Phát triển toàn diện vùng đồng bào Khmer

Sự đổi thay diện mạo ở vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer đã bắt đầu, từ các công trình điện, đường, trường, trạm và nước sạch nông thôn được đầu tư đồng bộ kiên cố và vững chắc..., đã thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), biên giới, các xã đặc biệt khó khăn.

Với sự hỗ trợ đầu tư của trung ương, cùng sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền trong tỉnh, hàng loạt các công trình, dự án được triển khai thực hiện theo từng năm, từng mục tiêu để phục vụ dân sinh cho vùng đồng bào Khmer. Từ nguồn vốn Chương trình 135 của Chính phủ, 5 năm năm qua, tỉnh Kiên Giang đã đầu tư gần 80 tỷ đồng để xây dựng 121 công trình kết cấu hạ tầng phục vụ cho yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào Khmer.

Cùng với đó, Kiên Giang còn được trung ương hỗ trợ thông qua các chính sách đặc thù cho đồng bào Khmer, như cấp nước sinh hoạt phân tán cho 7.910 hộ đồng bào dân tộc Khmer nghèo, với kinh phí trên 10 tỷ đồng; xây dựng 19 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung cho vùng đồng bào dân tộc Khmer, với tổng kinh phí trên 135 tỷ đồng.

Kiên Giang: Diện mạo mới ở vùng đồng bào dân tộc Khmer
Nhiều hộ đồng bào dân tộc Khmer ở Kiên Giang đầu tư phát triển kinh tế từ trồng tiêu. Ảnh: Phương Nghi

Ông Danh Phúc - Trưởng ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang, cho biết: Nhiều năm qua, Kiên Giang triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả những đề án, chính sách vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cùng với kết quả xây dựng nông thôn mới, đã làm thay đổi diện mạo, khởi sắc nhiều vùng nông thôn, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Qua đó, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao, tạo tiền đề khơi dậy, phát huy vai trò chủ thể của đồng bào dân tộc thiểu số trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội.

Đến nay, hầu hết đã có đường ô tô đến trung tâm các xã; đường liên ấp, liên xã được nhựa hóa, bê tông hóa đạt 96%; số hộ sử dụng điện lưới quốc gia đạt 99,8%, số hộ sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 83,6%...

Kiên Giang: Diện mạo mới ở vùng đồng bào dân tộc Khmer
Đổi thay trên những con đường nông thôn vùng đồng bào dân tộc Khmer xã Phú Lợi (huyện biên giới Giang Thành – Kiên Giang) đã làm thay đổi cuộc sống người dân nơi đây. Ảnh: Phương Nghi

“Nhờ đó, diện mạo các phum, sóc đang thay đổi từng ngày, đời sống vật chất tinh thần đồng bào Khmer không ngừng cải thiện, hộ nghèo Khmer giảm nhanh. Đến cuối năm 2021, hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số của Kiên Giang theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giảm còn trên 3% (giảm 1,3% so với năm 2020); hộ cận nghèo giảm còn trên 6%, (giảm 0,78% so với năm 2020)” – ông Danh Phúc nói.

Đồng bào Khmer nỗ lực vươn lên thoát nghèo

Những năm gần đây Kiên Giang đã huy động các nguồn lực, lồng ghép nhiều chương trình, dự án để thực hiện công tác giảm nghèo bền vững trong đồng bào Khmer. Đặc biệt, nhiều hộ dân tự phấn đấu vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng, từ đó tích cực đóng góp xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo, góp phần làm thay đổi diện mạo vùng có đông đồng bào Khmer.

Về Gò Quao (tỉnh Kiên Giang) là huyện có đông đồng bào Khmer sinh sống (chiếm hơn 31%), những ngày này, trên khắp con đường dẫn vào các phum, sóc đều có hàng rào cây xanh rợp bóng, đường bê tông kiên cố, rộng rãi, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại và mua bán. Xa xa là những căn nhà mới khang trang mọc lên, lời ca, tiếng hát vọng ra từ chiếc ti vi màu, làm cho vùng quê trở nên nhộn nhịp, báo hiệu niềm vui trên khắp phum, sóc.

Kiên Giang: Diện mạo mới ở vùng đồng bào dân tộc Khmer

Ông Danh Chách (người Khmer) ở ấp Hòa An, xã Thủy Liễu (huyện Gò Quao – Kiên Giang), chăm sóc đàn dê từ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội, giúp ông có thu nhập và thoát nghèo bền vững. Ảnh: Phương Nghi

Ông Danh Chách (người Khmer) ở ấp Hòa An, xã Thủy Liễu (huyện Gò Quao – Kiên Giang), trước đây, gia đình ông loay hoay với việc trồng lúa nhưng thu nhập rất bấp bênh. Nhờ được chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới, trong đó có việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, ông mạnh dạn đến Ngân hàng Chính sách xã hội huyện vay vốn ưu đãi 50 triệu đồng. Với nguồn vốn này, ông mua 10 con dê cái giống và trồng cỏ.

Nhờ được hướng dẫn kỹ thuật nuôi dê chỉ sau hơn 3 năm, gia đình ông đã thoát nghèo, vươn lên khá giả. Cuộc sống ổn định, ông Chách ra sức cùng với chính quyền, nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới như trồng cây xanh ven đường, làm hàng rào và vận động người dân cùng xây dựng hố rác, nhà vệ sinh, đường giao thông nông thôn…

Còn ở ấp Trà Phọt, xã Phú Lợi (huyện biên giới Giang Thành – Kiên Giang) có ông Tiên Khol, người có uy tín cộng đồng luôn phát huy tính gương mẫu, nói đi đôi với làm. Ông Khol chia sẻ: “Tham gia xây dựng nông thôn mới, người dân ở đây hưởng ứng rất tích cực, thực hiện tốt các phần việc của hộ gia đình do xã phát động. Tôi và người dân ở đây tiếp tục nỗ lực lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình hiệu quả để góp phần xây dựng Giang Thành đạt nông thôn mới vào năm 2025, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia”.

Với việc thực hiện có hiệu quả các chính sách dân tộc, đã khẳng định sự quan tâm chăm lo của Đảng và Nhà nước đối với sự phát triển của đồng bào Khmer. Diện mạo ở các vùng có đông đồng bào Khmer sinh sống đã đổi thay, nhất là sự chuyển biến trong ý thức và ý chí tự lực vươn lên, xứng đáng với niềm tin của người dân./.