Theo truyền thống, vào ngày Tết Roya Haji, cộng đồng Chăm ở hầu hết các thánh đường đều tổ chức đón mừng. Nhiều gia đình, tín đồ Muslim khá giả thực hiện nghi thức Kurbal là mua gia súc (bò, dê, cừu) để tế lễ, phân phát cho hộ nghèo trong làng cùng chia sẻ niềm vui ngày Tết Roya đầy yêu thương.

Tết Roya Haji được xem là ngày đại lễ

Đồng bào Chăm ở An Giang có hơn 17.000 người, tất cả đều theo đạo Hồi giáo, sinh hoạt ở 12 thánh đường và 16 tiểu thánh đường. Tết Roya Haji được xem là ngày đại lễ của cộng đồng Islam, kết thúc năm cũ 1443 Hồi lịch và bước vào năm mới 1444 Hồi lịch.

Ông Go Sa Ly - Phó giáo cả Thánh đường Masjid Al Mubarak (xã Châu Phong, TX. Tân Châu - An Giang), Chánh văn phòng Ban đại diện cộng đồng Hồi giáo Islam tỉnh An Giang cho biết: “Mừng Tết Roya Haji, các làng Chăm An Giang thực hiện nghi lễ Qur dâng tế đến thánh ALLA rồi phân phát cho bà con trong làng. Trong những ngày Tết Roya Haji, mọi người đều mặc trang phục dân tộc truyền thống đẹp nhất mà mình có. Khoảng 7 giờ sáng, đàn ông, con trai trên 15 tuổi tập trung tại Thánh đường làm lễ (phụ nữ hành lễ tại nhà), sau khi hành lễ xong mọi người sẽ đi thăm hỏi cha mẹ, anh, chị, em, làng xóm của mình và xin Maaf (xin tha thứ) và xóa bỏ những hiềm khích".

Ông Go Sa Ly cũng cho biết, trong ngày Tết Roya Haji, khi ra đường gặp nhau chào hỏi đều phải nói Maaf và người kia cũng đáp lại như vậy, nên ý nghĩa đầu tiên của ngày này là xin lỗi và sự tha thứ. Chính vì vậy, cộng đồng người Chăm ở An Giang còn gọi Tết “Roya yêu thương”. Đây là một trong những nét đẹp của người Chăm An Giang được duy trì đến ngày hôm nay…

Người Chăm An Giang mừng Tết Roya Haji đầy yêu thương
Lãnh đạo Ủy ban Dân tộc và tỉnh An Giang chúc mừng các chức sắc, giáo cả cộng đồng dân tộc Chăm (tỉnh An Giang), đón Tết Roya Haji đầm ấm, trang trọng.

Lâu rồi Tết Roya Haji của làng Chăm An Giang mới lại nhộn nhịp như năm nay. Từ đầu làng đã thấy cờ phướn rực rỡ, nhà nhà lo thu dọn để chuẩn bị đón Tết. Những ngày Tết Roya Haji, khắp các gia đình, các Thánh đường rộn ràng, tươi vui và thấp thoáng sau chiếc khăn che mặt của cô gái Chăm dịu dàng... nhiều du khách đến các làng Chăm An Giang tham quan, chung vui đều được các gia đình người Chăm tiếp đãi hết sức chân tình, nồng hậu, tạo thành nét sinh hoạt văn hóa truyền thống hết sức độc đáo và thú vị.

Người Chăm An Giang mừng Tết Roya Haji đầy yêu thương

Đồng bào dân tộc thiểu số Chăm An Giang phấn khởi đón tết Roya Haji.

Hình ảnh cô gái Chăm với trang phục truyền thống bên khung cửi không chỉ thể hiện bản sắc văn hóa, của dân tộc, mà còn là điểm nhấn độc đáo, duyên dáng đặc trưng của phụ nữ Chăm ở An Giang. Nghệ nhân ưu tú Zây Mah thợ dệt thổ cẩm Châu Giang, ấp Phũm Soài (xã Châu Phong - TX. Tân Châu - An Giang), chia sẻ: “Ngay từ khi còn nhỏ, các cô gái Chăm được mẹ chỉ cách làm các món ăn, món bánh truyền thống và đặc biệt truyền lại nghề thêu, dệt thổ cẩm, một nghề truyền thống của dân tộc. Tuy công việc này vất vả, nhưng mình thấy rất vui và đây là nghề truyền thống nên mình muốn giữ lại, không muốn nó mất đi, dù cực cách mấy nữa mình cũng cố gắng làm, với lại dệt thủ công thì màu không được sắc sảo nhưng sử dụng rất bền. Ở đây dệt 3 sản phẩm, còn một số sản phẩm nữa là lấy ở chỗ khác về để bán cho khách du lịch và bán cho những người trong làng…”.

Người Chăm An Giang mừng Tết Roya Haji đầy yêu thương
Nghệ nhân ưu tú Zây Mah thợ dệt thổ cẩm Châu Giang, ấp Phũm Soài (xã Châu Phong – TX. Tân Châu – An Giang), giới thiệu các sản phẩm thổ cẩm Châu Giang đến du khách.

Giờ đây, đồng bào Chăm đã cởi mở và hòa nhập cộng đồng hơn rất nhiều. Những năm qua, nhờ thực hiện hiệu quả từ các chương trình hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống của đồng bào Chăm đang dần được cải thiện. Trưởng ban Đại diện cộng đồng Hồi giáo Islam tỉnh An Giang, Giáo cả Haji Jacky cho biết: “Những năm qua, cộng đồng người Chăm An Giang được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, nên nay cuộc sống của đồng bào Chăm ở đây đã ổn định và ngày càng sung túc. Với phương châm sống “Tốt đời, đẹp đạo”, các chức sắc, giáo cả luôn tuyên truyền cho tín đồ tinh thần yêu nước, đoàn kết gắn bó, đồng hành với dân tộc, thực hiện đúng giáo lý của Islam.

“Hơn thế nữa, chính quyền địa phương đã tạo điều kiện đưa tiếng nói và chữ viết Chăm vào chương trình dạy song ngữ của trường tiểu học, giúp con em đồng bào Chăm được học tiếng và chữ viết của dân tộc mình. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương còn hỗ trợ giữ gìn và phát huy những đặc sắc văn hóa dân tộc Chăm, tổ chức giao lưu thể thao, văn nghệ với các dân tộc khác trong tỉnh...” - Giáo cả Haji Jacky nói.

Du khách sẽ quay trở lại

Mùa Roya Haji, bà con người Chăm đã đón một cái Tết đầm ấm, trang trọng. Có dịp đi qua các làng Chăm Châu Giang, bâng khuâng nhớ về điệu múa uyển chuyển của các cô thiếu nữ Chăm mừng lễ hội, âm thanh rộn ràng của trống Baranung, Ginăng... Nhiều du khách tự nhủ với lòng, có dịp sẽ về thăm lại những làng Chăm An Giang.