Làng nghề truyền thống mang đến thu nhập ổn định cho bà con dân tộc Mông ở Hà Giang
Cô gái Mông thao tác bên khung cửi. Ảnh: TL

Làm giàu từ nghề truyền thống, bỏ tập tục lạc hậu

Nói đến các làng nghề nổi tiếng của dân tộc Mông ở Hà Giang, không thể không nhắc đến nghề làm khèn; nghề trồng lanh dệt vải; may trang phục dân tộc, đan lát, nhuộm chàm, chạm bạc, rèn dao, rèn lưỡi cày... Các làng nghề đã mở ra hướng thoát nghèo cho đồng bào dân tộc Mông. Các sản phẩm không dừng lại ở chỗ phục vụ gia đình mà đã trở thành hàng hóa có mặt ở thị trường trong nước và quốc tế.

Trong đó, đặc biệt nổi bật là nghề dệt vải lanh. Hợp tác xã lanh Lùng Tám, huyện Quản Bạ đóng trên địa bàn tỉnh, vừa giải quyết việc làm cho lao động địa phương, vừa sản xuất các mặt hàng thổ cẩm phục vụ khách du lịch. Sản phẩm của hợp tác xã không chỉ dừng lại ở các mặt hàng quần áo truyền thống, mà còn có nhiều mẫu sản phẩm mới như: khăn, ví, túi xách, vỏ gối, khăn trải bàn...từ lanh với nhiều màu sắc và hoa văn tinh tế. Sản phẩm lanh Lùng Tám (huyện Quản Bạ) của bà con dân tộc Mông đã có mặt ở hơn 20 quốc gia trên thế giới, tạo công ăn việc làm cho đông đảo chị em phụ nữ dân tộc thiểu số với thu nhập ổn định.

Hiện trên địa bàn tỉnh có Hà Giang 11 làng nghề truyền thống của bà con dân tộc Mông. Các làng nghề này đã thu hút một lượng lớn lao động thường xuyên với mức thu nhập bình quân từ 2 đến 3,5 triệu đồng/người/tháng.

Từ khảo sát thực tế về làng nghề trên địa bàn cho thấy, công tác bảo tồn và phát huy các làng nghề truyền thống ở Hà Giang là một trong những vấn đề được lãnh đạo các cấp trong tỉnh quan tâm, chỉ đạo sát sao. Đó là việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế bền vững, vừa phục vụ du lịch, phát triển kinh tế địa phương, vừa giới thiệu những giá trị văn hóa phi vật thể của dân tộc đến du khách trong và ngoài nước.

Ngoài việc chú trọng phát triển các làng nghề, thúc đẩy kinh tế, nâng cao thu nhập cho bà con, các địa phương còn tập trung xóa bỏ các phong tục, tập quán lạc hậu trong đời sống bằng những cách làm sáng tạo. Điển hình như huyện Mèo Vạc, địa phương tập trung phần lớn đồng bào Mông sinh sống, ban thường vụ huyện ủy đã ban hành Đề án 13, ngày 2/8/2019 về cải tiến tổ chức đám tang trong vùng đồng bào dân tộc Mông, giai đoạn 2019 - 2020 và những năm tiếp theo. Theo đó, đại diện các dòng họ đã đăng ký với cấp ủy, chính quyền thực hiện các nội dung của đề án. Qua 3 năm thực hiện, đến nay hầu hết các đám tang đều được tổ chức gọn nhẹ, tiết kiệm, phù hợp với tập quán, văn hóa dân tộc. Ông Sùng Chứ Mua, xã Lũng Chinh, huyện Mèo Vạc cho biết: Trước đây, khi có đám tang, các gia đình làm lễ kéo dài trên 5 ngày, mổ 2 - 3 con bò, chưa tính gia súc, gia cầm khác như lợn, gà; chi phí lên tới trên 100 triệu đồng. Sau làm đám, không ít gia đình rơi vào cảnh nợ nần. Khi huyện triển khai Đề án 13 về cải tiến tổ chức đám tang, dòng họ đã ký cam kết không tổ chức đám quá 3 ngày, chỉ mổ một con lợn và một số ít gia cầm, không bắt buộc phải mổ bò. Tiền công cho thầy cúng cũng giảm xuống. Hiện nay, các gia đình có đám đều tổ chức gọn nhẹ, giúp tiết kiệm chi phí. Thôn cũng đã đưa nội dung cải tiến đám tang vào hương ước thôn, bản và được các gia đình cam kết thực hiện.

Giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống

Các làng nghề truyền thống góp phần nâng cao thu nhập cho cộng đồng người Mông
Những món đồ trong lễ cưới hỏi của người H’ Mông.

Đồng bào dân tộc Mông sinh sống chủ yếu ở các huyện: Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc, Hoàng Su Phì, Xín Mần với 2 nhóm chính là Mông trắng và Mông hoa. Người Mông có nhiều nét văn hóa truyền thống độc đáo, đậm đà bản sắc, thể hiện trong trang phục, ngôn ngữ, âm nhạc dân gian, lễ hội, nghề truyền thống… Tuy nhiên, trong nhịp sống hiện đại, sự giao thoa văn hóa diễn ra ngày càng phổ biến đã khiến cho nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống đứng trước nguy cơ bị mai một. Bên cạnh đó, trong đời sống của đồng bào dân tộc Mông cũng còn nhiều hạn chế cần được xóa bỏ như tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, tổ chức đám tang dài ngày, giết mổ nhiều gia súc, biến tướng của tục “kéo vợ”… ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, môi trường sống của đồng bào.

Ngày 21/4/2017, ban thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Đề án số 09 về bảo tồn, khôi phục, phát huy giá trị văn hóa đặc trưng của dân tộc Mông trên địa bàn tỉnh Hà Giang giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2030. Nội dung của Đề án, gồm: Bảo tồn, phát huy giá trị tiếng nói, chữ viết; trang phục, kiến trúc nhà ở, lao động sản xuất; xây dựng làng văn hóa du lịch cộng đồng ở các huyện có đông đồng bào Mông sinh sống; tổ chức các lễ hội truyền thống của dân tộc Mông; phát triển các hợp tác xã, làng nghề truyền thống…

Từ 2017 - 2021, toàn tỉnh mở 55 lớp dạy chữ và tiếng Mông cho 3.834 lượt người. Tổ chức các hội thi trình diễn trang phục truyền thống; mở lớp dạy nghề may, thêu trang phục truyền thống dân tộc Mông. Một số huyện đã thiết kế mẫu nhà truyền thống dân tộc Mông, định hướng xây dựng nhà bếp, chuồng trại chăn nuôi, công trình vệ sinh hợp lý để bảo tồn kiến trúc nhà ở.

Một số lễ hội truyền thống của đồng bào cũng được các cấp, ngành quan tâm khôi phục và tổ chức. Các huyện có dân tộc Mông sinh sống đều tổ chức Lễ hội Gầu Tào vào dịp Tết cổ truyền hàng năm. Một số địa phương còn tổ chức nhiều hoạt động như: Lễ hội Khèn Mông; biểu diễn nhạc cụ dân tộc Mông; Ngày hội văn hóa dân tộc Mông… tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong nhân dân.

Để triển khai tốt nội dung của đề án, các cấp, ngành đã xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện Đề án phù hợp với thực tế ở địa phương, với nhiều giải pháp linh hoạt, sáng tạo, bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần làm thay đổi cuộc sống của đồng bào Mông cả về vật chất và tinh thần của bà con dân tộc Mông nơi đây.

Với phương châm “gạn đục, khơi trong”, bảo tồn, phát huy những yếu tố tốt đẹp, loại trừ, xóa bỏ những phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng một nền văn hóa các dân tộc thiểu số tỉnh Hà Giang giàu bản sắc, phục vụ cho việc khai thác, phát triển du lịch cộng đồng, tạo sinh kế bền vững cho bà con là chủ trương đúng đắn nhằm hướng đến mục tiêu xây dựng văn hóa, con người đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.