UBND huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình vừa tổ chức hội nghị tổng kết 20 năm thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 4/10/2002 của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn huyện.

Huyện Bố Trạch - Quảng Bình: Đời sống nhân dân được nâng cao nhờ tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi
Toàn cảnh hội nghị

Báo cáo từ UBND huyện Bố Trạch cho biết, trong 20 năm qua, với sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành và của cả hệ thống chính trị-xã hội, nhất là từ khi có Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, việc tổ chức triển khai tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ trên địa bàn huyện đã đạt được nhiều kết quả nổi bật.

Tính đến ngày 30/6/2022, dư nợ cho vay ủy thác qua 4 tổ chức hội, đoàn thể đạt 636,7 tỷ đồng, chiếm 99,4%, tăng 609,8 tỷ đồng so với năm 2002; tổng nguồn vốn hoạt động tại Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bố Trạch đạt 690.372 triệu đồng, tăng 658.750 triệu đồng (gấp 25,5 lần) so với thời điểm mới đi vào hoạt động.

Huyện Bố Trạch - Quảng Bình: Đời sống nhân dân được nâng cao nhờ tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi
Đại diện lãnh đạo Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Quảng Bình phát biểu tại hội nghị

Cũng trong 20 năm thực hiện tín dụng chính sách theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bố Trạch cho vay 128.037 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, với doanh số cho vay đạt 2.132,6 tỷ đồng, doanh số thu nợ đạt 1.489,9 tỷ đồng. Tổng dư nợ 16 chương trình tín dụng chính sách đến 30/6/2022 đạt 661.805 tỷ đồng, tăng 630.182 tỷ đồng, gấp hơn 20 lần so với dư nợ khi thành lập. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư phủ kín đến 100% các thôn, bản, tiểu khu, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện, tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu, đủ điều kiện được tiếp cận với nguồn vốn tín dụng chính sách thuận lợi, kịp thời.

Từ nguồn vốn được vay này, các hộ nghèo và các đối tượng chính sách đã tiếp cận được nguồn vốn, thực hiện tăng gia sản xuất, chăn nuôi gia súc, gia cầm… vươn lên thoát nghèo, chất lượng cuộc sống được cải thiện và nâng cao.

Những kết quả đạt được trong 20 năm qua đã khẳng định vai trò tín dụng chính sách xã hội đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của huyện, là công cụ, giải pháp có tính căn cơ, lâu dài để huyện thực hiện thắng lợi các mục tiêu, kế hoạch về giảm nghèo, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội, phục hồi, phát triển kinh tế.