![]() |
Bà con dân tộc thiểu số huyện Chư Pawh, tỉnh Gia Lai thu hoạch cà phê chính vụ.Ảnh: S. Nam |
Người trồng thu lợi lớn
Toàn tỉnh Gia Lai hiện có trên 98 ngàn ha cà phê. Trong đó, diện tích đang kinh doanh hơn 87 ngàn ha, tập trung chủ yếu tại các huyện: Đak Đoa, Ia Grai, Chư Prông, Chư Păh, Mang Yang, Đức Cơ, Kbang.
Theo chia sẻ của nhiều hộ dân trồng cà phê, năm nay giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng cao kéo theo chi phí đầu tư của bà con tăng thêm. Để giảm bớt chi phí đầu tư, đa số nông dân trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã chuyển hướng sang thâm canh hữu cơ, tận dụng nguồn phế phẩm nông nghiệp, phân hữu cơ để làm nguồn phân bón chính cho vườn cây.
Bên cạnh đó, nhiều diện tích tái canh cà phê ứng dụng giống mới đã được thu hoạch, góp phần tăng năng suất, giá trị, sản lượng cà phê. Ngoài ra, trong năm nay, giá cà phê ở mức cao nên người dân quan tâm đầu tư, chăm sóc cho vườn cây khá tốt, mang lại triển vọng lạc quan cho ngành hàng cà phê và bà con sản xuất cà phê.
Huyện Đak Đoa có diện tích cà phê lớn nhất tỉnh với hơn 28 ngàn ha, trong đó, khoảng 26 ngàn ha đang trong giai đoạn kinh doanh. Chị H’Ngơnh, làng Ktăng, xã Kdang huyện Đak Đoa cho biết, gia đình chị có 3,5 ha cà phê. Năm ngoái, trừ chi phí đầu tư, chị thu được hơn 400 triệu đồng. Nếu giá ổn định khoảng 60 ngàn đồng/kg cà phê nhân như hiện nay thì gia đình thu về khoảng trên 500 triệu đồng trong vụ này.
Ông Nguyễn Ngô Hùng - quyền Giám đốc Công ty Cà phê Ia Sao 2, huyện Ia Grai tỉnh Gia Lai, cũng cho biết công ty có 464 ha cà phê, dự kiến năng suất cà phê niên vụ này đạt 16 - 16,5 tấn quả tươi/ha. So với trung bình nhiều năm thì năng suất này ở mức khá. Với giá cà phê như hiện nay, công ty có lợi nhuận cao, đời sống của cán bộ, người lao động cũng được nâng lên.
Theo đánh giá của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ia Grai, năm nay cà phê trên địa bàn được mùa, sản lượng ước cao hơn năm ngoái 10%. Dự kiến năng suất cà phê bình quân của địa phương khoảng 3,5 tấn nhân/ha, cá biệt nhiều vườn cây áp dụng khoa học kỹ thuật, chăm sóc tốt có thể đạt năng suất từ 4,5 đến 6 tấn nhân/ha.
![]() |
Bà con người dân tộc Bah Na, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai thu hoạch cà phê quả chín.Ảnh: S.Nam |
Ngành nông nghiệp và chính quyền tỉnh Gia Lai cũng đang khuyến cáo nông dân các địa phương chú trọng đến việc thu hái cà phê đảm bảo tỷ lệ quả chín, điều này sẽ giúp người trồng cà phê được lợi từ 15 - 20% sản lượng so với hái xanh. |
Người hái cà phê cũng có thu nhập cao
Tại tỉnh Đắk Lắk hiện có 212.915 ha cà phê. Dự kiến, sản lượng cà phê niên vụ 2023 - 2024 đạt trên 570.000 tấn, tăng hơn 5% so với niên vụ trước. Giá cà phê đang dao động trên dưới 60.000 đồng/kg cà phê nhân.
Cà phê là sản phẩm nông nghiệp chủ lực trong cơ cấu nền kinh tế của tỉnh Đắk Lắk, là cây trồng gắn bó lâu đời với người dân trên địa bàn tỉnh. Năm nay, giá cà phê ở mức cao nên người dân rất phấn khởi, quan tâm đầu tư, chăm sóc cho vườn cây khá tốt, mang lại triển vọng lạc quan cho ngành hàng cà phê và bà con sản xuất cà phê.
Theo ghi nhận, bước vào thu hoạch mùa cà phê năm nay, giá nhân công thu hái cà phê trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk dao động khoảng 250.000 - 300.000 đồng/người/ngày, cao hơn các năm trước. Để tránh tình trạng khan hiếm nhân công, ảnh hưởng đến chất lượng cà phê, nhiều địa phương, nông dân đã chủ động các giải pháp đảm bảo nguồn nhân công thu hoạch cà phê.
Phó Chủ tịch UBND huyện Cư M’Gar Nguyễn Công Văn cho biết, ngay từ đầu vụ thu hoạch, địa phương đã tuyên truyền, hướng dẫn người dân tiến hành thu hái rải vụ, thu hoạch quả chín, như vậy vừa bảo đảm nhân công thu hái, vừa bảo đảm được chất lượng cà phê, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Cùng với đó, huyện vận động các hộ gia đình tự liên kết lại với nhau thành lập các tổ đổi công thu hái cà phê, đây là cách làm hiệu quả tránh tình trạng khan hiếm nhân công thu hái cà phê.
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Hoài Dương, một trong những giải pháp khắc phục tình trạng thiếu nhân công mà ngành triển khai là kêu gọi nông dân tái canh những vườn cây cà phê già cỗi. Trước đây, nông dân sử dụng những loại giống khác nhau dẫn đến vườn cà phê chín không đồng đều. Sau khi tái canh cà phê, bà con sử dụng những giống mới đồng nhất, do đó vườn cà phê chín khá đồng đều, một vụ chỉ thu hoạch 2 - 3 lần, giảm áp lực nhân công.
Ngành nông nghiệp tỉnh Đắk Lắk cũng kỳ vọng, với giá cà phê tăng cao như hiện nay, nông dân trồng cà phê chú trọng sản xuất cà phê chất lượng cao, cà phê có chứng nhận, liên kết hợp tác trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ cà phê, góp phần nâng cao uy tín, chất lượng sản phẩm cà phê Buôn Ma Thuột nói riêng, cà phê Đắk Lắk nói chung. |