Hướng đến phát triển các sản phẩm từ cây chè

Đông Giang là huyện miền núi nghèo, cơ sở hạ tầng thiếu và yếu, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp chậm phát triển, đời sống người dân, đặc biệt đồng bào dân tộc còn nhiều khó khăn. Thực hiện chính sách của Nhà nước trong việc khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn (CNNT), trong đó đặc biệt ưu tiên hỗ trợ các làng nghề truyền thống, các sản phẩm đặc trưng ở các huyện miền núi, giải quyết công ăn việc làm cho đồng bào dân tộc miền núi để xóa đói, giảm nghèo bền vững, huyện Đông Giang đã hướng đến phát triển các sản phẩm từ cây chè.

Quảng Nam: Phát triển cây chè để xóa đói giảm nghèo cho đồng bào miền núi
Chè dây là một loại dược liệu quý tại huyện miền núi Đông Giang, tỉnh Quảng Nam

Trong đó, Đông Giang chú trọng áp dụng khoa học công nghệ vào trồng, chế biến để đưa sản vật bản địa thành sản phẩm hàng hóa đã góp phần giải quyết lao động, nâng thu nhập cho người dân. Đơn cử ở xã Tư, việc áp dụng nhân giống bằng biện pháp giâm hom cây chè dây Ra zéh đã tạo nên vùng nguyên liệu tập trung có quy mô, chế biến ra nhiều sản phẩm từ loại dược liệu quý này.

Tại huyện Đông Giang, cây chè mọc phân tán tự nhiên dưới tán rừng. Loại cây này sinh trưởng, phát triển tốt, thích nghi với điều kiện tự nhiên và thổ nhưỡng các thôn trên địa bàn xã Ba, xã Tư và một số thôn của các xã vùng giáp ranh, đặc biệt là ở các vườn đồi, rừng tái sinh sau nương rẫy.

Nhờ trồng chè dây Ra zéh, mỗi năm có hộ gia đình ở xã Tư thu về hàng trăm triệu đồng. Trao đổi với phóng viến, ông Nguyễn Văn Quang (trú thôn Ban Mai, xã Ba, huyện Đông Giang), một trong những hộ có diện tích trồng chè dây lớn nhất tại đây chia sẻ, trước đây, bà con vào rừng thu hái chè dây bằng cách nhổ cả gốc mang về phơi khô để nấu uống dần, hoặc ngắt lá nấu chè tươi uống thường xuyên trong ngày. Đến nay, bà con đã được hướng dẫn các khâu trồng, chăm sóc, thu hái chè đảm bảo kỹ thuật, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Nhờ đó, chúng tôi có thêm khoản thu nhập bền vững để cải thiện đời sống.

Khắc phục khó khăn, nỗ lực vươn lên

Đại diện Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Đông Giang cho biết, dù nguồn lực từ khuyến công khá hạn chế, nhưng huyện luôn sử dụng có hiệu quả để tiếp sức các đề án phát triển công nghiệp nông thôn, cơ sở sản xuất. Đơn cử là hỗ trợ xúc tiến thương mại, đầu tư trang thiết bị, xây dựng và đăng ký thương hiệu sản phẩm, ngành chức năng đã đồng hành với doanh nghiệp, đơn vị, cơ sở kinh doanh cá thể nâng cao khả năng tìm kiếm thị trường, tăng doanh thu và giới thiệu các sản phẩm chè.

Quảng Nam: Phát triển cây chè để xóa đói giảm nghèo cho đồng bào miền núi
Mô hình trồng chè dây Ra zéh ở xã Tư mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân

Tuy nhiên, theo đại diện Phòng NN&PTNT huyện Đông Giang vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế cần khắc phục. Địa phương có đất đai rộng nhưng đất sản xuất phân tán, địa hình không bằng phẳng nên muốn kêu gọi đầu tư cũng không đơn giản vì khó tìm ra diện tích đủ rộng, liên cư liên địa, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Hệ thống hạ tầng còn yếu, chắp vá, nhất là hạ tầng giao thông kết nối vùng phát triển đang là điểm nghẽn lớn cho kêu gọi đầu tư. Chưa hết, việc sản xuất ở địa phương còn manh mún, năng suất thấp, không có mũi nhọn sẽ rất khó cạnh tranh trên thị trường.

Do đó, thời gian tới, Đông Giang sẽ nỗ lực huy động nguồn lực tập trung xây dựng hạ tầng giao thông tạo lan tỏa cho phát triển; nhân rộng các loại chè, nâng cao lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm chè xanh; gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị; triển khai chương trình OCOP để nâng cao giá trị sản phẩm...

Nhờ đặc điểm thổ nhưỡng phù hợp, nằm trên vùng đất trước đây có trữ lượng vàng sa khoáng lớn, chè dây ở xã Ba, xã Tư cho chất lượng tốt, được đánh giá cao về hàm lượng dược liệu.