Nhắc đến thầy giáo Đào Văn Phước thì có lẽ trong cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu không ai mà không biết và không quý mến. Hơn 35 năm gắn bó với nghề giáo nhưng đã có gần 30 năm thầy Phước dồn hết tâm huyết cho ngôi Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Bà Rịa - Vũng Tàu. Thầy chính là một trong những người đã đặt viên gạch đầu tiên để xây dựng và phát triển ngôi trường cho đến ngày hôm nay.

Người thầy tâm huyết phát triển bộ từ điển Việt - Chơ Ro cho đồng bào
Thầy Đào Văn Phước tại Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam.

Đối với thầy Đào Văn Phước, việc truyền dạy văn hóa dân tộc cho các học trò của mình là một nhiệm vụ quan trọng. Đặc biệt hơn, là tâm huyết giữ gìn tiếng nói và phát triển chữ viết cho đồng bào suốt nhiều năm qua.

Theo đó, thầy Phước đã cùng cộng tác với nhà nghiên cứu Trần Tấn Vĩnh - là một trong những người tiên phong về bảo tồn văn hóa dân tộc Chơ Ro, để hoàn thiện bộ từ điển Việt - Chơ Ro, được Sở Khoa học công nghệ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nghiệm thu năm 2007. Thầy Phước đã xin phép cho trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu được thụ hưởng thành quả nghiên cứu này, cũng như xin phép tỉnh cho thử nghiệm dạy tiếng Chơ Ro học sinh của trường, thông qua hình thức Câu lạc bộ ngoại khóa.

Người thầy tâm huyết phát triển bộ từ điển Việt - Chơ Ro cho đồng bào

Thầy giáo Đào Văn Phước còn là một người nghệ sĩ dân tộc thực thụ khi giành 2 huy chương vàng toàn quốc về dân ca nhiều năm qua.

Dành gần cả cuộc đời cho giáo dục, cho văn hóa truyền thống của dân tộc, tuy nhiên chia sẻ về mình, thầy Phước vẫn luôn khiêm tốn: “Đóng góp của mình chỉ nhỏ như hạt bụi. Đảng, Nhà nước đã quan tâm, tạo điều kiện cho mình ăn học, có tri thức thì giờ đây mình dùng tri thức đó truyền thụ lại cho các thế hệ tiếp nối một cách tốt nhất. Đó là trách nhiệm và nghĩa vụ chứ không thể vì đó mà kể công. Mình thấy hạnh phúc vì những gì đã trải qua, vì những gì đã được cống hiến”.

Thầy Phước cho biết, hiện đang chuẩn bị giáo trình và các phương án để có thể đưa việc giảng dạy tiếng nói và chữ viết Chơ Ro vào chương trình chính thức. Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả, điều quan trọng nhất là phải làm sao dạy cho các em hiểu được giá trị của việc phải gìn giữ và lưu truyền bản sắc của dân tộc mình. Từ việc hiểu đúng, hiểu đủ về trách nhiệm của bản thân với dân tộc, với cha ông thì các em mới yêu thích và sẵn sàng học tiếng nói, chữ viết và các hình thức văn hóa dân gian khác của đồng bào Chơ Ro.