Nét đặc trưng văn hoá của TP. Hạ Long là đồi núi, thung lũng, vùng ven bờ, hải đảo với sự cộng cư giữa người Kinh và đồng bào 15 dân tộc thiểu số. Đặc trưng đó tạo nên sự đa dạng về sinh học, sinh thái tự nhiên và đa dạng văn hoá. Nét đặc trưng văn hoá nói trên đặt ra yêu cầu phải có cách tiếp cận chuyên biệt và giải pháp hữu hiệu để bảo tồn di sản văn hóa cho phù hợp với điều kiện tự nhiên và kinh tế - xã hội của không gian văn hoá tiêu biểu của TP. Hạ Long.

Quảng Ninh: Bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá đồng bào dân tộc thiểu số trong phát triển bền vững TP. Hạ Long
Người Dao Thanh Y ở TP. Hạ Long lưu giữ nhiều nét phong tục truyền thống đặc sắc. Ảnh: Tư liệu

Văn hoá là ngành công nghiệp văn hoá mà Hạ Long có ưu thế vượt trội là: du lịch biển đảo trên Vịnh Hạ Long, du lịch đô thị ven biển - vùng mỏ có truyền thống cách mạng hào hùng và du lịch sinh thái nông, lâm nghiệp. Bên cạnh đó phải kể tới các di tích lịch sử - văn hoá trên địa bàn thành phố và kho tàng di sản văn hoá phi vật thể phong phú và đa dạng của 15 dân tộc thiểu số ở Hạ Long.

Cụ thể, TP. Hạ Long có 1 di tích quốc gia đặc biệt, đã được UNESCO vinh danh là Di sản thiên nhiên thế giới, 6 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 15 di tích cấp tỉnh, 74 di tích được kiểm kê và phân loại. Có thể nói, đây là “nguồn vốn” mà văn hoá đóng góp vào sự phát triển các ngành công nghiệp văn hoá ở Hạ Long.

Ông Vũ Quyết Tiến - Bí thư Thành ủy TP. Hạ Long, khẳng định ngoài việc khai thác giá trị cảnh quan của Vịnh Hạ Long, hằng năm đón hàng triệu lượt khách du lịch đến tham quan thì các điểm di tích văn hóa khác trên địa bàn chưa phát huy được tối đa hiệu quả. Công tác quản lý nhà nước, tuyên truyền quảng bá, nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực bảo tồn, tôn tạo di sản văn hóa chưa tương xứng với tiềm năng giá trị lịch sử của di tích.

Để khắc phục những tồn tại trên, năm 2024, TP. Hạ Long sẽ tập trung xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Hạ Long trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển bền vững.

Hạ Long sẽ hoàn thiện quy hoạch các điểm du lịch nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng, du lịch ẩm thực, đặc biệt là nét văn hoá đặc sắc của 15 dân tộc thiểu số cùng sinh sống trên địa bàn... để đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch với nguyên tắc sản phẩm du lịch phải có yếu tố đặc sắc, mang được yếu tố văn hóa truyền thống, kết hợp hài hòa giữa tính đa dạng của nhiều loại hình và tính chuyên đề của một gói sản phẩm du lịch văn hóa.

Theo PGS.TS Đặng Văn Bài - Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, TP. Hạ Long cần tích hợp và lồng ghép các dự án phát triển kinh tế - xã hội của thành phố liên quan tới bảo tồn di sản văn hóa và du lịch, đặc biệt có cơ chế, chính sách liên kết giữa hai ngành di sản và du lịch trên phạm vi toàn thành phố cùng thực hiện các dự án liên ngành, nhằm tạo ra các sản phẩm du lịch văn hoá đặc sắc của Hạ Long.