![]() |
Mô hình trồng chanh leo ở Dồm Cang cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: TL |
Bố trí vốn dựa trên lợi thế, nhu cầu của đồng bào
Để nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, lãnh đạo huyện Sốp Cộp đã rà soát, đánh giá, khảo sát nhu cầu hỗ trợ của các hộ nghèo, hộ cận nghèo cũng như phân loại các hộ nghèo để có chính sách hỗ trợ sát thực, phù hợp, hiệu quả. |
Ông Quàng Văn Pọm - Trưởng phòng Dân tộc huyện, cho biết: Hàng năm, phòng đã tham mưu cho huyện phân bổ vốn thực hiện các chương trình, dự án hỗ trợ dựa trên định hướng phát triển kinh tế, tiềm năng, lợi thế của từng xã và nhu cầu của nhân dân. Đồng thời, phòng tập trung hướng dẫn các đơn vị và các xã triển khai thực hiện các chính sách dân tộc, các chương trình, dự án; đề xuất với tỉnh điều chỉnh, bổ sung chính sách phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương.
Từ năm 2021 đến nay, huyện Sốp Cộp đã thực hiện hỗ trợ hơn 1,8 tỷ đồng theo chương trình giảm nghèo tới từng hộ dân. Cụ thể, hỗ trợ mua giống thủy sản, 272 con bò giống cho các hộ nghèo tại các xã Mường Lạn, Mường Và, Sam Kha, Púng Bánh, Mường Lèo; 22 máy móc, thiết bị, công cụ, vật tư sản xuất cho các hộ nghèo xã Mường Lèo; hỗ trợ 37 hộ trồng mới 8,9 ha quýt chum tại xã Nậm Lạnh.
Đầu tư trên 63,7 tỷ đồng xây dựng 4 công trình nước sinh hoạt, 10 nhà văn hóa, 5 trường lớp học, 9 đường giao thông, 5 cầu treo, 1 trụ sở UBND xã. Mở 6 lớp đào tạo nghề thuộc lĩnh vực nông nghiệp dưới 3 tháng cho 210 học viên là người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; người lao động có thu nhập thấp trên địa bàn các xã...
Riêng năm 2022, huyện đã đầu tư trên 261 tỷ đồng thực hiện 109 dự án mới và chuyển tiếp thuộc chương trình đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; phát triển giáo dục đào tạo; chăm sóc sức khỏe nhân dân; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống...
Từ nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, huyện đã đầu tư gần 96,4 tỷ đồng xây dựng mới các công trình thủy lợi, đường giao thông, nước sinh hoạt, nhà văn hóa; 2,9 tỷ đồng duy tu bảo dưỡng 12 công trình phúc lợi cho 8 xã.
Ngoài ra, lãnh đạo huyện còn chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý cho nhân dân vùng; thường xuyên cung cấp thông tin cho những người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Các chính sách đối với người có uy tín được quan tâm, như phát sách, báo, hỗ trợ tiền tết, thăm hỏi ốm đau, gia đình người có uy tín gặp hoàn cảnh khó khăn... để họ yên tâm công tác.
Chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng
![]() |
Thi công tuyến đường Sam Kha - Mường Lèo. Ảnh: TL |
Nói về công tác xóa đói giảm nghèo trên địa bàn huyện, ông Vì Văn Minh - Chủ tịch UBND xã Nậm Lạnh, chia sẻ: Với sự hỗ trợ của Nhà nước, từ năm 2018 đến nay, các tuyến đường liên xã Nậm Lạnh đi Dồm Cang; Nậm Lạnh đi Mường Và, đường liên bản Hua Lạnh đi Huổi Hịa; đường sản xuất bản Cang Kéo, đã được bê tông hóa, nhựa hóa. Nhà văn hóa bản Lạnh, Cang Kéo, Pá Vai, Bánh Han được sửa chữa, xây mới; công trình nước sinh hoạt cho 6 bản vùng thấp được đầu tư xây dựng phục vụ đời sống nhân dân.
Hiện 100% các xã có nhà văn hóa, có đường ô tô đến trung tâm xã được cứng hóa; 96,7% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia; 99,9% số hộ được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% số xã có trạm y tế xây dựng khang trang; 92,08% số bản có nhà văn hóa; tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm từ 3 - 4%/năm.
Trụ sở làm việc của 100% số xã, nhà văn hóa xã, trường học, trạm y tế được xây dựng kiên cố, khang trang. 100% số bản được sử dụng điện lưới quốc gia; hơn 90% số hộ được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; đường đến trung tâm 8 xã của huyện được rải nhựa, đổ bê tông đi được bốn mùa...
Đặc biệt, với lợi thế đất đai rộng lớn, chất lượng đất tương đối tốt, tỷ lệ mùn cao, cộng thêm khí hậu vùng nhiệt đới nóng ẩm phù hợp các loại cây trồng nông lâm nghiệp và chăn nuôi đại gia súc, Sốp Cộp đã ưu tiên chuyển đổi diện tích đất trồng cây hàng năm sang trồng cây lâu năm có giá trị kinh tế cao như cà phê, mắc ca, cây ăn quả.
Công tác khám chữa bệnh được quan tâm từ tuyến cơ sở, 100% số dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số được cấp thẻ bảo hiểm y tế. Toàn huyện có 178 đội văn nghệ quần chúng, 12 câu lạc bộ văn nghệ các đơn vị, trường học, phục vụ nhu cầu văn hóa của nhân dân. Các giá trị văn hóa truyền thống được phục dựng và duy trì, như: Lễ hội “Xên bản, Xên mường”, Tết “Khảu Hó” ở xã Mường Và; lễ hội cầu mùa của đồng bào dân tộc Thái, xã Sốp Cộp; lễ “khoai lang, khoai sọ” của dân tộc Khơ Mú...
Với mục tiêu nâng cao đời sống, huyện Sốp Cộp tiếp tục thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng bền vững, có quy hoạch vùng, tạo thêm việc làm cho lao động nông thôn, góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, giữ vững phên dậu của Tổ quốc. |