Nhà trưng bày văn hóa Khmer tỉnh Sóc Trăng hiện đang lưu giữ khoảng 470 hiện vật, tư liệu cổ quý, mô hình, bảng trích phản ánh đậm nét về đời sống văn hóa tinh thần và vật chất của người Khmer; được trưng bày khá đa dạng, phong phú từ nông cụ sản xuất, nông cụ đánh bắt thủy, hải sản, đồ dùng sinh hoạt hàng ngày đến tín ngưỡng, tôn giáo; nhạc cụ dân tộc, nghệ thuật sân khấu, các lễ hội…

Nơi bảo tồn, gìn giữ văn hóa Khmer
Tái hiện Lễ Lôi Prôtip (thả đèn nước) với mô hình không gian ngôi chánh điện chùa Phật giáo Nam Tông Khmer.

Nhà trưng bày, trước đây có tên gọi Hội Samacum, nơi hội họp của nhiều sư sãi Khmer Nam bộ (dưới thời thực dân Pháp là Hội đào tạo trí thức Khmer Nam bộ). Để thích nghi với tên gọi ấy, Hội bắt đầu mở trường trung học dạy tiếng Khmer – Việt – Pháp cho học sinh. Đến năm 1955 – 1960 dưới chế độ Ngô Đình Diệm không cho mở các lớp học chữ Khmer nữa. Đến năm 1986, Sở Văn hóa thông tin Hậu Giang cũ tiếp nhận làm Nhà truyền thống Khmer, đến năm 1992 khi chia tỉnh Sóc Trăng, với tên gọi nhà trưng bày Văn hóa Khmer Sóc Trăng.

Nơi bảo tồn, gìn giữ văn hóa Khmer
Các nông cụ thủ công đơn sơ trong lao động sản xuất, sinh hoạt thường nhật của đồng bào Khmer Sóc Trăng.

Vào bên trái nhà trưng bày, du khách được giới thiệu về văn hóa tâm linh của đồng bào Khmer Sóc Trăng, ngôi chùa Phật giáo Nam tông Khmer chiếm vai trò chủ đạo. Du khách có thể thấy ở vị trí trang trọng nhất tái hiện một phần không gian ngôi chánh điện chùa Phật giáo Nam Tông Khmer; hình ảnh giới thiệu hệ thống chùa Khmer ở Sóc Trăng…

Tiếp theo là phần lễ hội với mô hình Lôi Pro típ (thả đèn nước) được diễn ra trong đêm lễ xuất hạ (nhằm 14/9 âm lịch). Lễ Oóc om bóc (gọi lễ cúng trăng), trong lễ có hội đua ghe ngo mà người Khmer rất ưa thích, cùng với thuyền Cà Hâu, loại thuyền chuyên chở hậu cần và nhạc công để đi theo cổ vũ cuộc đua ghe ngo.

Tiếp đó, nhà trưng bày giới thiệu về các nông cụ thủ công đơn sơ trong lao động sản xuất, sinh hoạt thường nhật của đồng bào Khmer như vòng gặt lúa, nọc cấy và chuôi vòng gặt được làm bằng chất liệu sừng và trang trí hình học và hình mỏ chim, cày, bừa, trục.

Mô hình nhà sàn và những mô hình lao động sản xuất xưa của người Khmer như làm mộc, làm đồng, dệt vải, dệt chiếu. Vật dụng dùng để đánh bắt cá chủ yếu được làm bằng tre là Chneng (người nữ sử dụng để bắt cá, tép), Ngrút (nôm) được người nam sử dụng đánh bắt cá; dụng cụ lấy lửa làm bằng chất liệu gỗ; hộp đựng trầu cau, lọ vôi, bình trà và hộp thuốc bằng sừng và rễ cây, bình chứa nước thơm (dùng để vẩy vào các phật tử ban phước lành).

Nơi bảo tồn, gìn giữ văn hóa Khmer
Mô hình tái hiện lại không gian nghệ thuật sân khấu kịch múa Rô – băm.

