Trung ương bổ sung kinh phí cho địa phương đối với một số dự án
Theo dự thảo thông tư, nguồn kinh phí thực hiện chương trình là từ ngân sách trung ương và ngân sách địa phương. Với ngân sách trung ương, thực hiện bố trí kinh phí trong dự toán chi ngân sách nhà nước (NSNN) hàng năm của các bộ, cơ quan trung ương để thực hiện nhiệm vụ được giao của chương trình.
Ngoài ra, dự thảo bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho các địa phương để triển khai các dự án, tiểu dự án của chương trình theo quy định của Thủ tướng Chính phủ về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện chương trình.
Đối với ngân sách địa phương, các địa phương chủ động bố trí kinh phí cùng với kinh phí ngân sách trung ương hỗ trợ, thực hiện hiệu quả các dự án, tiểu dự án của chương trình, quy định tại Quyết định số 1719/QĐ-TTg.
![]() |
Hỗ trợ giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc. Ảnh: TL. |
Một số nội dung và mức chi chung được quy định cụ thể như sau: Đối với công tác đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực: Nội dung chi, mức chi thực hiện theo quy định tại Điều 4 và Điều 5 Thông tư số 36/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính. Riêng chi xây dựng, biên soạn tài liệu, thực hiện như sau: Xây dựng, biên soạn tài liệu phục vụ các lớp đào tạo bồi dưỡng tổ chức tập trung, tiền công viết tài liệu là 70.000 đồng/trang (350 từ); tiền công sửa chữa, biên tập tổng thể là 40.000 đồng/trang; tiền công thẩm định và nhận xét là 30.000 đồng/trang; tiền công xây dựng, biên soạn bài giảng điện tử phục vụ đào tạo trực tuyến, mức chi tối đa là 5 triệu đồng/bài giảng.
Nguồn kinh phí bố trí trong dự toán của cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực.
Đối với chi thông tin, tuyên truyền; phổ biến giáo dục pháp luật thực hiện: Chi tiền công biên tập các nội dung truyền thông tại cộng đồng là 150.000 đồng/tin, bài từ 350 từ đến dưới 600 từ; 200.000 đồng/bài từ 600 từ trở lên.
Chi trả nhuận bút cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, thù lao cho người tham gia thực hiện các công việc liên quan đến tác phẩm báo chí, xuất bản phẩm, người sưu tầm tài liệu, cung cấp thông tin phục vụ cho việc sáng tạo tác phẩm báo chí, xuất bản phẩm về thông tin, tuyên truyền: mức chi theo Nghị định số 18/2014/NĐ-CP của Chính phủ về chế độ nhuận bút trong lĩnh vực báo chí, xuất bản.
Đối với chi tổ chức các buổi tọa đàm, giao lưu, các lớp giáo dục truyền thông, tư vấn, nói chuyện chuyên đề: Chi thuê chuyên gia đối thoại, nói chuyện chuyên đề thực hiện theo Thông tư số 36/2018/TT-BTC. Chi thuê địa điểm, bàn ghế, loa đài…, mức chi theo thực tế phát sinh trên cơ sở các hóa đơn, chứng từ chi tiêu hợp pháp, phù hợp với dự toán được cấp có thẩm quyền giao. Chi tài liệu theo thực tế phát sinh.
Đối với chi tổ chức mít tinh, tháng hành động, chiến dịch truyền thông, truyền thông lồng ghép, hỗ trợ người tổ chức, giám sát thực hiện chiến dịch 50.000 đồng/người/ngày; tiền công cho người trực tiếp tham gia chiến dịch là 60.000 đồng/người/ngày; tiền công phát thanh viên là 120.000 đồng/người/ngày…
Hỗ trợ chuyển đổi nghề các hộ không có đất
Dự thảo thông tư quy định rõ về việc giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, trong đó có hỗ trợ chuyển đổi nghề.
Trường hợp chính quyền địa phương không bố trí được đất sản xuất thì hộ không có đất hoặc thiếu đất sản xuất được hỗ trợ chuyển đổi nghề. Mức hỗ trợ tối đa 7 triệu đồng/hộ để mua sắm nông cụ, máy móc làm dịch vụ sản xuất nông nghiệp, làm các ngành nghề khác hoặc học nghề để chuyển đổi nghề.
Đối với hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán, căn cứ danh sách các hộ dân được hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đăng ký của các hộ dân về phương thức thực hiện, UBND cấp xã tổng hợp nhu cầu và phân loại theo từng phương thức thực hiện gửi phòng tài chính - kế hoạch huyện và cơ quan làm công tác dân tộc cấp huyện. Cơ quan làm công tác dân tộc cấp huyện sẽ kiểm tra, báo cáo UBND cấp huyện quyết định mức hỗ trợ cụ thể từng hộ dân, tối đa 2 triệu đồng/hộ.
Dự thảo thông tư cũng quy định rõ về bố trí, sắp xếp ổn định dân cư vùng đặc biệt khó khăn, vùng biên giới, hộ dân tộc thiểu số còn du canh, du cư, dân di cư tự do và những nơi cần thiết. Theo đó, chính sách hỗ trợ trực tiếp hộ gia đình thực hiện như sau: Hỗ trợ kinh phí di chuyển các hộ từ nơi ở cũ đến nơi tái định cư. Mức hỗ trợ tính theo thực tế khi lập dự án, căn cứ quãng đường thực tế và đơn giá của loại phương tiện phổ thông tại địa phương.
Căn cứ danh sách các hộ đã được cấp thẩm quyền phê duyệt, UBND cấp xã chỉ đạo các tổ chức chính trị- xã hội tại địa phương phối hợp với cộng đồng dân cư hướng dẫn giúp đỡ các hộ thực hiện. UBND cấp xã căn cứ kết quả kiểm tra, nghiệm thu khối lượng thực hiện thanh toán cho các hộ dân theo quy định.
Thực hiện các chính sách hỗ trợ hiện hành khác từ nguồn kinh phí sự nghiệp của NSNN (nếu có) đối với các hộ được bố trí ổn định như người dân tại chỗ, theo quy định tại chương trình kèm theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg./.