Vốn tín dụng chính sách là một trụ cột quan trọng trong giảm nghèo

Theo thống kê, tỉnh Hậu Giang có gần 8.000 hộ với hơn 30.000 người đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), chiếm 3,9% so với dân số toàn tỉnh, trong đó, số hộ nghèo chiếm 19,22%, đạt gần 1.500 hộ. Đồng bào DTTS trong tỉnh sống xen kẽ nhau và phần lớn bà con sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.

Trước thực tế trên, chính quyền tỉnh thời gian qua đã triển khai nhiều chủ trương, chính sách về công tác dân tộc trên địa bàn, trong đó nổi bật là chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi; chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn…

Mô hình giảm nghèo 2 trong 1

Để xóa đói giảm nghèo cho đồng bào DTTS, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận tổ quốc (MTTQ) Việt Nam huyện Long Mỹ đã thực hiện một số mô hình, với cách làm thiết thực nhằm hỗ trợ sinh kế cho người dân. Chẳng hạn như mô hình “Giảm nghèo 2 trong 1 cho đồng bào DTTS” với việc hỗ trợ tổng số vốn 66 triệu đồng không lãi suất cho 9 hộ nghèo là người dân tộc Khmer ở xã Lương Nghĩa; vận động hỗ trợ xây dựng nhà đại đoàn kết cho 9 hộ gặp khó khăn về nhà ở, kinh phí 290 triệu đồng.

Để các chương trình trên đạt hiệu quả, chính quyền tỉnh thường xuyên tổ chức đối thoại với hộ nghèo là người dân tộc để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của họ, biết được nguyên nhân nghèo để phân loại đối tượng và có chính sách hỗ trợ phù hợp với từng đối tượng, giúp họ tổ chức sản xuất, kinh doanh, lựa chọn mô hình sản xuất hiệu quả, nâng cao thu nhập, thoát nghèo bền vững.

Cùng với đó, với việc coi vốn tín dụng chính sách là một trụ cột quan trọng trong giảm nghèo, phát triển kinh tế, UBND tỉnh đã chỉ đạo các tổ chức chính trị - xã hội lồng ghép tín dụng cùng các chương trình phát triển kinh tế địa phương, tạo nên những bước đột phá trong công tác giảm nghèo bền vững.

Cụ thể như, đối với đồng bào DTTS ở hai huyện có nhiều đồng bào DTTS là huyện Long Mỹ và Châu Thành A, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) cùng cấp ủy, chính quyền địa phương phối hợp với tổ chức chính trị - xã hội, chọn người có uy tín trong đồng bào DTTS xây dựng mô hình thoát nghèo gồm từ 8 - 12 thành viên là đồng bào DTTS nghèo, thực hiện cùng một phương án trồng trọt sản xuất kinh doanh với nguồn vốn vay từ NHCSXH, có cán bộ kỹ thuật nông nghiệp cấp xã tập huấn về kỹ thuật, trên quan điểm là để đồng bào tự thân thoát nghèo. Cấp ủy, cụ thể là Bí thư ấp sẽ phân công đảng viên chịu trách nhiệm giúp đỡ đồng bào.

Hậu Giang: Nhiều chương trình phát triển kinh tế giúp bà con dân tộc thiểu số thoát nghèo
Nguồn vốn chính sách đã giúp bà con phát triển các mô hình sản xuất kinh doanh. Ảnh: TL

Những tín hiệu khởi sắc

Dễ dàng nhận thấy, trong khoảng 5 năm trở lại đây, vùng đồng bào DTTS của tỉnh Hậu Giang có nhiều thay đổi. Bộ mặt nông thôn khởi sắc. Hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và dân sinh cho bà con tiếp tục được đầu tư; góp phần rút ngắn sự chênh lệch phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; rõ nét nhất là tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc của tỉnh đã giảm đáng kể, từ 32,15% vào cuối năm 2016 xuống còn 16,01% vào cuối năm 2021.

Nếu như trước đây, những địa danh như Vĩnh Viễn, Lương Tâm hay Xà Phiên của huyện Long Mỹ; Hòa An, Hòa Mỹ (Phụng Hiệp); Vị Thủy, Vĩnh Thuận Tây (Vị Thủy) từng nổi tiếng về sự xa xôi, hệ thống giao thông nhiều cách trở, điều kiện đi lại của người dân chủ yếu bằng ghe, xuồng, thì từ khi có nguồn vốn của Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng DTTS và miền núi (Chương trình 135) và lồng ghép các chương trình, dự án khác… hạ tầng cơ sở vùng có đông đồng bào DTTS ở các địa danh trên đã từng bước thay đổi hẳn. Cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm… được xây dựng khang trang, giao thương thuận lợi, tạo điều kiện không nhỏ cho người dân mua bán nông sản.

Hậu Giang: Nhiều chương trình phát triển kinh tế giúp bà con dân tộc thiểu số thoát nghèo
Hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ cho sản xuất và giao thương của bà con DTTS đã được quan tâm đầu tư. Ảnh: TL

Bên cạnh đó, việc giúp nhau làm kinh tế đã và đang giúp cho bà con Khmer ở Hậu Giang vượt khó vươn lên thoát nghèo và làm giàu. Nhất là họ đã chia sẻ nhau kiến thức, kinh nghiệm trong trồng trọt và chăn nuôi để mang lại hiệu quả cao hơn so với trước đây.

Như tại xã Xà Phiên, nơi có nhiều đồng bào Khmer nhất của huyện Long Mỹ, chính quyền xã phối hợp Ban Dân vận Huyện ủy và Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện xây dựng mô hình Tổ đoàn kết ba dân tộc Kinh - Hoa - Khmer ở ấp 5. Tổ có 24 thành viên đều làm nghề nông. Mục đích chủ yếu của tổ là giúp các thành viên có mô hình hay, hiệu quả để phát triển kinh tế gia đình. Ðến năm 2021, tổ này không còn hộ nghèo, cận nghèo; số hộ khá, giàu tăng lên đáng kể, tình cảm giữa các thành viên ngày càng gắn bó. Mô hình tổ đoàn kết của ấp 5 được nhân rộng ra nhiều ấp trong các xã ở huyện Long Mỹ giúp cho bà con Khmer nâng cao đời sống.

Trên 184 tỷ đồng giảm nghèo giai đoạn 2021 - 2025

Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Hậu Giang dự kiến bố trí trên 184 tỷ đồng từ nhiều nguồn vốn để tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ đồng bào DTTS nhằm đạt được những mục tiêu cụ thể đến năm 2025 như: Thu nhập bình quân đầu người DTTS tăng lên 2 lần so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS mỗi năm giảm trên 2%; phấn đấu 50% số xã ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn; 100% xã vùng DTTS có đường ô tô đến trung tâm xã và đường liên xã được rải nhựa hoặc bê tông…