Những đồ dùng sinh hoạt của sư như bình bát khất thực, cà men, quạt thomer, bộ áo cà sa của sư, gối tựa bên hong và ghế thuyết pháp dùng cho các vị sư ngồi thuyết pháp trong các ngày lễ. Riêng y phục truyền thống Khmer được sử dụng rất phong phú và đa dạng theo từng thời điểm khác nhau.

Về các làng nghề truyền thống của đồng bào Khmer như nghề dệt chiếu, điêu khắc gỗ, đan đát, cốm dẹp và nhiều nghề thủ công khác… Hiện vật trưng bày gồm hình ảnh và công cụ lao động như khung dệt vải, khu dệt chiếu; cối và chày giã cốm dẹp và các sản phẩm điêu khắc bằng gỗ, tre nứa, đan nát, các tác phẩm điêu khắc hội họa, tranh vẽ trên kiếng, trên vải… được chạm khắc, chế tác từ đôi bàn tay khéo léo tài hoa của các nghệ nhân Khmer.

Nơi bảo tồn, gìn giữ văn hóa Khmer

Các loại nhạc cụ dân tộc cổ truyền của đồng bào Khmer; đàn Chapây chamriêng (tầng 2 từ trên xuống).

Bên phải nhà trưng bày, du khách sẽ được tìm hiểu về đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào Khmer được thể hiện sâu sắc, phong phú thông qua sự đa dạng của các hiện vật như mô hình tái hiện lại không gian nghệ thuật sân khấu kịch múa Rô – băm (nghệ thuật múa là chính yếu, tuồng tích được rút ra từ các truyền thuyết thần thoại); nghệ thuật sân khấu Dù kê (thể loại kịch hát Khmer ra đời ở Đồng bằng sông Cửu Long vào khoảng những năm 1929 – 1930).

Chính sự ra đời của nghệ thuật sân khấu tạo điều kiện cho âm nhạc phát triển với nhiều loại nhạc cụ được sáng tạo rất phong phú và đa dạng như Phlêng Pinpét còn gọi là dàn nhạc ngũ âm (5 chất liệu: đồng, gỗ, sắt, da, hơi); bộ trống Chhayam (chỉ dành riêng cho nam); dàn nhạc môhôri (dàn nhạc dây thường được sử dụng trong đám cưới, trong sân khấu Dù kê và các nghi lễ khác); đàn Chapây Chamriêng (loại đàn độc tấu)... cùng với hình tượng chim thần Krút, tượng Êra, Kâyno, mô hình lò thêu, mô hình quan tài đại đức... được đặt dưới các mái hiên chùa, tất cả đều được chạm trổ rất tinh tế thể hiện sâu sắc tinh thần, sắc thái dân tộc Khmer...

Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Sóc Trăng - bà Sơn Narin cho biết, hàng ngày, nhà trưng bày Văn hóa Khmer tỉnh Sóc Trăng mở cửa đón khách tham quan từ 7 đến 17 giờ từ thứ ba đến chủ nhật hàng tuần, kể cả ngày lễ. Trung bình mỗi tháng đón khoảng 600 lượt khách đến tham quan, nghiên cứu, vui chơi, giải trí, có cả khách ngoài nước.

“Nhà trưng bày Văn hóa Khmer tỉnh Sóc Trăng chính là nơi bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa của đồng bào Khmer. Thời gian tới, nếu điều kiện cho phép, nhà trưng bày sẽ sưu tầm thêm nhiều hiện vật đặc biệt quý hiếm để phục vụ khách tham quan ngày càng tốt hơn” – bà Sơn Narin nói.

Trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nhà trưng bày Văn hóa Khmer tỉnh Sóc Trăng có thể xem là một trong những điểm trưng bày tiêu biểu, còn lưu giữ được các hiện vật thể hiện rõ bản sắc văn hóa, tinh thần, quá trình phát triển cuộc sống của đồng bào Khmer./.