Chú trọng cơ sở vật chất trường học

Hiện nay, toàn quốc có tổng số 316 trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) ở 49 tỉnh, thành phố với trên 109.250 học sinh nội trú. Hệ thống trường PTDTNT đã và đang phát huy hiệu quả, nâng cao chất lượng giáo dục vùng dân tộc thiểu số.

Ngoài việc dạy học văn hóa, các trường còn tổ chức các hoạt động nội trú, nuôi dưỡng, chăm sóc sức khỏe học sinh, giáo dục kỹ năng sống, hướng nghiệp, dạy nghề nhằm phát triển toàn diện về phẩm chất, năng lực cho học sinh. Nhiều trường tổ chức các hoạt động lao động sản xuất như trồng rau, chăn nuôi để hình thành cho học sinh kỹ năng lao động, tinh thần, thái độ, tôn trọng lao động.

Khuyến khích phát triển nguồn lực cho đồng bào dân tộc thiểu số
Khuyến khích phát triển nguồn lực cho đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh TL minh họa

Với đặc thù học sinh là người dân tộc thiểu số, các trường PTDTNT đã và đang đổi mới phương pháp dạy học phù hợp với thực tế và đối tượng học sinh. Nhiều trường lồng ghép kiến thức về môi trường vào các môn sinh học, địa lý; liên hệ với tình trạng chặt phá rừng làm nương rẫy ở địa phương, giúp học sinh hiểu được tác hại của việc chặt phá rừng, qua đó có ý thức trách nhiệm tuyên truyền, bảo vệ rừng ở ngay quê hương mình… Việc giảng dạy các bộ môn khoa học tự nhiên, tin học và ứng dụng đã bước đầu giúp các em tiếp cận những thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến.

Nằm trong hệ thống trường PTDTNT ở các huyện, Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Mường La - tỉnh Sơn La là điểm sáng về công tác đào tạo học sinh dân tộc thiểu số. Với phương châm "đẩy mạnh giáo dục toàn diện cho học sinh, vừa dạy chữ, vừa dạy người, xây dựng môi trường học tập lành mạnh, thân thiện, phát huy truyền thống đại đoàn kết dân tộc, chắp cánh ước mơ cho học sinh vùng cao". Trường đã tạo điều kiện cho giáo viên tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ để thực hiện phương pháp dạy học tích cực, thiết kế chương trình dạy học thành các hoạt động thực hiện trên lớp và ngoài lớp học.

Tại tỉnh Yên Bái, phát triển nguồn lực cho đồng bào dân tộc thiểu số cũng được tỉnh hết sức chú trọng. Theo đó, trong năm học 2020-2021, tỉnh Yên Bái đã đầu tư xây dựng mới Trường PTDTNT - Trung học phổ thông Yên Bái trên diện tích hơn 6 ha bằng nguồn vốn ngân sách địa phương. Trong đó, trường xây mới các khu nhà chức năng, nhà học bộ môn, phòng học, khu ký túc xá, nhà ăn, nhà công vụ cùng thiết bị giảng dạy đáp ứng việc dạy và học theo hướng hiện đại, tiên tiến. Hiện trường có 420 học sinh con em các dân tộc từ các địa phương được lựa chọn về học tại đây.

Tại tỉnh An Giang, nơi có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, việc đầu tư phát triển giáo dục ở các huyện có đông đồng bào dân tộc cũng được tỉnh đặc biệt quan tâm. Hiện tỉnh có 2 trường PTDTNT là Trường PTDTNT - Trung học phổ thông ở thành phố Châu Đốc và Trường PTDTNT - Trung học cơ sở Tri Tôn, ở huyện Tri Tôn.

Đặc biệt, đến nay, Trường PTDTNT - Trung học phổ thông An Giang đã xây dựng được thương hiệu của mình, trở thành một trong những trường chất lượng hàng đầu trong tỉnh, nền nếp, kỉ cương, an toàn và là một trong những trường PTDTNT - Trung học phổ thông (THPT) có uy tín trên toàn quốc. Với chất lượng giáo dục, nhà trường cũng đã tạo được niềm tin đối với các cấp lãnh đạo và cộng đồng các dân tộc thiểu số trong tỉnh.

Chú trọng chất lượng đội ngũ giáo viên

Đặc biệt, trong lĩnh vực giáo dục đào tạo vì sự phát triển của con người, tại tất cả các địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu sống sinh sống đều có những chính sách tuyển sinh phù hợp.

Tại tỉnh Thái Nguyên, ông Nguyễn Văn Hưng - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, việc tuyển sinh năm học 2022-2023 cơ bản giữ nguyên như năm trước. Theo đó, các học sinh diện chính thức các trường PTDTNT - trung học cơ sở đã tốt nghiệp trung học cơ sở (THCS); học sinh là người dân tộc ít người thuộc các dân tộc: Ơ Đu, Pu Péo, Si La, Rơ Măm, Cống, Brâu, Bố Y, Mảng, Cờ Lao, La Ha, Lô Lô, Lự, Phà Thẻn, La Hủ; học sinh khuyết tật có đủ hồ sơ hợp lệ; học sinh đạt giải cấp quốc gia và quốc tế về văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh THCS và THPT sẽ được tuyển thẳng vào lớp 10.

Tại tỉnh Hòa Bình, để chăm lo giáo dục cho các em học sinh đồng bào dân tộc thiểu số, đồng thời nâng cao chất lượng giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hòa Bình đã ban hành văn bản hướng dẫn các đơn vị trực thuộc về xây dựng kế hoạch tuyển sinh năm học 2022- 2023 khối các trường dân tộc nội trú và các trường trung học phổ thông.

Cụ thể, đối với các trường PTDTNT, chỉ tiêu kế hoạch tuyển sinh lớp 6 theo hướng ổn định quy mô, số học sinh tuyển mới lớp 6 bằng với số học sinh ra trường lớp 9 và đã xác định rõ được đối tượng vùng tuyển, chỉ tiêu cho từng vùng xét tuyển.

Với chỉ tiêu kế hoạch tuyển sinh lớp 10, quy mô tuyển mới phải phù hợp điều kiện cơ sở vật chất, đặc biệt là đội ngũ giáo viên cấp trung học phổ thông, cơ cấu giáo viên bộ môn…đã được giao biên chế và tính theo định mức giáo viên trên lớp, theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Tuy nhiên, do đặc thù khi vào học trong trường nội trú, học sinh còn nhỏ nên bản thân các em và gia đình đều coi thầy cô như cha mẹ. Vì thế, ngoài các chính sách ưu tiên giúp các em học sinh dân tộc nội trú nhanh chóng bắt kịp với các kiến thức xã hội, các trường PTDTNT đã đặc biệt chú trọng đến đội ngũ giáo viên, vì các thầy giáo, cô giáo trong các trường PTDTNT không chỉ dạy chữ mà còn phải dạy người, dạy đạo đức lối sống cho học sinh. Do vậy, tại các trường PTDTNT, đội ngũ giáo viên, ngoài giảng dạy chuyên môn còn phải có kỹ năng nghiệp vụ để giúp học sinh dân tộc thiểu số hòa nhập, tự lập và phát huy được các giá trị bản thân.