Giải ngân đạt thấp

Việt Nam có 3 chương trình mục tiêu quốc gia: Chương trình xây dựng nông thôn mới; Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi; Chương trình xóa đói giảm nghèo bền vững.

Theo báo cáo tổng hợp từ Bộ Tài chính, dự kiến đến hết tháng 11/2022, tỷ lệ giải ngân của 3 dự án này mới đạt trên 17% kế hoạch vốn được giao.

Đặc biệt, Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi được xem như bước khởi động quan trọng để đồng bào DTTS phát triển kinh tế ngay trên chính mảnh đất quê hương mình. Tuy nhiên, trên thực tiễn tốc độ giải ngân của chương trình còn rất thấp.

Tăng tốc giải ngân vốn đầu tư giúp đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế
Tăng tốc giải ngân vốn đầu tư giúp đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế xã hội. Ảnh minh họa: H.T

Nguyên nhân của việc giải ngân chậm được chỉ ra là do đây là một chương trình mới hoàn toàn, vì vậy cần nhiều các văn bản hướng dẫn, cũng như khảo sát đánh giá thực trạng của các địa phương để làm cơ sở tổ chức triển khai thực hiện.

Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi được xem như bước khởi động quan trọng để đồng bào DTTS phát triển kinh tế ngay trên chính mảnh đất quê hương mình. Tuy nhiên, trên thực tiễn tốc độ giải ngân của chương trình còn rất thấp.

Bên cạnh đó, nguồn vốn này mới được phân bổ về các địa phương vào tháng 7 vừa qua. Do đó, trong mấy tháng gần đây, các địa phương mới chỉ thực hiện được công tác phân bổ chi tiết nguồn vốn.

Đơn cử như tại tỉnh Kiên Giang, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi được triển khai tại 49 xã trên địa bàn 11 huyện của tỉnh. Đến nay, Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp các sở, ban, ngành tỉnh tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành 3 nghị quyết; ban hành 12 quyết định, 18 kế hoạch, 60 công văn thực hiện chương trình.

Đến ngày 29/8/2022, HĐND tỉnh, UBND tỉnh và các sở, ngành cấp tỉnh đã lập kế hoạch, phân bổ vốn đầu tư giai đoạn 2021 - 2025 để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia cho các cơ quan chủ dự án, chủ tiểu dự án, trong đó nguồn vốn ngân sách trung ương phân bổ 88,985 tỷ đồng; ngân sách địa phương 4,537 tỷ đồng. Tổng vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh năm 2022 là 93,522 tỷ đồng. Đến ngày 20/10/2022, trên địa bàn tỉnh chưa giải ngân được nguồn vốn thực hiện chương trình.

Hay như theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi là chương trình lớn, mới, do đó, tỉnh gặp nhiều khó khăn trong triển khai thực hiện, nhất là văn bản hướng dẫn của trung ương chưa kịp thời và đầy đủ, nguồn vốn phân bổ chậm khiến các khâu triển khai cũng bị chậm theo.

Quyết tâm cao để đáp ứng kỳ vọng của đồng bào DTTS

Ngày 17/10 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị số 19/CT- TTg về việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia những tháng còn lại năm 2022 và nâng cao chất lượng xây dựng kế hoạch đầu tư công năm 2023.

Tăng tốc giải ngân vốn đầu tư giúp đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế
Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giúp nâng cao chất lượng đời sống của bà con dân tộc. Ảnh TL

Tại chỉ thị, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành địa phương thực hiện đồng bộ các biện pháp quản lý và tăng cường lồng ghép các nguồn vốn thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, đảm bảo sử dụng vốn tập trung, tiết kiệm, hiệu quả; khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, trùng lắp, lãng phí; không để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản.

Theo báo cáo từ Bộ Tài chính, đến thời điểm này, Bộ Tài chính đã nhận được báo cáo của 52/52 địa phương đã giao kế hoạch vốn thực hiện cho các đơn vị trực thuộc, tuy nhiên vẫn còn 1 địa phương chưa giao hết kế hoạch vốn (Khánh Hòa 18.977 triệu đồng).

Thực hiện Chỉ thị của Chính phủ, 52 địa phương được giao nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia đang quyết tâm thực hiện các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, nhất là giải ngân nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi để giúp bà con DTTS phát triển kinh tế - xã hội, đưa chất lượng đời sống của bà con được nâng lên.

Tại tỉnh Sóc Trăng, theo báo cáo của UBND tỉnh, đến nay, các sở, ban ngành, địa phương đang khẩn trương thúc đẩy tiến trình các dự án, thực hiện đầy đủ các trình tự thủ tục, thẩm định, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án, đảm bảo kế hoạch giao vốn đúng theo quy định.

Đồng thời, để thực hiện mục tiêu tiếp tục nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, đồng bào Khmer nói riêng, giúp cho đồng bào phát triển sản xuất, ổn định kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững, tỉnh Sóc Trăng sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức trong toàn hệ thống chính trị và người dân về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của chương trình; triển khai có hiệu quả các dự án, chính sách thuộc Chương trình, phối hợp lồng ghép với các chương trình, dự án đang triển khai nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả việc thực hiện các dự án, chính sách dân tộc…

Còn tại tỉnh Quảng Ngãi, Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội tăng cường kỷ luật kỷ cương trong việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ; giao các cơ quan đầu mối khẩn trương triển khai các hướng dẫn của trung ương liên quan đến từng chương trình, chủ động phối hợp với các cơ quan đơn vị địa phương tổ chức các nhiệm vụ đã được giao. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với Sở Tài chính, Kho Bạc Nhà nước theo dõi kiểm tra tiến độ giải ngân nguồn vốn năm 2022 của 3 chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi; báo cáo kịp thời cho UBND tỉnh những nội dung vướng mắc.

UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện đầy đủ chức năng nhiệm vụ và thẩm quyền trong việc triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn, báo cáo cụ thể, kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện để Sở Kế hoạch và Đầu tư làm đầu mối tham mưu UBND tỉnh phân khai, điều chỉnh vốn giữu các nội dung, các tiểu dự án để giải ngân hết nguồn vốn được giao. Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu các cơ quan trong hệ thống chính trị, cần quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện đạt kết quả 3 chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh trong năm 2022./.