Bình Thuận: Khơi dậy ý chí vươn lên để đồng bào giảm nghèo bền vững
Ảnh minh họa

Nhiều chính sách thiết thực

Với hơn 100.000 người đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS), cư trú rộng khắp trên địa bàn tỉnh, phổ biến là sống xen kẽ, trong đó, các dân tộc Raglai, Cơ Ho, Chơ Ro... sinh sống tập trung ở 11 xã thuần đồng bào dân tộc và 20 thôn xen ghép. Để thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ về giảm nghèo bền vững, giúp ĐBDTTS có cuộc sống ổn định, ấm no và phát triển, thời gian qua, tỉnh Bình Thuận đã có nhiều chủ trương, chính sách quan trọng.

Một trong những chính sách nổi bật là đầu tư ứng trước. Được triển khai từ năm 2016 đến nay tại các huyện: Bắc Bình, Tuy Phong, Hàm Thuận Nam, Tánh Linh, Đức Linh, Tuy Phong và Hàm Thuận Bắc, chính sách đầu tư ứng trước và trợ cước vận chuyển giống, vật tư đã len lỏi đến từng hộ gia đình và đã phát huy hiệu quả, góp phần giúp đồng bào có đủ giống, vật tư nông nghiệp đảm bảo chất lượng để yên tâm sản xuất. Ngoài ra, tỉnh còn chú trọng đến việc thực hiện bao tiêu sản phẩm với giá cả phù hợp để người dân vùng ĐBDTTS yên tâm, hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi, thúc đẩy phát triển sản xuất.

Hiện toàn tỉnh đã xây dựng được 11 cửa hàng ở các xã thuần ĐBDTTS vùng cao, 13 đại lý ở các thôn dân tộc thiểu số xen ghép nhằm cung ứng kịp thời giống lúa, bắp, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật các loại và chi phí cày đất phục vụ sản xuất của đồng bào.

Triển khai chính sách giải quyết đất sản xuất cho 14.279 hộ ĐBDTTS với hơn 15.281,08 ha (bình quân 1 ha/hộ). Phần lớn đất cấp được đồng bào đưa vào sản xuất, mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế hộ, đa dạng các mô hình sản xuất hiệu quả giúp người dân vươn lên thoát nghèo. Đặc biệt là các địa phương vùng miền núi đã thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển cây cao su như: Thực hiện đề án “Tái canh cây cao su” trên diện tích 250,84 ha. Đầu tư hạ tầng để tăng khả năng vận tải, lưu thông hàng hóa, thúc đẩy kinh tế phát triển.

Giảm nghèo bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số là một trong những chủ trương, nhiệm vụ lớn của Đảng và Nhà nước. Những năm qua, thực hiện chương trình giảm nghèo, nâng cao mức thu nhập, các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Bình Thuận đã nỗ lực cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước vươn lên để giảm tỷ lệ hộ nghèo.

Ngoài ra các hình thức trên, tỉnh còn thực hiện có hiệu quả các dự án, chính sách giảm nghèo, tạo điều kiện cho người nghèo vùng ĐBDTTS được tiếp cận với các dịch vụ xã hội tốt hơn.

Hỗ trợ bà con phát triển sản xuất

Bình Thuận: Khơi dậy ý chí vươn lên để đồng bào giảm nghèo bền vững
Đồng bào dân tộc thiểu số ở thôn Lâm Giang (Hàm Trí - Hàm Thuận Bắc) chăm chỉ canh tác. Ảnh TL minh họa

Ngoài triển khai nhiều chính sách để tạo điều kiện cho bà con phát triển sản xuất, tỉnh còn tập trung phát triển cơ sở hạ tầng đến từng thôn, bản. Tính đến đầu tháng 10/2022, tất cả các xã vùng ĐBDTTS của tỉnh có đường ô tô được nhựa hóa thông suốt đến trung tâm xã; 100% xã được phủ sóng truyền hình, truyền thanh và 95% hộ có phương tiện nghe nhìn; 98% hộ được sử dụng lưới điện quốc gia, có nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng; 100% xã có mạng Internet đến thôn.

Ngoài ra còn hỗ trợ bà con đa dạng hóa sinh kế bằng các mô hình cụ thể như: Hỗ trợ nuôi trâu, bò sinh sản, gà thả vườn, cây ăn trái cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hỗ trợ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, nông cụ sản xuất, mở lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật.

Việc triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo, người nghèo vùng ĐBDTTS tại tỉnh Bình Thuận còn được thể hiện thông qua việc tích cực triển khai các giải pháp tạo điều kiện để bà con phát huy được tính chủ động của mình trong lao động, chăn nuôi, sản xuất, để đem lại thu nhập ổn định, thoát nghèo bền vững.

Cùng với sự phát triển của truyền thông, người dân ngày càng hiểu biết hơn về chính sách hỗ trợ, kỹ thuật sản xuất, các mô hình hiệu quả. Hoạt động cho vay vốn đối với các hộ nghèo, hộ cận nghèo và gia đình chính sách vùng ĐBDTTS trên địa bàn tỉnh cũng nhận được sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp của các đoàn thể nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người nghèo được tiếp cận các nguồn vốn, tín dụng để phát triển kinh tế, tăng thu nhập.

Tính đến đầu tháng 10/2022 các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số hiện có hơn 400 sinh viên đang theo học các trường đại học, trung học, cao đẳng. Tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số đến đầu tháng 10/2022 giảm còn 3,64%, giảm 1,09% so với năm 2021. Thu nhập bình quân người dân ở các xã thuần đồng bào dân tộc thiểu số đạt 21,07 triệu đồng/người/năm.