Đánh thức tiềm năng vùng núi miền Tây Nghệ An. |
Tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư
Miền Tây Nghệ An bao gồm 11 huyện, thị; trong đó có 5 huyện vùng cao gồm: Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Quế Phong, Quỳ Châu và 6 huyện, thị miền núi là: Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, thị xã Thái Hòa, Tân Kỳ, Anh Sơn, Thanh Chương. Những năm qua, công tác giảm nghèo của Nghệ An đạt kết quả tích cực; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, đến hết năm 2021 còn khoảng 2,74%. Tuy nhiên ở một số huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn ở khu vực miền Tây, tỷ lệ hộ nghèo còn cao.
Tại cuộc tọa đàm "Định hướng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội miền Tây Nghệ An" được tổ chức tại trụ sở Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung cho biết, Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết số 39-NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045 và Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Khu Dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An được UNESCO công nhận vào năm 2007 là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới trên cạn lớn nhất Việt Nam với tổng diện tích gần 1,3 triệu ha, dân số khoảng trên 1 triệu người với 6 dân tộc sinh sống. |
Trên cơ sở đó, toàn tỉnh Nghệ An, trong đó có khu vực miền Tây, sẽ phát triển nhanh, bền vững, phát huy tối đa lợi thế về kinh tế rừng, cửa khẩu; các giá trị lịch sử, văn hóa; ứng phó hiệu quả với phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu.
Theo PGS.TS Trần Đình Thiên - Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An, miền Tây Nghệ An là một trong những khu vực có tiềm năng, lợi thế thuộc tốp đầu cả nước. Nơi đây có điều kiện phát triển kinh tế rừng, phát triển du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm, khám phá cảnh quan gắn với trải nghiệm văn hóa cộng đồng các dân tộc; có lợi thế phát triển sản xuất sản phẩm đặc sản, các nguồn gen đặc hữu và phát triển kinh tế cửa khẩu, nhưng đây cũng là nơi đứng hàng đầu về độ khó phát triển so với cả nước.
Đề ra giải pháp, PGS.TS Trần Đình Thiên khuyến nghị, Nghệ An có thể học hỏi từ cách làm của tỉnh Sơn La. Cụ thể, định vị lại các tài nguyên, lợi thế hiện có của miền Tây từ đó lựa chọn hướng phát triển. Khi đã có tầm nhìn chiến lược, các chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư sẽ sát thực tiễn hơn. Khu vực miền Tây Nghệ An phải nghiên cứu tạo điều kiện cho doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp đầu vào để phát triển tập trung, nhằm tạo bước đột phá.
"Nghị quyết của Bộ Chính trị đã chỉ rõ, Nghệ An không chỉ là mong muốn xóa đói giảm nghèo, vượt khó mà còn là một Nghệ An khác, vì vậy những giải pháp và cơ chế chính sách hỗ trợ phải làm thế nào để tận dụng tối đa tiềm năng, dư địa của khu vực" - ông Thiên nêu rõ.
Một số dư địa được ông Thiên đưa ra trong tương lai đối với miền Tây Nghệ An là có thị trường carbon. Tại khu vực Bắc Trung bộ, trong đó có miền Tây Nghệ An, đang thực hiện chi trả dịch vụ tín chỉ carbon. Đây là nguồn lực bền vững, có thể giúp người dân hưởng lợi lâu dài.
Kiến tạo chính sách nhằm đánh thức tiềm năng vùng núi miền Tây Nghệ An. Ảnh: TL |
Trồng cây dược liệu, gắn phát triển sinh kế với bảo tồn
Ở góc độ doanh nghiệp, bà Thái Hương - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Sữa TH True Milk đề cao vai trò của đất đai, phải đánh giá nguồn lực đất đai của các nông, lâm trường ở miền Tây và có nguồn kinh phí đủ để rà soát lại, từ đó tái cấu trúc mạnh mẽ và giao lại cho các doanh nghiệp có chiến lược, tầm nhìn và khát vọng đầu tư.
Về cơ chế chính sách, bà Thái Hương cho rằng, mọi doanh nghiệp, thành phần sử dụng phải đóng thuế đất đầy đủ. Đối với những doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp, trồng cây 5-10 năm mới cho trái, như vậy phải có cơ chế chính sách về gói cho vay tín dụng ngắn, dài hạn.
Bà Nguyễn Thị Thu Huyền - Điều phối viên quốc gia, Chương trình tài trợ nhỏ - Quỹ Môi trường toàn cầu, Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) đề nghị, tỉnh Nghệ An tiếp tục quan tâm vấn đề trồng dược liệu dưới tán rừng; gắn phát triển sinh kế với bảo tồn một số loại cây như mét, dược liệu.
Đồng thời, quan tâm đầu tư phát triển du lịch cộng đồng bền vững tại một số điểm tiềm năng như rừng săng lẻ Tam Đình; Bản Xiềng, Khe Cớ (huyện Tương Dương) các xã Mường Lống, Mỹ Lý (huyện Kỳ Sơn)…
Đại diện UNDP đề nghị địa phương quan tâm chỉ đạo các chủ rừng phối hợp, xây dựng cơ chế chia sẻ lợi ích với cộng đồng, người dân nhằm quản lý và sử dụng rừng bền vững, xây dựng các vùng nguyên liệu chuẩn, tiến tới nâng cao giá trị sản phẩm và cuộc sống cho người dân.
Nói về phát triển miền Tây Nghệ An, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan khẳng định: Điều quan trọng là phải có ý chí, quyết tâm và thấy được giá trị tiềm năng, lợi thế của mình. Nghệ An có những tiềm năng, lợi thế về rừng, về biển. Bởi vậy cần xem những gì có thể làm được thì làm ngay và làm tốt nhất cái đó. Những gì còn băn khoăn, thì Bộ NN&PTNT với tỉnh Nghệ An cùng ngồi lại, thảo luận sâu, đảm bảo làm hiệu quả, an toàn. Có thể kéo doanh nghiệp làm du lịch biển lên phía Tây, tạo chiến dịch “Tây tiến”; lấy sức mạnh của biển để “nuôi” rừng. |