Để thực hiện được mục tiêu này, huyện Ba Chẽ đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục lòng tự trọng nhằm từng bước nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về tinh thần phát huy nội lực, tự lực, tự cường, khắc phục khó khăn, thay đổi tư duy, nhận thức, từng bước xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước; nâng cao hiệu quả hoạt động của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là phát huy vai trò người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ chính trị địa phương, nhất là thực hiện tốt công tác giảm nghèo.

Do làm tốt công tác tuyên truyền nên nhận thức của cán bộ, đảng viên và người dân đã được nâng lên rõ rệt, tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước đã dần lùi xa. Điển hình đó là tư tưởng chủ động vươn lên thoát nghèo của các hộ dân.

Gia đình anh Triệu Kim Phát - thôn Tầu Tiên, xã Đồn Đạc là một trong những hộ tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo của huyện từ năm 2018. Trước đây, cuộc sống gia đình anh rất khó khăn, thu nhập bấp bênh do hai vợ chồng anh không có việc làm ổn định, đủ ăn đã khó nói gì đến việc thoát nghèo. Trăn trở làm cách nào để cải thiện cuộc sống, nâng cao thu nhập cho gia đình luôn thường trực trong suy nghĩ của anh.

Quảng Ninh: Bà con dân tộc thiểu số ở Ba Chẽ vươn lên thoát nghèo
Đời sống đồng bào dân tộc có nhiều thay đổi.

Và cách anh lựa chọn để thoát nghèo chính là phát huy sức trẻ, tận dụng những gì sẵn có để phát triển kinh tế. Với số ruộng đất ít ỏi mà bố mẹ để lại, vợ chồng anh đã đưa những giống lúa có năng suất cao vào gieo cấy, để đảm bảo nguồn lương thực ổn định cho gia đình. Trên diện tích đất lâm nghiệp, vợ chồng anh trồng cây quế, đến nay rừng quế anh trên 4ha của gia đình anh đang sinh trưởng và phát triển tốt.

Không dừng lại ở đó, nhận thấy cây Trà hoa vàng là loại cây dễ trồng và chăm sóc, lại phù hợp với thổ nhưỡng của địa phương, cho thu nhập cao. Gia đình anh quyết định trồng thêm loại cây trồng này. Nhờ cần cù, chịu khó đến nay, vườn Trà hoa vàng của gia đình anh đã xanh tốt, nhiều cây bắt đầu đơm bông, hứa hẹn mang về cho gia đình anh nguồn thu nhập ổn định.

Anh Phát chia sẻ: “Tôi thấy đồng đất quê nhà còn nhiều, mình chỉ cần mình chịu khó, biết áp dụng mô hình kinh tế phù hợp, hoàn toàn có thể thoát được cảnh nghèo. Tôi nghĩ, nếu mọi người cứ ỷ lại, dựa dẫm vào cái nghèo thì sẽ rất xấu hổ”.

Thông qua các chương trình đã giúp cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số nâng cao đời sống, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Nhờ thực hiện đồng bộ các chính sách giảm nghèo, năm 2022 mức giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh Quảng Ninh ước 0,34%, vượt chỉ tiêu kế hoạch 0,23%.

Trăn trở, lo âu trước thực trạng trên địa bàn huyện còn nhiều hộ nghèo, huyện Ba Chẽ đã chủ động tìm hiểu những mô hình kinh tế mang lại hiệu quả kinh tế cao tại những địa phương có khí hậu và thổ nhưỡng tương đồng với huyện Ba Chẽ, từ đó tổ chức cho cán bộ và người dân đi tìm hiểu học tập, áp dụng vào phát triển kinh tế tại địa phương; tăng cường thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào cụm Công nghiệp Nam Sơn như chế biến gỗ, chế biến thực phẩm... tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động tại địa phương.

Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn cũng được Ba Chẽ đặc biệt quan tâm. Chỉ tính riêng năm 2016 đến năm 2019, huyện đã mở được 22 lớp đào tạo nghề cho 492 lao động nông thôn. Từ những lớp đào tạo nghề này, hàng trăm lao động nông thôn trên địa bàn huyện tìm được việc làm, có thu nhập ổn định.

Là một trong những người may mắn được tham gia lớp đào tạo nghề ngắn hạn về chăn nuôi, anh Nịnh Văn Bình - thôn Khe Lọng Ngoài, xã Thanh Sơn đã biết tận dụng chính điều kiện tự nhiên của quê hương, cùng với những kiến thức về chăn nuôi được đào tạo để phát triển kinh tế.

Quảng Ninh: Bà con dân tộc thiểu số ở Ba Chẽ vươn lên thoát nghèo
Nhiều mô hình chăn nuôi hiệu quả.

Năm 2012, sau khi lập gia đình với hai bàn tay trắng, gia đình thuộc hộ nghèo, bản thân Bình lại không có công việc ổn định. Vì thế việc thoát nghèo là một bài toán khó đối với gia đình anh. Đang loay hoay tìm cách phát triển kinh tế để thoát khỏi cảnh nghèo, thì được tuyên truyền về các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, lại được tham gia lớp đào tạo nghề nắng hạn do huyện mở. Không một chút ngần ngại, Bình bắt tay ngay vào phát triển kinh tế bằng việc phát triển chăn nuôi gà.

