Quảng Ninh: Nghị lực thoát nghèo của người phụ nữ dân tộc Dao
Mô hình nuôi gà bản Đầm Hà vươn lên thoát nghèo của chị Dương Xám Múi.

Sinh năm 1990 ở xã Yên Than (huyện Tiên Yên), năm 2012, chị Múi lập gia đình theo chồng về sinh sống tại thôn Tài Lý Sáy. Sau hơn 1 năm sống cùng bố mẹ chồng, vợ chồng chị Múi ra ở riêng với tài sản là ngôi nhà tạm cùng 3 sào ruộng cấy và 5ha rừng.

Từ khi ra ở riêng, chị liên tiếp sinh 2 con, cuộc sống của hai vợ chồng trẻ dựa vào vài sào ruộng cấy rồi đến mùa đi làm keo thuê, thu nhập bấp bênh, không ổn định. Sau 4 năm ra ở riêng gia đình chị Múi được xếp vào diện hộ nghèo của xã.

Chị Dương Xám Múi chia sẻ: "Lúc đó, bản thân tôi cũng nản lắm, hai vợ chồng suốt ngày đi làm thuê, thu nhập cũng chỉ được khoảng 200.000 đồng/ngày nhưng con nhỏ mọi thứ phải chi tiêu. Ngôi nhà hai vợ chồng ở tạm bợ dột nát nên cuộc sống rất vất vả. Cuối năm 2018, tôi tham gia lớp tập huấn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi do Hội Phụ nữ xã tổ chức; được tiếp cận các cách thức chăn nuôi gắn với lợi thế sẵn có của địa phương cũng như được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển sản xuất."

Tín dụng chính sách còn là một trong những biện pháp quan trọng hạn chế tình trạng tín dụng “đen” ở vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo. Các chương trình cho vay đạt được hiệu quả thiết thực, góp phần giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội, ổn định an ninh chính trị tại các địa phương.

Mong muốn thoát nghèo, chị Múi về nhà bàn tính với chồng quyết định lựa chọn chăn nuôi gà bản Đầm Hà do Hội Phụ nữ giới thiệu. Chị Múi cho biết: Đầu năm 2019, gia đình chị nuôi 50 con gà bản Đầm Hà để xem gà phát triển ra sao sau đó mới đầu tư tiếp.

Qua thời gian nuôi nhận thấy gà bản Đầm Hà phù hợp khí hậu, thổ nhưỡng, trong khi thức ăn sẵn có dễ kiếm nên gà phát triển rất thuận lợi. Sau 5 tháng nuôi, gà bản Đầm Hà cho cân nặng từ 2,3-3kg/con, giá bán cao. Nhận thấy đây là mô hình cần được tập trung đầu tư để phát triển kinh tế thoát nghèo.

"Đầu năm 2020, thông qua Hội Phụ nữ xã Quảng Lâm, tôi được vay nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện số tiền 100 triệu đồng. Tôi đầu tư xây dựng chuồng trại để nuôi 250 con gà bản Đầm Hà theo mô hình chăn thả. Nhờ có kinh nghiệm nuôi trước đó cũng như hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc, phòng ngừa bệnh của Hội Phụ nữ xã nên việc chăn nuôi rất ổn định, gà phát triển đồng đều đạt 97%" - chị Múi kể.

Quảng Ninh: Nghị lực thoát nghèo của người phụ nữ dân tộc Dao
Chị Dương Xám Múi, thôn Tài Lý Sáy (xã Quảng Lâm, huyện Đầm Hà), đã vươn lên thoát nghèo từ mô hình chăn nuôi vườn rừng kết hợp.

Sau khoảng thời gian 6 - 8 tháng toàn bộ gà nuôi trên đã được cung cấp ra thị trường cho thu nhập 150 triệu đồng, trừ chi phí lãi 50 triệu đồng. Đây là sự khích lệ rất lớn để gia đình chị Múi tiếp tục đầu tư mở rộng mô hình nuôi gà bản Đầm Hà duy trì 500 con hiện nay.

Nhờ gà bản Đầm Hà có chất lượng tốt, thịt thơm, ngon nên thị trường rất ưa chuộng, giá bán từ 120.000-170.000 đồng/kg. Từ mô hình nuôi gà bản Đầm Hà mỗi năm cho chị Múi thu nhập 100 triệu đồng đã trừ chi phí.

Không chỉ đầu tư mô hình chăn nuôi gà, chị Dương Xám Múi còn tận dụng 5ha đất đồi rừng của gia đình để trồng cây quế, cây keo. Riêng diện tích keo 2ha đã cho thu hoạch số tiền 80 triệu đồng giúp chị trang trải chi phí để tiếp tục đầu tư trồng mới.

Ngoài việc chăn nuôi, phát triển vườn rừng, vợ chồng chị Múi còn đầu tư thêm máy để đến mùa cắt keo thuê cho những chủ rừng lân cận với mức thu nhập 500.000 đồng/ngày. Với mô hình phát triển kinh tế trên, mỗi năm gia đình chị Dương Xám Múi thu nhập 150 triệu đồng. Sự tần tảo, chịu khó không ngại gian khó phát triển kinh tế với khát vọng làm giàu đã giúp gia đình chị Dương Xám Múi từng bước thoát nghèo.

Năm 2019, gia đình chị từ hộ nghèo xuống hộ cận nghèo và đến năm 2020, gia đình chị chính thức thoát nghèo. Không những vậy, gia đình chị đã xây dựng được căn nhà mới kiên cố để ổn định cuộc sống.

Chị Dương Xám Múi cho biết thêm, trong thời gian tới, chị tập trung vào mô hình chăn nuôi, mở rộng thành trang trại nuôi gà bản Đầm Hà lên khoảng 700 - 1.000 con; đưa một số loại cây trồng mới có hiệu quả kinh tế vào thay thế cây keo.

Nhận định về mô hình thoát nghèo của chị Múi, bà Vũ Thị Hằng, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Quảng Lâm, cho biết: Chị Múi là tấm gương điển hình về tinh thần cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất vươn lên làm giàu chính đáng. Qua đó, tấm gương thoát nghèo của chị Múi đã góp phần động viên khích lệ những nữ hội viên còn khó khăn trong xã động lực vươn lên thoát nghèo.

Ngày 17/5/2021 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU về “Phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”. Đây là nghị quyết rất quan trọng, định hình tổng thể cho việc phát triển nhanh, bền vững đối với vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh, thực hiện khâu đột phá về “Xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh gắn với thu hẹp nhanh khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền trong tỉnh” đã được xác định tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV.