98% học sinh dân tộc thiểu số đi học đúng độ tuổi

Đến nay, phần lớn các thôn, bản vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới đã có trường, lớp mầm non, tiểu học. Hầu hết các xã đã có trường trung học cơ sở; các huyện đã có trường trung học phổ thông. Cơ sở vật chất trường lớp, các cấp học được quan tâm đầu tư xây dựng để từng bước nâng cao chất lượng dạy và học, nhiều trường mầm non, phổ thông đã đạt chuẩn quốc gia. Năng lực chuyên môn nghiệp vụ và đời sống của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý công tác ở giáo dục vùng dân tộc thiểu số, miền núi không ngừng được nâng cao.

Chính sách, chế độ hỗ trợ cho trẻ em, học sinh, sinh viên vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng đặc biệt khó khăn cơ bản đã phủ khắp đối tượng, tạo điều kiện cho các em được tham gia học tập.

Các địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi đều đã hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục trung học cơ sở.

Tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số đi học đúng độ tuổi ở cấp tiểu học đạt 98,6% (tỷ lệ chung của cả nước là 99,7%). Tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số hoàn thành Chương trình giáo dục tiểu học vào học cấp trung học cơ sở đạt 93,2% (tỷ lệ chung của cả nước là 94,3%). Tỷ lệ người dân tộc thiểu số độ tuổi từ 15 - 60 tuổi biết chữ mức độ 1 là 93,7% (tỷ lệ chung của cả nước là 98,8%). Có thể nói, tỷ lệ học sinh đến trường tăng cao, học sinh lưu ban, bỏ học ngày càng giảm.

Hoàn thiện chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số, miền núi
Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm và có nhiều chính sách ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú và trường dự bị đại học ngày càng được củng cố và phát triển. Năm học 2022-2023, có 318 trường phổ thông dân tộc nội trú với quy mô 105.000 học sinh nội trú, toàn quốc 1.139 trường phổ thông dân tộc bán trú ở 29 tỉnh/thành phố với 245.080 học sinh bán trú, bên cạnh đó, còn có 2.176 trường phổ thông có học sinh bán trú với số lượng 213.199 học sinh bán trú. Có 4 trường dự bị đại học và trường phổ thông vùng cao Việt Bắc có hệ dự bị đại học với quy mô khoảng 3.000 học sinh dự bị/năm.

Nâng cao chất lượng giáo dục của các trường phổ thông dân tộc nội trú

Để thực hiện các chính sách hỗ trợ hiệu quả hơn cho trẻ em, học sinh, sinh viên các dân tộc thiểu số nhằm rút ngắn khoảng cách phát triển về giáo dục và đào tạo, trong thời gian tới, ngành giáo dục sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số, miền núi.

Sắp tới, Bộ Giáo dục và đào tạo sẽ trình Chính phủ ban hành nghị định quy định chính sách cho trẻ em nhà trẻ, học sinh, học viên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng bãi ngang ven biển, hải đảo và cơ sở giáo dục có học sinh hưởng chính sách.

Theo đó, dự thảo đề xuất hỗ trợ tiền ăn cho mỗi trẻ em nhà trẻ bán trú (thường trú tại xã, thôn đặc biệt khó khăn đang học tại cơ sở giáo dục mầm non thuộc xã khu vực III, khu vực II, khu vực I, xã có thôn xã khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo) được hỗ trợ mỗi tháng 360.000 đồng không quá 9 tháng/năm học (trước đây, đối tượng này chưa được hưởng chính sách).

Hỗ trợ tiền ăn học sinh bán trú cấp tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và học viên (học chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông), mỗi em được hỗ trợ mỗi tháng 900.000 đồng (tăng 180 nghìn đồng/tháng so với hiện nay) không quá 9 tháng/năm học. Đồng thời, mỗi em được hỗ trợ mỗi tháng 15 kg gạo không quá 9 tháng/năm học và một số khoản hỗ trợ khác.

Hoàn thiện chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số, miền núi

Tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục học sinh dân tộc thiểu số

Bên cạnh đó, rà soát, sắp xếp mạng lưới các cơ sở giáo dục vùng dân tộc thiểu số và miền núi đảm bảo cơ sở khoa học, cơ sở pháp lý, phù hợp với quy hoạch, điều kiện thực tế của địa phương và có lộ trình hợp lý; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, đảm bảo quyền lợi học tập của học sinh; đáp ứng được các yêu cầu thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục của các trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú, trường dự bị đại học, các cơ sở giáo dục vùng dân tộc thiểu số, miền núi; tăng cường xây dựng các trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú đạt chuẩn quốc gia.

Ngoài ra, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường chuyển đổi số trong quản lý, dạy học; thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền nhằm phổ biến, giáo dục và nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, gia đình và cộng đồng về các chủ trương, chính sách của Đảng, Quốc hội và Nhà nước đối với phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.