Nâng cao chuỗi giá trị rừng nguyên liệu tạo thu nhập của bà con vùng dân tộc thiểu số
Nâng cao chuỗi giá trị rừng nguyên liệu tạo thu nhập của bà con vùng dân tộc thiểu số. Ảnh: TL

Độ che phủ rừng tăng

Theo thống kê của Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn-NN&PTNT), diện tích rừng hiện nay của Việt Nam khoảng 14,74 triệu hecta.

Năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, kế hoạch đặt ra mục tiêu giai đoạn 2021 - 2030, tỷ lệ che phủ rừng sẽ từ 42 - 43%, giá trị sản xuất tăng từ 5 - 5,5%, mục tiêu đến năm 2025 giá trị xuất khẩu đạt 18 - 20 tỷ USD, năm 2030 đạt 23 - 25 tỷ USD.

Hiện nay, cả nước có hơn 6.000 doanh nghiệp xuất khẩu lâm sản. Trước đây, nguyên liệu sản xuất Việt Nam phải nhập hoàn toàn từ các nước nhưng đến nay, số liệu nhập khẩu đã giảm dần. Đây được coi là một thành công trong việc cải thiện giống và trồng rừng.

Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nêu rõ: Tỷ lệ lao động làm việc trong lâm nghiệp được đào tạo nghề đạt 45% vào năm 2025 và 50% vào năm 2030; bảo đảm bình đẳng giới. Đến năm 2025 có 50% và đến năm 2030 có 80% số hộ miền núi, người dân tộc thiểu số sống ở vùng có rừng tham gia sản xuất lâm nghiệp hàng hóa. Đến năm 2025, mức thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số làm lâm nghiệp tăng trên 2 lần so với năm 2020; góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số mỗi năm giảm trên 3,0%; đến năm 2030 thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số bằng 1/2 bình quân chung cả nước.

Ông Vũ Thành Nam - Trưởng phòng Sử dụng rừng, Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, diện tích rừng tăng lên rất nhanh trong thời gian qua nhờ các giải pháp tổng thể của Chính phủ, Trung ương, chính quyền địa phương, đến người dân. Diện tích rừng trồng tăng 5-5,5% hằng năm, độ che phủ đạt chỉ tiêu của Quốc hội, Chính phủ, tạo việc làm cho hơn 2 triệu nông dân. Rừng trồng là nguồn cung cấp chính cho công nghiệp chế biến gỗ và xuất khẩu.

Bên cạnh đó, các chính sách về môi trường rừng, trồng mới 5 triệu ha rừng, lâm nghiệp bền vững 5 năm…; tất cả các chính sách này đều góp phần đẩy nhanh tốc độ trồng rừng, đến nay đã đạt 2 triệu khối gỗ rừng trồng được tiêu thụ, cung cấp nguyên liệu gỗ cho xuất khẩu hiệu quả.

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, rừng không chỉ đem lại giá trị về kinh tế mà còn đem lại giá trị về môi trường và xã hội, đặc biệt đem lại công ăn việc làm và thu nhập cho người dân sinh sống tại khu vực có rừng, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thông qua đó để tổ chức lại cộng đồng.

Nâng cao chuỗi giá trị rừng nguyên liệu - tạo thu nhập của bà con vùng dân tộc thiểu số
Cây trẩu được xem là cây lâm nghiệp đa mục đích, có giá trị kinh tế cao, vừa mang lại nguồn thu nhập nhanh và liên tục, giúp người dân cải thiện đời sống, xóa đói giảm nghèo. Ảnh: TL

Các chính sách chưa đồng bộ

Bên cạnh những kết quả đạt được, hiện nay các cơ chế chính sách trong trồng rừng gỗ lớn, tích hợp các giá trị của rừng chưa được đồng bộ; chính sách đầu tư hỗ trợ phát triển kinh tế lâm nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng, vai trò; việc trồng rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng chưa được quan tâm đầu tư; chưa phát huy được liên kết chuỗi giá trị rừng nguyên liệu…

Ông Trần Lâm Đồng - Phó Giám đốc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam đánh giá, Việt Nam là quốc gia tiếp cận chứng chỉ bảo vệ rừng từ sớm, tuy nhiên hiện nay rừng của bà con quản lý còn hạn chế, nhỏ lẻ. Còn ông Vũ Thành Nam cho rằng, trồng rừng gỗ lớn không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cao hơn cho các hộ gia đình, mà còn giúp giảm xói mòn, góp phần bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu. Hiệu quả của rừng gỗ lớn so với rừng gỗ nhỏ đã được khẳng định song loại rừng này vẫn chưa phát triển tương xứng.

Theo thống kê hiện tại, diện tích rừng trồng gỗ lớn sản xuất vào khoảng 1 triệu ha chủ yếu là các hộ gia đình, cá nhân quản lý, chiếm trên 60%. Diện tích rừng trồng gỗ lớn hiện nay đang được chuyển hóa khá khiêm tốn, có 440.000ha, chiếm hơn 10% tổng rừng trồng sản xuất (với cây trồng rừng trên 10 tuổi).

Nguyên nhân chính dẫn đến những khó khăn và vướng mắc trong trồng rừng gỗ lớn, đó là quỹ đất quy hoạch trồng rừng gỗ lớn quy mô nhỏ, nhiều chỗ dưới 1ha, manh mún, phân tán, không liền vùng. Việc trồng rừng gỗ lớn cần thời gian dài, người dân cần tiền phát triển kinh tế mà thời gian thì mất nhiều nên đây cũng là một trong những rào cản lớn. Mặt khác, do chu kỳ dài nên câu chuyện vay vốn, tiếp cận vốn vay khó, tuy chính sách nhà nước cũng đã có những hỗ trợ nhất định nhưng cũng không thể đáp ứng được hết nhu cầu...

Như vậy, việc nâng cao chuỗi giá trị rừng nguyên liệu không chỉ nhằm đảm bảo nguồn đầu vào cho ngành chế biến và xuất khẩu gỗ mà còn để người dân, nhất là khu vực vùng đồng bào dân tộc thiểu số sống nhờ rừng thêm cơ hội và điều kiện để phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng.

Để tháo gỡ vướng mắc, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 98/2018/NĐ-CP, Nghị định số 57/2018/NĐ-CP nhằm khuyến khích phát triển liên kết, hợp tác liên kết trong phát triển công nghiệp chế biến gỗ và khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Việc khai thác tốt tiềm năng, lợi thế cùng với các chính sách của Đảng, Nhà nước, nhất là chính sách hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, có ý nghĩa quan trọng để người dân có thêm điều kiện phát huy giá trị kinh tế, ổn định cuộc sống và phát triển bền vững từ rừng.

Do đó, trong thời gian tới, rất cần những giải pháp mang tính chất căn cơ để tháo gỡ các vướng mắc, tạo thuận lợi hơn cho phát triển vùng nguyên liệu rừng trồng theo hướng đa giá trị, khai thác hiệu quả các giá trị từ rừng, thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm gỗ bền vững, nâng cao thu nhập cho người trồng rừng…/.

Theo số liệu ước tính của Tổng cục Hải quan trong tháng 10/2023, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,2 tỷ USD, tăng 5,7% so với tháng 9/2023, nhưng giảm 0,9% so với tháng 10/2022. Tính chung 10 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 10,8 tỷ USD, giảm 19,9% so với cùng kỳ năm 2022.