Chính sách an sinh xã hội được bảo đảm

Theo kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở tháng 4/2019, Quảng Ninh có 162.531 người là dân tộc thiểu số (DTTS), chiếm 12,31% dân số toàn tỉnh. Trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp của Quảng Ninh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, có nhiều chỉ thị, nghị quyết, giải pháp, cơ chế, chính sách đặc thù, bố trí nguồn lực lớn để tập trung phát triển toàn diện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh vùng DTTS, miền núi trên địa bàn.

Tiêu biểu, giai đoạn 2016-2020 HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết 50/2016/NQ-HĐND (ngày 7/12/2016) về việc bố trí nguồn lực đưa các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 giai đoạn 2017-2020 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Tháng 1/2017, UBND tỉnh ban hành Quyết định 196/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án nhiệm vụ và giải pháp đưa các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, hoàn thành mục tiêu, Chương trình 135 giai đoạn 2017-2020 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh (Đề án 196)…

Nhờ đó, diện mạo vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh có nhiều đổi mới. Kết cấu hạ tầng đồng bộ hơn; thu nhập bình quân đầu người tăng gấp hơn 2,5 lần so với năm 2015. Các chính sách an sinh xã hội được bảo đảm. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện. Niềm tin của đồng bào với Đảng, chính quyền được củng cố...

Giai đoạn 2021 đến nay, Quảng Ninh tiếp tục ban hành các chính sách để thúc đẩy phát triển toàn diện các lĩnh vực vùng DTTS trên địa bàn. Trong đó, xuyên suốt là Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 17/5/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển bền vững KT-XH gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Đây là nghị quyết có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nhằm thực hiện tăng trưởng bao trùm, hướng tới sự phát triển bền vững, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Quảng Ninh: Diện mạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số có nhiều đổi mới
Tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT cho người thân thôn Ngàn Phe (xã Đồng Tâm, huyện Bình Liêu).

Trên cơ sở này, HĐND tỉnh Quảng Ninh cũng ban hành Nghị quyết số 16/2021/NQ-HĐND ngày 16/7/2021 phê duyệt Chương trình tổng thể phát triển bền vững KT-XH gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Quảng Ninh đã dành sự quan tâm, nguồn lực lớn để đầu tư phát triển KT-XH khu vực vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo. Năm 2023, UBND tỉnh đã phân bổ 1.107,189 tỷ đồng vốn ngân sách tỉnh thực hiện chương trình tổng thể theo Nghị quyết số 16/2021/NQ-HĐND.

Trong đó, vốn chuyển tiếp chương trình là 420,5 tỷ đồng (kết quả giải ngân đến ngày 30/8/2023 là 238,1/420,5 tỷ đồng, đạt 56,62% kế hoạch); vốn chuyển tiếp chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) là 65,28 tỷ đồng (kết quả giải ngân đến ngày 30/8/2023 là 48,638/65,28 tỷ đồng, đạt 74,5% kế hoạch).

Cùng với các nghị quyết, chính sách của Tỉnh uỷ, HĐND tỉnh; UBND các cấp, các sở, ngành đã ban hành các kế hoạch, văn bản triển khai thực hiện. Từ năm 2021 đến 13/9/2023, tổng nguồn vốn tỉnh ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) tỉnh để thực hiện chương trình tổng thể theo Nghị quyết số 16/2021/NQ-HĐND là 300 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch vốn giai đoạn 2021-2025. Dư nợ đến 13/9/2023 đạt 298,5 tỷ đồng với 4.086 khách hàng vay còn dư nợ.

Đến nay, toàn tỉnh Quảng Ninh không còn xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; không còn huyện nghèo. Đặc biệt, đến tháng 9/2023, Quảng Ninh đã hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn với tổng số 441 nhà được hỗ trợ, trong đó xây mới 260 nhà và sửa chữa là 181 nhà.

Nâng cao mức sống cho người dân

Sự đầu tư của Nhà nước, của tỉnh đối với các xã, thôn vùng đồng bào DTTS đã giúp kết cấu hạ tầng nơi đây ngày càng khang trang. Đến nay, các địa bàn này đều có đường ô tô đến trung tâm xã. Đường trục xã, liên thôn đều được bê tông hóa. Điều này đã góp phần quan trọng cho việc giao lưu, thông thương hàng hóa mà người dân sản xuất ra.

Các hộ đồng bào DTTS đã có điện phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất. Hệ thống thủy lợi hằng năm cung cấp đủ nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt và công nghiệp, nuôi trồng thủy sản của bà con.

Toàn bộ 56 xã vùng DTTS trên địa bàn tỉnh đều duy trì đạt chuẩn quốc gia về y tế xã; tỷ lệ dân số tham gia BHYT đạt trên 98%. Con em vùng đồng bào DTTS được học trong những ngôi trường khang trang, sạch, đẹp... Tỷ lệ hộ DTTS sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%; trong đó tỷ lệ sử dụng nước sạch đáp ứng QCVN 01-l:2018/BYT đạt 67,17%.

Quảng Ninh: Diện mạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số có nhiều đổi mới
Hộ ông Đặng Dảu Vìn (xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ) được nhận hỗ trợ 150 con gà để phát triển kinh tế từ các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh.

Các địa phương còn chú trọng vận động người dân, cán bộ, công chức, viên chức, các doanh nghiệp, đoàn thể chung tay vào cuộc hỗ trợ bà con vùng DTTS xóa nhà tạm, nhà dột nát. Đến nay, cả 260 hộ trong diện hỗ trợ đều đã hoàn thiện và đã khởi công xây dựng, sửa chữa nhà ở; trong đó có nhiều hộ là người DTTS hoặc sinh sống ở vùng DTTS...

Các địa phương còn chú trọng việc nhân rộng mô hình sản xuất phù hợp ở vùng đồng bào DTTS, vận động người dân chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi; hỗ trợ bà con về kỹ thuật, giống... từ đó nâng cao mức sống cho người dân.

Sự nỗ lực của tỉnh, các địa phương, sự đồng lòng, hưởng ứng của người dân trong phát triển KT-XH vùng DTTS đã giúp tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm mạnh. 9 tháng năm 2023 theo chuẩn nghèo đa chiều của trung ương, toàn tỉnh còn 102 hộ nghèo, chiếm 0,026% tổng số hộ dân toàn tỉnh.

Còn theo chuẩn nghèo của tỉnh (quy định tại Nghị quyết số 13/2023/NQ-HĐND ngày 30/3/2023 của HĐND tỉnh) toàn tỉnh có 411 hộ nghèo, chiếm 0,11%; có 4.208 hộ cận nghèo, chiếm 1,11%. Thu nhập bình quân ở vùng DTTS của tỉnh đạt khoảng 52,5 triệu đồng/người/năm. Quảng Ninh phấn đấu đạt mục tiêu duy trì cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn đa chiều của Trung ương, kể cả ở vùng DTTS.

Với cách làm linh hoạt, sáng tạo, đột phá, đến cuối năm 2022 cơ bản tỉnh Quảng Ninh đã hoàn thành các chỉ tiêu về việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025 đề ra.

Hoàn thành trước 3 năm Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; không có huyện nghèo, xã nghèo; có 1/13 địa phương (Hạ Long) không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo; 3/13 địa phương (Quảng Yên, Vân Đồn, Cô Tô) không còn hộ nghèo; 9/13 địa phương tỷ lệ hộ nghèo dưới 1%. Thu nhập bình quân đầu người vùng dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh đến hết năm 2021 đạt 52,5 triệu đồng, tăng 13,88% so với năm 2020.