Lào Cai thu gần 49 tỷ đồng từ cây chè Shan tuyết

Nông dân Bản Liền, huyện Bắc Hà vui mùa thu hoạch chè shan tuyết. (Ảnh: Xuân Cường)

Nỗ lực phát huy giá trị chè Shan tuyết Bắc Hà

Hiện Bắc Hà có 950 ha chè, trong đó có 700 ha trang trại chè hữu cơ. Chè Shan tuyết Bắc Hà là sản phẩm đầu tiên và duy nhất được Chương trình “Mỗi xã, một sản phẩm” (OCOP) của Lào Cai xếp hạng 5 sao, cũng là sản phẩm nông nghiệp hữu cơ đầu tiên của Việt Nam xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.

Vùng sản xuất chè hữu cơ trên địa bàn huyện Bắc Hà đã tạo việc làm và thu nhập thường xuyên cho trên 300 hộ dân với hơn 1.500 người, tại 4 thôn người Tày của xã Bản Liền. Năm 2025, địa phương dự kiến ​​mở rộng trang trại chè Shan tuyết lên 1.500 ha, tăng 803 ha so với năm 2022, tất cả đều theo hướng hữu cơ; đồng thời thực hiện cải tạo, thay thế diện tích chè già cỗi, trồng bổ sung đảm bảo mật độ, tập trung thâm canh tăng năng suất chè kinh doanh; đặc biệt mở rộng vùng canh tác chè shan tuyết hữu cơ lên đạt 1.500ha tại 2 xã Bản Liền và Tả Củ Tỷ. Chú trọng bảo tồn diện tích chè shan tuyết cổ thụ gắn với phát triển du lịch tại xã Hoàng Thu Phố.

Hiện nay, Bắc Hà còn khoảng 40 ha chè Shan tuyết cổ thụ do đồng bào dân tộc Mông, Tày, Nùng ở các xã miền núi Hoàng Thu Phố, Tả Củ Tỷ, Bản Liền chăm sóc... 700 ha trang trại chè Shan tuyết hữu cơ, chủ yếu ở các xã Bản Liền, Tả Củ Tỷ, Nam Khánh, Tả Van Chư và Hoàng Thu Phố.

Trong 9 tháng đầu năm nay, Bắc Hà thu hoạch 2.876 tấn chè búp tươi, 553 tấn chè khô, thu về hơn 48,8 tỷ đồng (1,96 triệu USD), mức doanh thu kỷ lục từ trước đến nay. Dự kiến, sản lượng búp tươi thu hái trong năm 2022 khoảng 3.700 tấn, cho thu nhập đạt trên 63,5 tỷ đồng, chiếm 5,2% tổng giá trị ngành nông nghiệp.

Sau 3 năm triển khai, các hộ tham gia mô hình đã có chuyển biến, nhận thức tốt trong áp dụng quy trình sản xuất chè hữu cơ. Tại vùng dự án, năng suất chè bình quân đạt 4,75 tấn búp tươi/ha/năm, tăng 30% - 35% so với năm 2019, cao hơn mục tiêu dự án 1,25 tấn/ha.

Đặc biệt năm 2022, huyện Bắc Hà hỗ trợ người dân 2 xã Bản Liền và Tả Củ Tỷ trồng mới 35ha chè shan hữu cơ. Cụ thể, tại xã Bản Liền hỗ trợ trồng 30ha với 85 hộ tham gia, xã Tả Củ Tỷ 5ha với 20 hộ tham gia, tổng kinh phí thực hiện 1,38 tỷ đồng từ nguồn vốn sự nghiệp thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Trong đó, nhà nước hỗ trợ 700 triệu đồng, còn lại là vốn đối ứng từ người dân.

Tham gia dự án, các hộ trồng chè được hỗ trợ giống, phân bón hữu cơ, kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái sản phẩm. Việc hỗ trợ mở rộng vùng trồng chè shan hữu cơ giúp khai thác tốt thế mạnh nông nghiệp tại địa phương, bảo tồn và nâng cao giá trị kinh tế cây chè shan tuyết.

