Nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại Bắc Giang thoát nghèo nhờ trồng măng
Cán bộ Hội Nông dân xã Thanh Luận (Sơn Động) kiểm tra mô hình sản xuất măng mai tại hộ anh Hoàng Văn Hà, thôn Rỏn (Ảnh: T.L)

“Gỡ nút thắt” đưa đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo

Là xã đặc biệt khó khăn của huyện Sơn Động tỉnh Bắc Giang, trước đây đời sống người dân ở xã Thanh Luận còn nhiều vất vả, tỷ lệ hộ nghèo cao (chiếm hơn 50% dân số). Nhận thấy giống măng mai có khả năng phát triển phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu địa phương, hơn chục năm trước, UBND xã đã tuyên truyền, mở rộng diện tích trồng cây măng mai gần khe suối, khu vực ẩm thấp.

Theo đó, địa phương đã hỗ trợ các hộ nhân giống, đồng thời hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm. Nhờ đó diện tích trồng măng mai tăng nhanh, hiện toàn xã đã có 24 hộ trồng măng với 12 ha, tập trung nhiều ở các thôn: Rỏn, Náng, Gà và Thanh Hà. Cũng nhờ trồng măng, nhiều hộ có thu nhập ổn định và thoát nghèo.

Tiêu biểu phải kể đến gia đình anh Hoàng Văn Tích, dân tộc Tày, thôn Rỏn xã Thanh Luận đã thoát nghèo từ cây măng mai. Anh Tích chia sẻ, trước đây trên diện tích 4 sào đất nông nghiệp, gia đình trồng ngô, lúa nên chỉ đủ ăn. Được địa phương vận động, gần 10 năm trước, anh trồng 100 búi măng mai dọc suối gần nhà. Mỗi năm, gia đình anh thu về gần 50 triệu đồng từ bán măng. Nhờ đó mà thu nhập ổn định hơn, anh cùng gia đình cũng đã mở rộng thêm diện tích trồng mang mai để tăng thêm thu nhập.

Vùng dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh Bắc Giang có địa bàn rộng, với 188 xã, chiếm 72,8% diện tích tự nhiên. Người dân tộc thiểu số ở tỉnh có hơn 257 nghìn người, chiếm 14,26% số dân toàn tỉnh. Để từng bước giảm nghèo, vươn lên làm giàu, những năm qua, cùng với chính sách hỗ trợ, đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây đã mạnh dạn trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi.

“Dù thời gian thu hoạch ngắn (từ tháng 6 đến tháng 8 Âm lịch) song cây mang mai do dễ chăm sóc, sản phẩm tiêu thụ thuận lợi nên người trồng măng có thu nhập ổn định. Nhờ cây măng mai này, nhiều hộ DTTS đã thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã xuống còn 32,5%. Tới đây UBND xã sẽ tuyên truyền, vận động người dân mở rộng diện tích trồng ven suối, giáp khu đất lâm nghiệp của các gia đình” , đồng chí Vũ Bá Mừng, Chủ tịch UBND xã Thanh Luận nói.

Hỗ trợ hình thành chuỗi liên kết

Theo thống kê của Ban Dân tộc tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2018 - 2020, ngân sách Trung ương, tỉnh đã đầu tư gần 4,3 tỷ đồng để thực hiện 13 dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo. Qua các dự án có 638 hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ, đưa các giống mới vào canh tác như: Vải lai Thanh Hà, nhãn ghép T6, nhãn ghép siêu ngọt, hồng xiêm xoài, ong... Cùng thời gian, từ nguồn vốn Chương trình 135, tỉnh bố trí gần 85 tỷ đồng hỗ trợ phát triển sản xuất tại vùng DTTS và miền núi. Giai đoạn 2021 - 2025, bằng nguồn vốn sự nghiệp ngân sách Trung ương và vốn vay, tỉnh bố trí gần 110 tỷ đồng để hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị tại khu vực này.

Nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại Bắc Giang thoát nghèo nhờ trồng măng
Trồng măng không đòi hỏi nhiều vốn đầu tư, lại dễ chăm sóc (Ảnh: T.L)

Sự quan tâm của các cấp, ngành đã khiến diện mạo khu vực này có những thay đổi căn bản, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 5%/năm. Tuy nhiên, do tập quán sản xuất cũng như những thách thức từ điều kiện tự nhiên nên kết quả giảm nghèo tại vùng DTTS chưa bền vững, tỷ lệ hộ nghèo còn cao...

Một số mô hình sau khi được triển khai khó nhân rộng do liên kết tiêu thụ chưa được thực hiện. Năm 2017, Ủy ban Dân tộc hỗ trợ 51 hộ đồng bào DTTS tại xã Canh Nậu (Yên Thế) trồng 15 ha bưởi. Đến nay cây phát triển tốt, sai quả song do tiêu thụ khó khăn, giá thấp nên các hộ ngại mở rộng, những hộ khác cũng không muốn chuyển đổi...

Nhìn nhận những khó khăn, thách thức đó, trong kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2021 - 2025, các huyện đều đặt ra mục tiêu cụ thể để hỗ trợ phát triển kinh tế, trong đó xác định rõ những cây, con đặc sản, phù hợp với tập quán sản xuất và đặc thù địa bàn.

Đáng chú ý các địa phương đều có kế hoạch hỗ trợ các hộ liên kết sản xuất, tiêu thụ. Tại huyện Sơn Động, UBND huyện xác định 4 sản phẩm đặc trưng tập trung hỗ trợ để phát triển tại vùng DTTS gồm: Ong, măng mai, gà (gà sáu ngón, gà đồi) và lợn. Để các sản phẩm này phát triển, cùng với quan tâm đưa công nghệ vào sản xuất, UBND huyện yêu cầu các xã đưa các hợp tác xã tham gia chuỗi liên kết. Với những địa phương chưa có hợp tác xã sẽ vận động các hộ tham gia mô hình cùng nhau thành lập. Tương tự, huyện Yên Thế cũng xác định ưu tiên phát triển mô hình nuôi bò, dê và cây dược liệu./.

Dù thời gian thu hoạch ngắn (từ tháng 6 đến tháng 8 Âm lịch) song cây mang mai do dễ chăm sóc, sản phẩm tiêu thụ thuận lợi nên người trồng măng có thu nhập ổn định. Nhờ cây măng mai này, nhiều hộ dân tộc thiểu số đã thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã xuống còn 32,5%. Tới đây UBND xã sẽ tuyên truyền, vận động người dân mở rộng diện tích trồng ven suối, giáp khu đất lâm nghiệp của các gia đình”.

Ông Vũ Bá Mừng, Chủ tịch UBND xã Thanh Luận