Đầu tư mạnh cho vùng đồng bào dân tộc Khmer

Trong khuôn khổ triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đến tháng 11/2023, tỉnh Sóc Trăng đã giải ngân được trên 260 tỷ đồng thực hiện các công trình kết cấu hạ tầng cơ sở, phúc lợi xã hội, hỗ trợ đời sống vùng đồng bào dân tộc.

Sóc Trăng: Chú trọng phát huy vai trò của người uy tín trong phát triển kinh tế - xã hội
Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số năm 2023 của Sóc Trăng đều đạt kết quả tích cực.

Đồng thời, cơ sở hạ tầng vùng đồng bào dân tộc của tỉnh đã được tăng cường đầu tư, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho bà con.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng ban hành nhiều cơ chế, chính sách thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 – 2025; lồng ghép hiệu quả 3 Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số… Qua đó, tạo điều kiện, hỗ trợ người dân đầu tư, phát triển sản xuất nên tình hình đời sống người dân ổn định, tạo tiền đề, xây dựng vững chắc lòng tin của đồng bào các dân tộc vào sự lãnh đạo của Đảng và quản lý nhà nước.

Sóc Trăng có dân số khoảng 1,3 triệu người, trong đó đồng bào các dân tộc thiểu số chiếm 35,41%, chủ yếu là đồng bào Khmer và Hoa sống đan xen với đồng bào Kinh.

“Toàn tỉnh có 63 đơn vị cấp xã và 128 ấp được thụ hưởng Chương trình. Tổng nguồn vốn thực hiện năm 2022 – 2023 là gần 654,2 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này, tỉnh tập trung xây dựng 63 công trình đường, cầu giao thông, nhà sinh hoạt công cộng, chợ; 4 công trình nước sạch tập trung; hỗ trợ 197 hộ chuyển đổi ngành nghề; hỗ trợ đất cho 231 hộ, nhà ở cho 623 hộ, đất sản xuất cho 230 hộ khi cấp có thẩm quyền ban hành định mức hỗ trợ” - bà Huỳnh Thị Diễm Ngọc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng có chủ trương tập trung đầu tư vùng đồng bào dân tộc Khmer nhằm mục tiêu đẩy mạnh phát trển kinh tế gắn với giải quyết tốt các vấn đề xã hội; giảm nghèo nhanh, bền vững; góp phần thu hẹp khoảng cách về mức sống, thu nhập giữa vùng đồng bào dân tộc thiểu số so với bình quân chung của tỉnh; giảm dần số xã, ấp đặc biệt khó khăn.

Như vậy, quyết tâm của tỉnh trong phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp sức bằng Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 – 2025.

Người có uy tín góp phần phát triển kinh tế - xã hội Sóc Trăng

Theo Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn, người có uy tín đóng vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là chính sách, pháp luật về dân tộc, tôn giáo; gắn bó, vận động đồng bào đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau, cùng nhau phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá truyền thống của dân tộc Khmer.

Sóc Trăng: Chú trọng phát huy vai trò của người uy tín trong phát triển kinh tế - xã hội
Đồng bào Khmer với điệu múa truyền thống tại Sóc Trăng.

Có thể khẳng định, việc phát triển kinh tế - xã hội đạt kết quả tốt tại tỉnh Sóc Trăng có sự đóng góp to lớn của người uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn. Người có uy tín đã gương mẫu đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước, phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững; tham gia thực hiện tốt các phong trào bảo vệ an ninh trật tự ở địa phương…

Đặc biệt, người uy tín đã gương mẫu thực hiện và tích cực truyên truyền, vận động đồng bào tham gia và hưởng ứng dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng, dự án cầu Đại Nghĩa. Đồng thời, vận động đồng bào nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen, hành vi về chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số…

Còn theo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (UBMTTQVN) tỉnh Sóc Trăng, người có uy tín là “cánh tay nối dài” giúp UBMTTQVN tỉnh trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; vận động đồng bào gia tăng lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới…

Năm 2023, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tại Sóc Trăng đã vận động nhân dân, nhà hảo tâm cùng tham gia xây dựng nông thôn mới, đóng góp số tiền 4 tỷ đồng và 1,4 tỷ đồng cho sự nghiệp giáo dục của tỉnh.

Kế hoạch cho giai đoạn 2021 – 2030, tỉnh Sóc Trăng tập trung triển khai, thực hiện chương trình có trọng tâm, trọng điểm và bền vững, ưu tiên các xã, ấp đặc biệt khó khăn; hỗ trợ trực tiếp đến hộ dân tộc thiểu số nghèo; hộ nghèo dân tộc Kinh sinh sống ở xã, ấp đặc biệt khó khăn; đảm bảo công khai, dân chủ, phát huy quyền làm chủ, sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng, người dân.