Chè shan tuyết, giúp đời sống đồng bào được nâng cao

Lào Cai thu gần 49 tỷ đồng từ cây chè Shan tuyết
Chè shan tuyết được sao sấy bằng phương pháp truyền thống, lưu giữ được hương vị đặc sắc của núi rừng Tây Bắc. (Ảnh: Xuân Cường)

Chè shan tuyết cổ thụ Bắc Hà vốn nổi tiếng lâu nay, nhưng nhược điểm lớn nhất là chưa có sản phẩm được chế biến, thương hiệu, tem, nhãn... chưa bài bản; thị trường tiêu thụ, giá thành thiếu ổn định, hiệu quả kinh tế còn hạn chế...

Với mong muốn tiếp giải quyết đầu ra ổn định cho sản phẩm chè shan tuyết cổ thụ, quảng bá đặc sản, thương hiệu, góp phần phát triển du lịch gắn với nông nghiệp bền vững, Hợp tác xã (HTX) Quang Tôm đã mạnh dạn xây dựng thành công sản phẩm OCOP 3.

Chị Sải Thị Bích Huế, Giám đốc HTX Quang Tôm (xã Tà Chải) cho biết: "Hiện nay, Bắc Hà có nguồn nguyên liệu chè shan tuyết rất dồi dào. Chúng tôi thấy rằng, những cây chè ở đây rất có giá trị nhưng chưa được khai thác đúng mức. Vì vậy, chúng tôi đã xây dựng sản phẩm OCOP để giúp bảo tồn, phát huy giá trị của sản phẩm chè shan tuyết, giúp đời sống đồng bào được nâng cao".

Toàn bộ các khâu từ trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến của HTX đều theo tiêu chuẩn hữu cơ, đảm bảo nguyên tắc “ba không”, gồm: Không có sâu bệnh, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân hóa học, không pha tạp.

Trong quá trình sản xuất, HTX luôn đặt ra mục tiêu đổi mới tư duy và phương thức sản xuất để cho ra thành phẩm những sản phẩm chè shan tuyết có chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vì quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng và bảo vệ môi trường gắn với phát triển du lịch sinh thái.

Nhờ chú trọng phát triển vùng chè tuyết shan hữu cơ Bản Liền, nâng cao chất lượng chè ở các xã khác như Thải Giàng Phố, Tả Củ Tỷ, Nậm Khánh, Tả Văn Chư..., các xã đã chủ động ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với HTX Chè hữu cơ Bản Liền. Thị trường tiêu thụ thuận lợi, giá thu mua chè cao, ổn định, thị trường trong và ngoài nước, nhất là thị trường châu Âu có nhu cầu tiêu thụ cao sản phẩm hồng trà đã giúp HTX Chè hữu cơ Bản Liền tăng cường thu mua búp chè tươi có chất lượng tốt để chế biến xuất khẩu.

Nhờ đó, tình hình tiêu thụ chè ổn định, giá bán lá chè tươi năm 2022 trung bình khoảng 17.000 đồng/kg, tăng nhẹ so với cùng kỳ từ 2 - 3 ngàn đồng/kg so với năm trước./.

Xây dựng thành công sản phẩm OCOP 3

Hợp tác xã Quang Tôm hiện đã xây dựng thành công và được công nhận sản phẩm OCOP tiêu chuẩn 3 sao, sản phẩm được thị trường ưa chuộng, nhất là hồng trà, bạch trà, chè đen được người tiêu dùng Hà Nội, Sài Gòn, TP Lào Cai ưa chuộng. Chính vì vậy, vừa qua, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh Lào Cai phân hạng sản phẩm OCOP mới đợt 2 năm 2022, đánh giá sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh cho sản phẩm chè shan tuyết của Hợp tác xã.