Sau khi tìm hiểu kỹ các thông tin về con giống, cách chăm sóc và cách làm chuồng trại, Bình đã huy động vốn từ trong họ hàng, bạn bè và vay vốn ngân hàng để bắt tay thực hiện. Do có kiến thức trong chăn nuôi, nên đàn gà của gia đình anh phát triển tốt, lứa gà đầu tiên xuất bán, gia đình anh thu về trên 30 triệu đồng.

Đây là một số tiền lớn đối với anh. Có vốn trong tay, anh tiếp tục tái đầu tư bằng việc mở rộng mô hình với số lượng gà lớn hơn, đến nay, gia đình anh Bình luôn duy trì đàn gà trên 500 con. Với việc một năm xuất bán hai lứa, sau khi trừ chi phí mang về cho gia đình anh hàng trăm triệu đồng.

Anh Bình cho biết: “Tôi thấy bản thân mình là thanh niên, có sức khỏe, hơn nữa đất đai ở đây rất màu mỡ mà mình cứ nghèo nên tôi cảm thấy rất xấu hổ. Khi được tuyên truyền, vận động phát triển kinh tế, tôi và gia đình hưởng ứng ngay. Tôi mạnh dạn đầu tư vào trồng các loại cây lâm nghiệp và chăn nuôi gà, mang lại thu nhập ổn định cho gia đình và đến nay gia đình tôi đã thoát nghèo bền vững. Tôi rất là mong muốn bà con nhân dân trên địa bàn huyện, nhất là thanh niên trẻ hãy tích cực lao động, sản xuất để vươn lên thoát nghèo”.

Cùng với những cách làm trên, huyện Ba Chẽ còn thực hiện nhiều chính sách khuyến khích phát triển sản xuất trên địa bàn, lồng ghép các nguồn lực hỗ trợ phát triển sản xuất; tạo điều kiện cho các hộ sản xuất với quy mô trang trại, gia trại; đồng thời, phát triển vùng sản xuất hàng hóa đã quy hoạch; chuyển dịch cơ cấu đàn vật nuôi theo hướng phát triển chăn nuôi đàn bò; ưu tiên phát triển trồng rừng gỗ lớn gắn với trồng dược liệu… Bằng cách làm này, bộ mặt nông thôn và cuộc sống của người dân từng bước được cải thiện và nâng cao, nhận thức của người dân về thoát nghèo để có cuộc sống tốt hơn dần thay đổi.

Bên cạnh đó, huyện Ba Chẽ cũng mạnh dạn đề xuất xin cơ chế, chính sách của Nhà nước, của tỉnh để đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, văn hoá, giáo dục đến tận vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn… Nhờ đó, người dân ngày càng được hưởng lợi từ sự đầu tư của Nhà nước. Các hộ nghèo và hộ cận nghèo, đối tượng bảo trợ được thụ hưởng các chính sách an sinh xã hội của Nhà nước, hỗ trợ phát triển sản xuất đã cải thiện đời sống cả về vật chất và tinh thần.

Bằng những cách làm, những hình thức hỗ trợ, giúp đỡ thiết thực và hiệu quả, công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện Ba Chẽ đã thực sự đem lại kết quả đáng ghi nhận. Minh chứng rõ nét nhất là trong năm 2018 đã có 104 hộ đã tự nguyện viết đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo, năm 2019 có 44 hộ tự nguện thoát nghèo.

Việc làm này đã khẳng định, người dân đã có sự thay đổi mạnh mẽ trong nhận thức cũng như trong hành động, dần xóa bỏ được tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, tự phấn đấu vươn lên thoát nghèo bền vững. Giờ đây việc thoát nghèo đã trở thành phong trào rộng khắp của người dân trên địa bàn huyện Ba Chẽ, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện.

Bà Phạm Thị Hằng - Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Ba Chẽ cho biết, phát huy những kết quả đạt được trong công tác giảm nghèo những năm qua, nhất là kết quả của năm 2018 và 2019, chúng tôi sẽ tiếp tục tham mưu cho cấp ủy, chính quyền huyện đẩy mạnh hơn nữa công tác giảm nghèo bền vững.

Với sự quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, kết quả trong công tác giảm nghèo của huyện trong những năm qua chính là động lực, là điều kiện thuận lợi để cấp ủy, chính quyền và nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện đoàn kết xây dựng huyện Ba Chẽ ngày càng giàu đẹp, văn minh./.

Năm 2022, tỉnh Quảng Ninh phân bổ vốn ngân sách cho chương trình tổng thể phát triển bền vững kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi là 715 tỷ đồng, trong đó hỗ trợ đầu tư hạ tầng là 565 tỷ đồng và đã giải ngân là trên 426,189 tỷ đồng, đạt 75,43% chỉ tiêu kế hoạch giao...