Kiên Giang: Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số xuống dưới 2%

Đường giao thông xã Nam Thái, tỉnh Kiên Giang được nhựa hóa, tạo thuận lợi cho người dân, trong đó có đồng bào dân tộc thiểu số đi lại, phát triển kinh tế. (Ảnh: T.L)

Ưu tiên phát triển toàn diện vùng dân tộc thiểu số

Tỉnh Kiên Giang có 49 trong tổng số 116 xã được phân định khu vực thuộc vùng dân tộc thiểu số với dân số hơn 261.130 người, chiếm gần 15% dân số toàn tỉnh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Lưu Trung cho biết, tỉnh chú trọng thu hút các nguồn lực để đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ vùng dân tộc thiểu số, kết nối với các vùng phát triển; đẩy mạnh phát triển các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, y tế, văn hóa, thực hiện đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo nhanh và bền vững.

Tỉnh xóa dần các phong tục tập quán lạc hậu, mê tín di đoan, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp, đặc trưng của các dân tộc, củng cố sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

Tỉnh Kiên Giang hiện có 27 dân tộc cùng sinh sống, đồng bào dân tộc thiểu số đứng thứ ba trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, với 70.340 hộ, chiếm khoảng 15,28% dân số toàn tỉnh (trong đó đồng bào dân tộc Khmer có 59.974 hộ, chiếm 13,03%; Hoa có 10.009 hộ, tỷ lệ 2,17%; dân tộc khác có 359 hộ, tỷ lệ gần 0,08%).

Tỉnh đề ra mục tiêu đến năm 2025 phấn đấu thu nhập bình quân đầu người dân tộc thiểu số tăng trên 2 lần so năm 2020; giảm tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số bình quân 0,4%/năm trở lên theo chuẩn nghèo quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 và đến năm 2030 giảm xuống dưới 2%; 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa, bê tông hóa; 99% hộ dân có điện sử dụng, 88% hộ có nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Tỷ lệ học sinh mẫu giáo 5 tuổi đến trường đạt 99%; 98% đồng bào dân tộc thiểu số tham gia bảo hiểm y tế...

Tỉnh giải quyết căn bản tình trạng di cư không theo kế hoạch trong đồng bào dân tộc thiểu số, quy hoạch, sắp xếp, di dời, bố trí 100% hộ dân tộc thiểu số đang cư trú phân tán; từ 80% trở lên số hộ nông dân người dân tộc thiểu số làm kinh tế nông - lâm nghiệp hàng hóa…

Đẩy mạnh chuyển đổi số vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Kiên Giang: Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số xuống dưới 2%
Ảnh minh họa

Để đạt những mục tiêu này, tỉnh đảm bảo nguồn lực thực hiện chiến lược công tác dân tộc, các chính sách đặc thù để khuyến khích, thu hút và hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, dạy nghề đối với con em đồng bào dân tộc thiểu số, tập trung đào tạo, bồi dưỡng các chuyên ngành có nhu cầu cấp thiết.

Kiên Giang tập trung các nguồn lực phát triển đồng bộ hạ tầng thiết yếu phục vụ sinh hoạt, sản xuất, giao thương, tăng cường kết nối thị trường, lưu thông hàng hóa đảm bảo yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số; phát triển mạnh hạ tầng kinh tế số, đẩy mạnh chuyển đổi số vùng đồng bào dân tộc, tăng cường nghiên cứu và ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ, khuyến khích khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh trong vùng đồng bào dân tộc.

Tập trung đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang công tác tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), đáp ứng yêu cầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; trong đó, chú trọng đào tạo, quy hoạch, xây dựng và phát triển tại chỗ đội ngũ cán bộ là người DTTS. Quan tâm tạo nguồn cán bộ, công chức, viên chức nữ là người DTTS; hỗ trợ nâng cao năng lực để đủ điều kiện giới thiệu tham gia các vị trí lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan, tổ chức của hệ thống chính trị; nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, dạy nghề đối với con em vùng đồng bào DTTS…

Đặc biệt, tỉnh sẽ phát triển mạnh hạ tầng kinh tế số, đẩy mạnh chuyển đổi số vùng đồng bào DTTS; xây dựng và phát triển đồng bộ hạ tầng dữ liệu quốc gia về dân tộc phục vụ công tác quản lý, điều hành, chỉ đạo của các cơ quan chức năng. Tăng cường nghiên cứu và ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ; khuyến khích khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, đổi mới, sáng tạo, phát minh, sáng chế phù hợp điều kiện đặc thù của các địa phương vùng đồng bào DTTS…/.

Mục tiêu đến năm 2030

Tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt 7%/năm; thu nhập bình quân đồng bào dân tộc thiểu số bằng 1/2 bình quân chung của cả tỉnh; giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 2%. Cơ bản không còn các xã, ấp đặc biệt khó khăn; trên 90% số xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt chuẩn nông thôn mới. Năng suất lao động xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số tăng bình quân 6,5%/năm; xóa tình trạng nhà đơn sơ, thiếu kiên cố. Phấn đấu có 80% số hộ nông dân đồng bào dân tộc thiểu số làm kinh tế nông - lâm nghiệp hàng hóa. Trên 80% ấp, xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số có đủ cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.