Nhiều sản phẩm đặc sản chưa có thương hiệu riêng

Tại tọa đàm “Định vị thương hiệu cho sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”, TS Võ Trí Thành cho biết, Quyết định số 1719/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 là cú huých cho phát triển kinh tế tại nhiều địa phương miền núi, vùng đồng bào dân tộc.

“Nếu xây dựng được thương hiệu và sản phẩm đặc sắc thì đó vừa là hình ảnh của vùng miền vừa là hình ảnh Việt Nam khi vươn ra thị trường quốc tế”- TS Võ Trí Thành phân tích.

Từ đó, nhiều sản phẩm của đồng bào dân tộc miền núi đã tạo lập được thương hiệu, xây dựng được bản sắc để cạnh tranh và đưa vào hệ thống phân phối trong và ngoài nước.

TS. Võ Trí Thành phân tích, thương hiệu là cái “giá” mà đối tác, khách hàng, người tiêu dùng sẵn sàng trả thêm cho sản phẩm. Sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có 2 giá trị khác biệt: sản phẩm được sản xuất theo xu hướng xanh, an toàn và sản phẩm gắn với truyền thống, văn hoá của bản địa.

Tuy nhiên, sản phẩm của bà con đồng bào dân tộc thiểu số vẫn chưa có nhiều thương hiệu uy tín được đưa ra thị trường. Các đơn vị sản xuất cũng như bà con chưa nhận thức được tầm quan trọng của thiết kế, tính mỹ thuật, văn hóa cũng như xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm này.

Hạn chế là người dân chưa biết cách khai thác và gìn giữ nên có nhiều thương hiệu sản phẩm đã chìm xuống và hiện nay có rất nhiều sản phẩm đặc sản chưa có thương hiệu riêng mà chỉ gắn với vùng miền và nguồn lực chưa đủ để phát triển toàn diện, bao trùm… Đây là những điều cần thiết để xây dựng và phát triển thương hiệu cho bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Đi tìm lời giải cho việc tạo dựng thương hiệu sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi
Đặc sản Lào Cai được quảng bá giới thiệu tại hội chợ hàng nông sản Việt Nam diễn ra tại Hà Nội vào cuối tháng 9/2023. Ảnh: Hải Anh

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Lê Bá Ngọc - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ Việt Nam cho rằng, làm thế nào để sản phẩm đặc sản vùng đông bào dân tộc gắn với thương hiệu của một doanh nghiệp đây là cả một câu chuyện. Vùng miền là tốt, có tính lan toả tốt, nhưng để nhận diện được trong vùng miền đó có hình ảnh, có vai trò, có nỗ lực, cho chất riêng, chất đặc sắc mà doanh nghiệp tạo ra sản phẩm vùng miền ấy thì đó là vấn đề. Bà con đồng bào dân tộc còn hạn chế về tư duy thị trường, xây dựng thương hiệu sản phẩm, vì vậy cần sự hỗ trợ nhiều hơn nữa từ phía Chính phủ, chính quyền địa phương, bộ, ngành chức năng.

Doanh nghiệp đồng hành cùng người xây dựng, phát triển thương hiệu

Bà Lê Thị Hằng - Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần cà phê Detech cho hay, xuất phát từ niềm tự hào, niềm tin vào tiềm năng của cà phê Việt Nam, trong đó cà phê Arabica Sơn La có những đặc điểm riêng, khác biệt. Chính vì vậy, doanh nghiệp quyết định xây dựng thương hiệu cho cà phê Arabica Sơn La hỗ trợ tạo kế sinh nhai cho đồng bào dân tộc thiểu số ở đó, giúp họ có một cuộc sống ổn định hơn.

Động lực để Công ty cà phê Detech đến với ý tưởng đưa sản phẩm của thương hiệu cà phê Sơn La đến với thị trường tiêu dùng, xuất phát từ việc chúng tôi rất tự hào và có niềm tin vào tiềm năng của cà phê Việt Nam.

Sự khác biệt của sản phẩm cà phê Arabica có vị chua thanh và có vị hương hoa, vị đặc trưng của vùng Tây Bắc là vị thảo mộc, 80% là những người trực tiếp tham gia vào thu hái, chế biến với sản phẩm cà phê Arabica là phụ nữ. Vì vậy, doanh nghiệp mong muốn tạo kế sinh nhai cho đồng bào dân tộc thiểu số ở đó, giúp họ có một cuộc sống ổn định và gắn kết với cả điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu và cũng như là thiên nhiên ban tặng cho vùng Sơn La, Tây Bắc.

Hiện nay, Detech Coffee đã chinh phục được thị trường quốc tế, xuất khẩu gián tiếp và trực tiếp sang thị trường các nước Châu Âu, New Zealand, thị trường Mỹ. Detech cũng hỗ trợ, đào tạo bà con sản xuất cà phê chứng chỉ và tập huấn nâng cao năng lực về canh tác sản xuất và chế biến cà phê giúp họ có chất lượng và sản lượng tốt hơn trong cùng một mùa vụ thu hoạch.

Đi tìm lời giải cho việc tạo dựng thương hiệu sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi
Xúc tiến quảng bá hàng thủ công mỹ nghệ của đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Ảnh: Hải Anh

Chia sẻ giải pháp xây dựng thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, ông Lê Bá Ngọc cho hay, trong thời gian tới, Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ Việt Nam tiếp tục có những hoạt động xúc tiến quảng bá cho nghề thủ công của đồng bào dân tộc miền núi tại các tỉnh, thành trong nước và tại hội chợ các nước ASEAN.

Ở quy mô cấp tỉnh, hiệp hội cũng triển khai được nhiều chương trình đào tạo nghề, các chương trình khôi phục vùng sản xuất nguyên liệu cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, cho các làng nghề, cho các nghề thủ công.

Ở cấp doanh nghiệp, hiệp hội cũng hình thành các liên kết giữa doanh nghiệp sản xuất thương mại và các vùng sản xuất của đồng bào dân tộc; đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm thủ công mỹ nghệ thông qua các nền tảng thương mại điện tử.

6 yếu tố để xây dựng thương hiệu

Để định vị được thương hiệu cho sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cần chú ý 6 yếu tố: xác định đúng nhu cầu của thị trường và có các sản phẩm phù hợp với từng phân khúc (trung cấp - cao cấp); gắn truyền thống văn hoá với phát triển thương hiệu vùng miền và xây dựng thương hiệu quốc gia; định vị được không gian của hàng thủ công vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; tăng cường công tác liên kết giữa hộ sản xuất với doanh nghiệp; cần quảng bá chuyên nghiệp hơn và cần những chính sách mạnh mẽ hơn thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm.