Giải ngân vốn đầu tư công tại huyện Tu Mơ Rông 8 tháng ước đạt  31,05%  kế hoạch
Trung tâm huyện Tu Mơ Rông. Ảnh: TL

Được biết, ngay sau khi được giao vốn, huyện đã tiến hành phân bổ cho các đơn vị và chỉ đạo tập trung triển khai cũng như chú trọng đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn. Tuy nhiên, tính đến ngày 6/9/2023, tổng kế hoạch vốn đã thực hiện giải ngân được chỉ đạt hơn 91 tỷ đồng, đạt 31,05% trên tổng kế hoạch vốn giao; trong đó, giải ngân vốn đầu tư được 86 tỷ đồng đồng, đạt 42,02% và vốn sự nghiệp giải ngân được hơn 5,1 tỷ đồng, đạt 5,76% tổng kế hoạch vốn giao.

Theo Phòng Tài chính - Kế hoạch Tu Mơ Rông, trong quá trình triển khai do vướng mắc một số quy định về định mức và hướng dẫn ban hành chậm dẫn đến ảnh hưởng tới quá trình triển khai thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn như: Quy định định mức đất ở, đất sản xuất làm cơ sở xác định hộ gia đình chưa có đất ở; không có hoặc thiếu đất sản xuất (ngày 7/9/2023UBND tỉnh mới ban hành Quyết định số 48/2023/QĐ-UBND).

Đơn cử như Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, đối với dự án 3 về đầu tư hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý thì hiện nay, cơ quan chủ trì được UBND tỉnh giao nhiệm vụ hướng dẫn vấn đề hình thành, vận hành trung tâm giống, chưa có hướng dẫn theo các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh nên huyện chưa có cơ sở để thực hiện bước tiếp theo.

Bên cạnh đó, vấn đề quản lý tài sản sau đầu tư từ ngân sách nhà nước (tài sản công) hỗ trợ cho doanh nghiệp của dự án trung tâm giống cũng chưa có văn bản nào đề cập đến.

Cũng theo UBND huyện Tu Mơ Rông, vấn đề quy định ngân sách huyện bố trí vốn đối ứng tối thiểu 10% tổng ngân sách Trung ương hỗ trợ cho các dự án, tiểu dự án cũng là điều rất khó khăn trong cho huyện trong việc cân đối của ngân sách địa phương.

Theo lãnh đạo UBND huyện Tu Mơ Rông, một vấn đề bất cập nữa là hiện nay trên địa bàn huyện diện tích đất chủ yếu là đất lâm nghiệp, quy hoạch lâm nghiệp. Trong khi đó, cơ sở dữ liệu quản lý của ngành lâm nghiệp và ngành đất đai chưa đồng bộ dẫn đến việc quản lý bảo vệ và phát triển rừng, thực hiện một số chương trình, dự án kinh tế - xã hội trên đất lâm nghiệp gặp khó khăn.

Hiện nay, số liệu kiểm kê rừng chưa phù hợp với số liệu thống kê đất đai hàng năm. Mặt khác, các danh mục đầu tư nằm trên đất quy hoạch 3 loại rừng nên gặp khó khăn trong quá trình chuyển đổi mục đích sử dụng đất và tốn nhiều thời gian trong việc lập thủ tục chuyển đổi, từ đó dẫn đến việc triển khai thực hiện và giải ngân gặp khó khăn, làm ảnh hưởng tới tiến độ giải ngân chung.

Huyện Tu Mơ Rông có 11 xã, 86 thôn, làng. Cùng với sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, của tỉnh, người dân Tu Mơ Rông đã từng bước thoát nghèo, xây dựng cuộc sống mới ấm no hơn. Hiện, 86/86 thôn làng ở Tu Mơ Rông sử dụng điện lưới quốc gia, tỷ lệ hộ sử dụng điện đạt 100%; 11/11 xã có đường ô tô đến trung tâm xã; 89,8% hộ dân nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; tỷ lệ hộ nghèo (đa chiều) trên địa bàn hiện nay giảm còn 47,26% (giảm 12,93% so với cuối năm 2021 là 64,79%).