Từng bước vươn lên xóa đói, giảm nghèo

Triển khai Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 15/7/2021 của Tỉnh ủy Quảng Ninh về phát triển bền vững kinh tế - xã hội (KT-XH) gắn với đảm bảo vững chắc quốc phòng an ninh (QP-AN) ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 và Nghị quyết số 50/NQ-HĐND ngày 13/10/2021 của HĐND tỉnh về phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình tổng thể phát triển bền vững kinh tế - xã hội, bảo đảm vững chắc quốc phòng – an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM), NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025, UBND tỉnh và các địa phương đã thành lập ban chỉ đạo (BCĐ) thực hiện, trong đó nhiệm vụ trọng tâm là tập trung xây dựng NTM gắn với phát triển bền vững KT-XH, an ninh, quốc phòng vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, biên giới.

Tỉnh Quảng Ninh cũng đã ban hành nhiều kế hoạch, văn bản chỉ đạo, kết luận làm cơ sở hướng dẫn, đôn đốc các sở, ngành, địa phương triển khai xây dựng NTM hiệu quả. Đặc biệt, người đứng đầu cấp ủy đã dành nhiều thời gian đi cơ sở để kiểm tra, giám sát, nắm bắt tình hình triển khai và kịp thời có những chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn trong quá trình thực hiện.

Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội, các hội đoàn thể đã tích cực tuyên truyền vận động nhân dân, doanh nghiệp tham gia đóng góp nguồn lực xây dựng nông thôn mới, tuyên truyền vận động phát triển sản xuất…

Ông Vũ Kiên Cường - Trưởng ban Dân tộc tỉnh Quảng Ninh, cho biết: Năm 2022, tỉnh phân bổ vốn ngân sách cho chương trình tổng thể phát triển bền vững KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi là 715 tỷ đồng, trong đó hỗ trợ đầu tư hạ tầng là 565 tỷ đồng; ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh để cho vay giải quyết việc làm tại các xã, thôn mới ra khỏi diện đặc biệt khó khăn là 150 tỷ đồng.

Quảng Ninh: Ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số
Nghề ươm giống mang lại thu nhập ổn định cho người dân xã Quảng Sơn, huyện Hải Hà.

Đến nay, vốn đầu tư hạ tầng đã giải ngân là trên 426,189 tỷ đồng, đạt 75,43% chỉ tiêu kế hoạch giao. Qua đó, chương trình đã giúp cho người dân vùng đồng bào DTTS nâng cao được mức sống, có vốn vay để phát triển kinh tế từng bước vươn lên xóa đói, giảm nghèo bền vững.

Đặc biệt, trong 98 xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM và 48 xã đạt chuẩn NTM nâng cao giai đoạn 2016-2020, thì đến nay đã cơ bản đạt tiêu chí NTM giai đoạn 2021-2025. Hiện nay, các xã đang tập trung hoàn thiện các chỉ tiêu còn thiếu và nâng cao chất lượng các tiêu chí, phấn đấu hoàn thành trong năm 2022 và đảm bảo có ít nhất 40% số xã trên địa bàn đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025.

Đối với các địa phương cấp huyện việc triển khai xây dựng NTM cũng được thực hiện thông suốt, qua đó giúp người dân ngày càng được hưởng lợi nhiều hơn. Điển hình như huyện Ba Chẽ đạt 9/9 tiêu chí và 36/36 chỉ tiêu; huyện Bình Liêu đạt 7/9 tiêu chí và 30/36 chỉ tiêu…

Các huyện Đầm Hà, Hải Hà, Tiên Yên, Cô Tô tập trung nâng cao các tiêu chí để đáp ứng đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2022 và năm 2023. Riêng với các thị xã, thành phố tập trung nâng cao chất lượng các tiêu chí, chỉ tiêu để đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao và công nhận các phường đạt chuẩn đô thị văn minh.

Ông Hà Ngọc Luân, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hải Hà, cho biết: Hải Hà là địa phương có diện tích rộng, có nhiều xã miền núi, tập trung đông đồng bào dân tộc sinh sống. Thời gian qua, nhờ những chính sách của tỉnh, sự quan tâm của các cấp, các ngành đối với vùng đồng bào DTTS đã giúp đời sống của nhân dân trên địa bàn xã có sự thay đổi tích cực.

Người dân vùng đồng bào DTTS đã thay đổi tư duy, nhận thức, từng bước hợp tác, đồng lòng với chính quyền trong công cuộc phát triển KT-XH trên địa bàn. Nhờ đó, đã giúp cho huyện xây dựng thành công, duy trì và giữ vững các tiêu chí đã đạt chuẩn NTM theo bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM giai đoạn 2021-2025.

Cùng với đó, các cơ chế, chính sách khác như y tế, giáo dục, giảm nghèo, tín dụng được triển khai đảm bảo kịp thời và phát huy hiệu quả; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững, không để xảy ra các điểm nóng, phức tạp về an ninh trật tự tại địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo.

Diện mạo nông thôn ngày một khang trang

Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, nhưng trước yêu cầu phát triển, đổi mới không ngừng của tỉnh đồng thời khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thực tiễn, tại kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh khóa XIV, HĐND tỉnh sẽ xem xét sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Nghị quyết số 50/NQ-HĐND ngày 13/11/2021 về phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình tổng thể phát triển bền vững kinh tế - xã hội, bảo đảm vững chắc QP-AN ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo gắn với xây dựng NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025.

Quảng Ninh: Ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số
Hiệu quả từ mô hình trồng cây dong riềng của người dân thôn Khe Mó, xã Húc Động, huyện Bình Liêu.

Theo đó, dự kiến sẽ có nhiều nội dung được bổ sung, sửa đổi phù hợp, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong thực hiện đồng thời 3 chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025.

Cụ thể, sẽ tập trung đầu tư, hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm và bền vững, trong đó sẽ ưu tiên bố trí vốn đầu tư cho các dự án, công trình thực sự cần thiết, cấp bách về giáo dục, y tế, văn hóa, thủy lợi, nước sinh hoạt, các công trình giao thông chiến lược kết nối liên vùng, liên xã, liên thôn ở các địa bàn khó khăn; trước mắt tập trung nguồn lực cho các thôn, bản địa bàn biên giới, xã đảo gắn với thực hiện các tiêu chí NTM; tập trung cho các huyện, xã, thôn để hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM thông minh theo mục tiêu, lộ trình đã đề ra; ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào DTTS thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh.

Cùng với đó, nhiều điều khoản dự kiến cũng sẽ được bổ sung liên quan đến phân bổ vốn đầu tư phát triển; phân bổ kinh phí sự nghiệp; cơ chế lồng ghép các nguồn vốn và huy động các nguồn lực khác để thực hiện nghị quyết; bổ sung vốn ngân sách tỉnh bố trí thanh toán cho các dự án chuyển tiếp năm 2022 là 91,283 tỷ đồng; bổ sung tổng vốn ngân sách tỉnh giai đoạn 2023-2025 thực hiện Đề án Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh đến năm 2025; bổ sung nhiệm vụ và dự kiến kinh phí hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, chuyển đổi nghề giai đoạn 2023-2025; bổ sung nguồn vốn ngân sách tỉnh ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội giai đoạn 2021-2025 từ 300 tỷ lên 500 tỷ đồng…

Bà Mạ Thị Ngân, thôn Khe Lánh, xã Vô Ngại, huyện Bình Liêu cho biết: Thời gian qua, tỉnh đã có nhiều chính sách kịp thời, nhanh chóng hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, làm ăn, ổn định cuộc sống.

Nhờ đó diện mạo nông thôn ngày càng được khang trang, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn đều tăng theo các năm. Người dân chúng tôi luôn mong muốn tỉnh, Nhà nước tiếp tục quan tâm đến việc phát triển bền vững KT-XH, bảo đảm vững chắc QP-AN ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo, để người dân chúng tôi có cuộc sống khá giả hơn, vươn lên làm giàu từ lợi thế tự nhiên của địa phương, đóng góp vào sự phát triển của tỉnh.

Quảng Ninh hiện có 64 xã, thị trấn và 47 thôn thuộc vùng DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo. Thực hiện Nghị quyết số 50/NQ-HĐND ngày 13/11/2021 của HĐND tỉnh về “phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình tổng thể phát triển bền vững kinh tế - xã hội, bảo đảm vững chắc QP-AN ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM), NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021 - 2025”, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư đồng bộ, hiện đại, liên thông, đời sống, việc làm, thu nhập người dân được nâng lên.