Tập trung hỗ trợ về đích nông thôn mới

Các cấp hội phụ nữ tập trung hỗ trợ về đích nông thôn mới (NTM): Tuyên truyền, vận động nhân dân thay đổi nhận thức, nếp sống, nâng cao thái độ, trách nhiệm trong giữ gìn vệ sinh môi trường tại gia đình và cộng đồng; xây nhà tiêu hợp vệ sinh; làm đường liên thôn, các công trình công cộng...

Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Quảng Ninh đã huy động nguồn lực xã hội hóa, hỗ trợ huyện Bình Liêu xây nhà tiêu hợp vệ sinh, trị giá 480 triệu đồng. 100% Hội LHPN các địa phương, đơn vị hoàn thành chỉ tiêu giao; điển hình Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ TKV đã ủng hộ xây 20 nhà vệ sinh cho huyện Bình Liêu; 2 mô hình sinh kế cho trên địa bàn huyện Hải Hà. Hiện có 108/140 nhà tiêu hợp vệ sinh đã khởi công, hoàn thành.

Quảng Ninh: Nâng cao thu nhập cho phụ nữ dân tộc thiểu số
Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Nam Sơn (huyện Ba Chẽ) ra mắt mô hình "Biến rác thành tiền".

Các hoạt động hướng về phụ nữ và trẻ em miền núi, biên giới, hải đảo được triển khai hiệu quả; đã có 3.520 người ở 19 xã, thị trấn vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi, biên giới, biển đảo của Vân Đồn, Bình Liêu, Ba Chẽ, Cô Tô, Hải Hà, Hạ Long được hỗ trợ 1,9 tỷ đồng.

Tại xã Lục Hồn (huyện Bình Liêu) đã thực hiện hỗ trợ xây 13 nhà ở, 60 nhà tiêu hợp vệ sinh; xã Vô Ngại (huyện Bình Liêu) đã khởi công xây 9 nhà ở, 36 nhà tiêu hợp vệ sinh, trị giá 594 triệu đồng; các xã Quảng Đức, Quảng Sơn (huyện Hải Hà) đã hỗ trợ triển khai 25 hố ủ phân hữu cơ tại 2 bản Tài Chi, Chăn Mùi, đóng góp hơn 30 ngày công hoàn thiện 2 nhà an toàn cho phụ nữ...

Hội LHPN tỉnh phối hợp với Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại INTRACO phân bổ 5.000 bếp đun tiết kiệm nhiên liệu; 7.000 bình lọc nước (thời gian trong 2 năm 2022 và 2023) ở các huyện Bình Liêu, Vân Đồn; duy trì các hoạt động của Dự án "Vì sự phát triển nữ công nhân" (Tổ chức Vòng tay Thái Bình tài trợ), như: Tổ chức tuyên truyền, sinh hoạt định kỳ cho 4 nhóm nữ công nhân tại huyện Hải Hà và TP Móng Cái; tổ chức 1 lớp tập huấn cho 50 lao động nữ chuẩn bị đi làm xa nhà tại huyện Bình Liêu...

Đến nay, vốn đầu tư hạ tầng đã giải ngân trên 426,189 tỷ đồng, đạt 75,43% chỉ tiêu kế hoạch giao. Qua đó, đã giúp cho người dân vùng đồng bào DTTS nâng cao được mức sống, có vốn vay để phát triển kinh tế từng bước vươn lên xóa đói, giảm nghèo bền vững.

Xây dựng nhiều chương trình hỗ trợ cho phụ nữ và trẻ em

Ở vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo, phụ nữ và trẻ em chịu nhiều thiệt thòi hơn so với khu vực thành thị. Cùng với nhiều hoạt động hỗ trợ phát triển kinh tế, tạo việc làm, xây nhà ở... các cấp hội phụ nữ chủ động nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của chị em ở từng địa bàn, nhằm xây dựng nhiều mô hình hỗ trợ cho phụ nữ và trẻ em; xây dựng gia đình hạnh phúc, chăm sóc sức khỏe.

Điển hình là chương trình Dự án “Tăng cường quyền năng kinh tế và chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ vùng dân tộc thiểu số” ở xã Tình Húc (nay đã sáp nhập vào thị trấn Bình Liêu) do Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại Việt Nam tài trợ, với các hoạt động: Hỗ trợ sinh kế; duy trì CLB gia đình hạnh phúc; tư vấn, chăm sóc sức khỏe sinh sản, tuyên truyền thực hiện kế hoạch hóa gia đình.

Quảng Ninh: Nâng cao thu nhập cho phụ nữ dân tộc thiểu số
Hội viên phụ nữ huyện Đầm Hà phát triển kinh tế gia đình với mô hình nuôi gà bản địa.

Đề án “Cải thiện dinh dưỡng, thể lực cho trẻ em vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025”, mục tiêu giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi xuống dưới 11% theo Nghị quyết số 06-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết số 16/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh, được triển khai tập trung ở 12 thôn, bản đặc biệt khó khăn, 25 xã vừa hoàn thành Chương trình 135 và 24 thôn mới hoàn thành Chương trình 135, thuộc 8 huyện, thị xã, thành phố: Hạ Long, Cẩm Phả, Ba Chẽ, Bình Liêu, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà, Vân Đồn. Đề án đã được Hội LHPN tỉnh trình UBND tỉnh phê duyệt.

Toàn tỉnh hiện có 884 mô hình, CLB thực hiện nếp sống văn minh; 100% cơ sở hội phụ nữ duy trì các hình thức văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao với nhiều mô hình, như các CLB bóng chuyền hơi, dân vũ, bóng đá, thơ, hát dân ca...

Với phương châm hướng mọi hoạt động về cơ sở, mang lại lợi ích thiết thực cho phụ nữ, các cấp hội phụ nữ tỉnh đã tuyên truyền, huy động nhiều nguồn lực triển khai, đảm bảo xây dựng môi trường sống an toàn và lành mạnh cho phụ nữ và trẻ em vùng khó khăn.

Năm 2022, tỉnh Quảng Ninh chú trọng quan tâm đến đối tượng chính sách, người có công, người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS, biên giới, hải đảo, vùng vừa thoát khỏi diện ĐBKK... Đồng thời, đẩy mạnh huy động mọi nguồn lực như nguồn vốn, lao động, hỗ trợ sản xuất và phát triển ngành nghề cho hộ nghèo, cận nghèo; hỗ trợ dạy nghề gắn với tạo việc làm; cung cấp dịch vụ khuyến nông - lâm - ngư miễn phí; khuyến khích nhà đầu tư phát triển vào nông nghiệp để tạo thêm việc làm mới cho người dân địa phương...