai gặt hái được nhiều thành quả lao động như hai mùa rẫy vừa qua. Niềm vui của gia đình đang tiếp tục được nhân lên khi hai năm liền gia đình chị nhận trồng cây chanh leo kèm cây dứa trên diện tích hơn 1ha thông qua mô hình liên kết với hợp tác xã (HTX) nông nghiệp, mang về mức thu nhập hàng trăm triệu đồng sau khi đã trừ mọi chi phí.

Tại huyện Chư Pưh của tỉnh Gia Lai, năm 2021 là năm thứ 3, HTX Thành Đạt (xã Ia Hla, huyện Chư Pưh, Gia Lai) đại diện cho các thành viên ký hợp đồng sản xuất và tiêu thụ chanh dây với Công ty cổ phần Chanh leo Nafoods. Ông Trần Công Khuyến - Giám đốc HTX cho biết, mô hình liên kết này giúp 150 hộ, trong đó có nhiều hộ là dân tộc thiểu số (DTTS) có đầu ra ổn định cho khoảng 60 ha, tăng thu nhập đáng kể. Hơn 2 năm trở lại đây, chanh xô có giá cao, trung bình 13 - 23 ngàn đồng/kg. Với 1 ha, người dân có thể thu hoạch 25 - 30 tấn, lãi hơn 200 triệu đồng.

Ngoài thành viên các HTX, chính quyền cơ sở cấp xã, phường nơi gần dân nhất cũng cần định hướng hội nông dân và các chi hội trên địa bàn tham gia phát triển chuỗi liên kết nông nghiệp bền vững, không thể mãi sản xuất theo kiểu “ăn xổi ở thì”, năm được năm mất. Nếu tham gia chuỗi liên kết sản xuất theo hướng hữu cơ chất lượng cao, đạt những tiêu chí xuất khẩu thì người dân mới tăng thu nhập.

“Công ty còn hỗ trợ 50% tiền giống và ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với giá thấp nhất là 5.000 đồng/kg. Tuy nhiên, nếu cao hơn mức này thì chúng tôi mua theo giá thị trường, người dân cũng có quyền tự quyết bán ra bên ngoài khi thấy giá cao hơn giá thu mua và cũng không ràng buộc phải bán cho Công ty” - ông Khuyến chia sẻ.

Cũng theo ông Khuyến, nhu cầu rộng mở vùng nguyên liệu của công ty hiện rất lớn, vì vậy HTX khuyến khích một số thành viên chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng chanh dây; đồng thời tiếp tục ký hợp đồng với doanh nghiệp hỗ trợ giống, thu mua sản phẩm, xây dựng chuỗi liên kết bền vững nhằm nâng cao thu nhập cho người dân.

Tại huyện Đak Đoa tỉnh Gia Lai, từ năm 2018 đến nay, HTX nông nghiệp và dịch vụ Đak Krong ký hợp đồng tiêu thụ 100 tấn cà phê nhân chất lượng cao sản xuất theo tiêu chuẩn 4C với Công ty TNHH Vĩnh Hiệp. Ông Trịnh Khắc Dương - Giám đốc HTX nông nghiệp và dịch vụ (huyện Đak Đoa) cho biết, hiện HTX đã thu hút được 191 thành viên, trong đó có hàng chục hộ là đồng bào DTTS Ba Na tại các buôn làng tham gia xây dựng vùng nguyên liệu với diện tích 326 ha. Trong số này, có 38 hộ dân tham gia sản xuất cà phê chất lượng cao trên diện tích 46 ha để cung cấp cho doanh nghiệp trên.

“Sắp tới, HTX dự tính nâng sản lượng lên 150 tấn/năm với khoảng 80 hộ tham gia. Đây là mục tiêu mà HTX đang hướng đến vì đầu ra tương đối ổn định, đáp ứng chuỗi liên kết lâu dài, bền vững” - ông Dương bày tỏ.

Không bị thương lái ép giá nhờ có đầu ra ổn định

Ông Phan Đình Thắm - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai cho biết, giai đoạn 2016 - 2020, huyện đã xây dựng được 6 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp trong và ngoài huyện. Điển hình là chuỗi liên kết của HTX sản xuất kinh doanh và dịch vụ nông nghiệp Tâm Thành (xã Ia Hrung, huyện Ia Grai) đã đưa 332 ha cà phê của 160 thành viên vào sản xuất theo tiêu chuẩn 4C, đồng thời liên kết với Công ty TNHH một thành viên Sơn Huyền Phát Gia Lai tiêu thụ mỗi năm bình quân 700 - 800 tấn cà phê nhân xô.

“Việc thành lập các HTX gắn với mô hình liên kết sản xuất với các doanh nghiệp bước đầu đã đáp ứng được đầu ra của nông sản, giúp nông dân không bị thương lái ép giá” - ông Thắm cho biết.

Gia Lai: Hỗ trợ liên kết giữa hợp tác xã và doanh nghiệp giúp đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo
Dây chuyền chế biến chanh dây xuất khẩu của DOVECO Gia Lai. Ảnh: CTV

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai Lưu Trung Nghĩa thông tin, hiện tỉnh có 13 chuỗi liên kết về lĩnh vực trồng trọt như: cà phê, hồ tiêu, lúa, cây ăn quả, rau, dược liệu… với diện tích 134.281 ha.

Cụ thể, chuỗi cà phê liên kết với Công ty TNHH Vĩnh Hiệp có 9 HTX tham gia với diện tích 25.964 ha, khoảng 7.000 hộ nông dân trên địa bàn 8 huyện, thành phố. Công ty TNHH một thành viên xuất khẩu rau quả DOVECO có khoảng 2.090 ha (chanh dây, dứa, bắp ngọt, đậu tương, chuối tiêu hồng, rau chân vịt) liên kết với 5 hợp tác xã, 71 tổ hợp tác, hơn 1.075 hộ dân tham gia. Tập đoàn Lộc Trời liên kết với 8 HTX, 2 tổ hợp tác và 1 công ty lâm nghiệp với diện tích hơn 1.242 ha trên địa bàn 7 huyện…

Theo ông Nghĩa, thời gian qua, hầu hết các HTX phát triển nhanh về số lượng và phát triển biền vững, giúp hàng ngàn hộ dân trong đó có số đông là đồng bào DTTS thoát nghèo. Ngành nông nghiệp tiếp tục đề xuất UBND tỉnh xây dựng các dự án hỗ trợ nông nghiệp theo các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực; thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, thực hiện chuỗi liên kết sản xuất thông qua HTX, phát triển rau, quả, dược liệu, nông nghiệp công nghệ cao và trồng rừng trên địa bàn tỉnh.

Ông Nghĩa cũng cho biết, về lâu dài tỉnh Gia Lai đang áp dụng các chính sách ưu tiên, hỗ trợ doanh nghiệp, HTX hoạt động trong lĩnh vực này. “Đối với các địa phương cấp huyện, thị xã, thành phố cũng cần tích cực chủ động phối hợp giữa Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đặc biệt là trung tâm dịch vụ nông nghiệp xây dựng chương trình hỗ trợ cụ thể đối với các HTX liên kết với doanh nghiệp, tập đoàn sản xuất nông nghiệp, coi đây là sợi dây kết nối quan trọng, là đột phá trong việc phát triển các chuỗi liên kết tiêu thụ bền vững”- ông Nghĩa nhấn mạnh./.