Hơn 800 tỷ đồng thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi
Nhiều công trình nước sạch tập trung được xây dựng phục vụ đời sống, sinh hoạt của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh. Ảnh: TL

Là một tỉnh có trên 94% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống... giữa các dân tộc có sự chênh lệch lớn về sự phát triển. Trong khi người Tày, Nùng chủ yếu sinh sống ở khu vực thị trấn, thị tứ, thành phố và các thung lũng ven sườn đồi, những nơi có địa hình thuận lợi thì các dân tộc Mông, Dao, Lô Lô, Sán Chỉ... thường cư trú ở những vùng sâu, vùng xa, vùng núi cao có địa hình chia cắt phức tạp, khí hậu khắc nghiệt, giao thông đi lại khó khăn. Để thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các địa bàn, bằng nguồn ngân sách Trung ương, địa phương và nguồn vốn tín dụng, năm 2022, tỉnh Cao bằng đã đầu tư hơn 800 tỷ đồng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Theo đó, đối với nguồn vốn đầu tư phát triển hơn 515,7 tỷ đồng, tỉnh dự kiến phân bổ 69,4 tỷ đồng giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; hơn 29,3 tỷ đồng quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư; 500 triệu đồng cho huyện Nguyên Bình đầu tư phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng trồng dược liệu quý, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư; bố trí 343 tỷ 769 triệu đồng đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS thuộc các xã, xóm đặc biệt khó khăn.

Các chính sách đầu tư, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước giúp đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tỉnh Cao Bằng có điều kiện phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Nhờ đó, đồng bào DTTS tại các xóm, bản vùng sâu, vùng xa tại Cao Bằng có cuộc sống ấm no hơn.

Bố trí 34,5 tỷ đồng đầu tư đổi mới hoạt động, củng cố phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có học sinh ở bán trú và xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào DTTS; hơn 11,3 tỷ đồng bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch; hơn 16 tỷ đồng đầu tư phát triển nhóm dân tộc thiểu số rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn tại Bảo Lạc, Bảo Lâm; hơn 10 tỷ đồng đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Hơn 800 tỷ đồng thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi

Giờ thực hành môn tin học của học sinh trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Cao Bằng. Ảnh: TL

Hiện nay, đối với nguồn vốn đầu tư, UBND tỉnh đã chỉ đạo các huyện bố trí vốn cho một số dự án không vướng mắc mặt bằng, thủ tục đầu tư, tổ chức đấu thầu xây lắp trong năm, bảo đảm tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư đạt ở mức cao nhất. Trong số 703 công trình, dự án dự kiến phân bổ có 601 công trình, dự án thực hiện theo cơ chế đầu tư thông thường; 102 công trình thực hiện đầu tư theo cơ chế đặc thù quy mô nhỏ, kỹ thuật không phức tạp.

Đối với nguồn vốn sự nghiệp, UBND tỉnh tập trung chỉ đạo các sở ngành, UBND các huyện, Thành phố tổ chức rà soát danh mục, nội dung công việc để tổ chức thực hiện đạt tỷ lệ giải ngân vốn cao nhất.

Cao Bằng là tỉnh miền núi, cơ sở hạ tầng và đời sống của người dân còn nhiều khó khăn. Nhưng với quyết tâm chính trị cao, sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI "Một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020"; đời sống vật chất và tinh thần của người có công, người nghèo, dân tộc thiểu số và các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn từng bước được nâng lên, xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.