Gương điển hình đồng bào dân tộc thiểu số Bắc Giang có doanh thu 1,5-1,8 tỷ đồng/năm
Các đại biểu dự hội nghị ngày 30/11/2023. Ảnh: TL

Quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu

Bắc Giang có hơn 1,8 triệu người, trong đó người DTTS chiếm hơn 14,6% với 45 thành phần DTTS. Đồng bào DTTS chủ yếu cư trú ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh song luôn đoàn kết, nỗ lực thực hiện mục tiêu của địa phương.

Các tấm gương điển hình tiên tiến tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, có ý chí, nghị lực, khát vọng vươn lên, luôn là tấm gương sáng trong đồng bào DTTS và miền núi.

Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Bắc Giang đã chủ động chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng đồng bào DTTS và miền núi, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và Chương trình giảm nghèo bền vững; đặc biệt coi trọng công tác giáo dục, đào tạo; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để thu hẹp khoảng cách miền núi và miền xuôi.

Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển KT – XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025, tính đến tháng 11/2023, toàn tỉnh đã giải ngân gần 370 tỷ đồng vốn đã phân bổ, đạt 55 % kế hoạch; giải ngân vốn tín dụng chính sách gần 37 tỷ đồng. Nhờ vậy, vùng DTTS và miền núi được đầu tư 122 công trình mới về giao thông, thủy lợi, nhà văn hóa, trường học, trạm y tế, nhiều tuyến đường giao thông được mở rộng, nâng cấp.

Điểm nhấn trên bức tranh KT - XH vùng đồng bào DTTS và miền núi là nông nghiệp tiếp tục phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, quy mô lớn, có sự liên kết hình thành chuỗi giá trị với những sản phẩm cho năng suất, chất lượng, có thương hiệu.

Điển hình ở huyện Yên Thế đã hình thành vùng chuyên canh chè, gà đồi; tại Sơn Động có sản phẩm tiêu biểu đặc trưng mật ong, nấm lim; Lục Ngạn có vải thiều, mỳ Chũ, bưởi, cam; Lục Nam có na dai trái vụ cho năng suất, giá trị kinh tế cao.

Kinh tế lâm nghiệp ngày càng phát triển, đồng bào DTTS tích cực tham gia bảo vệ rừng và phát triển vùng gỗ nguyên liệu tập trung với quy mô lớn. Toàn tỉnh có 73 xã thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025. Đến thời điểm này có 4 xã đặc biệt khó khăn là Trường Sơn, Bình Sơn, Vô Tranh, Lục Sơn (Lục Nam) đã hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới.

Xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến.

Gương điển hình đồng bào dân tộc thiểu số Bắc Giang có doanh thu 1,5-1,8 tỷ đồng/năm
Ông Hoàng Văn Thư xã Phong Vân, huyện Lục Ngạn chăm sóc đàn ngựa bạch. Ảnh: TL

Nhờ đẩy mạnh công tác truyền thông, lan tỏa mạnh mẽ những tấm gương điển hình tiên tiến trong đồng bào DTTS, đã có những cách làm hay, sáng tạo để phong trào thi đua ngày càng phát triển rộng khắp trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

Đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trên mọi lĩnh vực. Họ ngoài làm kinh tế giỏi, còn thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ những người còn khó khăn trong đồng bào DTTS; đồng thời luôn giữ vững phẩm chất, tinh thần, ý chí, nghị lực và khát vọng vươn lên, là tấm gương sáng để đồng bào các DTTS khác noi theo.

Điển hình như Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Thảo Mộc Linh, tổ dân phố Mậu, thị trấn Tây Yên Tử (Sơn Động) đã liên kết với người dân cung cấp nguyên liệu đầu vào để chế biến sản phẩm gắn với lợi thế địa phương. Đến nay các sản phẩm: Mật ong Tây Yên Tử, măng mai, nấm lim xanh và rượu nấm lim xanh đã được công nhận đạt OCOP, trong đó mật ong được công nhận 4 sao, còn lại là 3 sao.

Gia đình ông Hoàng Văn Thư, nông dân ở xã Biên Sơn (Lục Ngạn) nhiều năm đạt hộ sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh, trung ương, có doanh thu 1,5 - 1,8 tỷ đồng/năm từ mô hình tổng hợp chăn nuôi, trồng cây ăn quả, kinh doanh. Gia đình ông tạo việc làm cho 6 - 8 lao động địa phương với mức từ 7-10 triệu đồng/người/tháng. Ông Trương Văn Thao - Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn Nghè Mản, xã Bình Sơn (Lục Nam) tích cực áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nâng cao chất lượng sản phẩm cây trồng, vật nuôi...

Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự nỗ lực của đồng bào DTTS và miền núi, đến nay, diện mạo nông thôn vùng DTTS và miền núi nơi đây đã có những thay đổi căn bản theo hướng tích cực. Tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc giảm bình quân 5,2%/năm, tỷ lệ hộ nghèo các xã đặc biệt khó khăn giảm bình quân 7,63%/năm; số xã đặc biệt khó khăn giảm từ 40 xã (giai đoạn 2016-2020) xuống còn 28 xã. Văn hóa truyền thống của các DTTS được bảo tồn và phát huy.