Tạo sinh kế, tăng thu nhập cho đồng bào dân tộc Yên Minh từ việc cải tạo vườn tạp
Đồng bào huyện Yên Minh (Hà Giang) cải tạo vườn tạp.

Không nóng vội, không thành tích

Để tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh đã cho ra đời Nghị quyết 05 và Đề án cải tạo vườn tạp (CTVT) của tỉnh, giai đoạn 2021 – 2025, với mục tiêu phấn đấu toàn tỉnh cải tạo 6.500 vườn tạp, trong đó huyện Yên Minh cải tạo ít nhất 270 vườn (100 vườn của hộ nghèo, 170 vườn hộ cận nghèo).

Cụ thể, lãnh đạo huyện Yên Minh đã thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc và tổ chức phát động chương trình rộng rãi từ huyện đến xã. Đồng thời yêu cầu mỗi xã, thị trấn lựa chọn ít nhất 2 hộ làm trước, toàn huyện đã chọn 40 hộ ở 18 xã, thị trấn làm điểm để rút kinh nghiệm triển khai.

Thực hiện đúng phương châm của tỉnh là “không nóng vội, không thành tích”, huyện Yên Minh triển khai bài bản các bước như tuyên truyền, quán triệt sâu rộng trong cán bộ và các tầng lớp nhân dân về quan điểm, mục tiêu Nghị quyết 05 với 125 buổi/14.120 người tham gia; tập huấn nghiệp vụ chuyên môn và kỹ thuật cải tạo vườn cho công chức nông nghiệp các xã, thị trấn và các hộ cải tạo vườn được 2 lớp, với 116 lượt người tham gia; chỉ đạo cơ quan chuyên môn xuống cơ sở, kiểm tra, hướng dẫn các địa phương, hộ quy hoạch vườn, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, phòng trừ dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi theo hướng “cầm tay chỉ việc”…

Kết quả lớn nhất trong thực hiện cải tạo vườn tạp ở Yên Minh trong năm qua không chỉ có số vườn lớn đã được cải tạo mà chương trình còn nhận được sự hưởng ứng, ủng hộ, lan tỏa trong nhân dân. Bước đầu nhiều hộ có thu hoạch từ những cây trồng ngắn ngày để cải thiện thực phẩm tại chỗ cho gia đình và một phần tiêu thụ sản phẩm ra thị trường.

Phó phòng Nông nghiệp huyện Yên Minh Nguyễn Văn Chương cho biết: CTVT là chương trình lớn của tỉnh. Do đó, Ban Chỉ đạo huyện xác định việc triển khai CTVT không chỉ thực hiện theo đúng định hướng, hướng dẫn của tỉnh mà phải vận dụng phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương như mỗi vùng khí hậu, thổ nhưỡng, địa bàn các dân tộc và điều kiện canh tác khác nhau phải hướng dẫn người dân cải tạo vườn trồng các loại cây, rau và chăn nuôi phù hợp để sớm đem lại hiệu quả kinh tế.

Sau 6 tháng triển khai, rút kinh nghiệm từ các hộ làm điểm, huyện yêu cầu các xã, thị trấn lựa chọn thêm ít nhất 20 hộ (10 hộ thuộc hộ nghèo, cận nghèo và 10 hộ không nghèo) để mở rộng đối tượng và lan tỏa phong trào CTVT, hướng tới mục tiêu đến năm 2020 có trên 500 vườn tạp được cải tạo, đảm bảo các tiêu chí và đem lại hiệu quả kinh tế…

Sau cải tạo vườn, bình quân mỗi hộ có thu nhập 15,5 triệu đồng

Tạo sinh kế, tăng thu nhập cho đồng bào dân tộc Yên Minh từ việc cải tạo vườn tạp
Đồng bào dân tộc Giáy, thôn Vị Ke, xã Nậm Ban (Mèo Vạc) phấn khởi thu hoạch “quả ngọt” trên mảnh vườn.

Với những cách làm linh hoạt và quyết liệt, sau 1 năm thực hiện CTVT, huyện Yên Minh có 342 hộ đã cải tạo vườn gồm: 95 hộ nghèo, 97 hộ cận nghèo, 150 hộ trung bình, khá, giàu. Tổng diện tích vườn được cải tạo trên 234.000 m2. Toàn huyện có 52 hộ nghèo, cận nghèo được giải ngân vay vốn theo chính sách hỗ trợ của Nghị quyết 58 HĐND tỉnh với số vốn vay 1 tỷ 560 triệu đồng, cải tạo được trên 84.000 m2 vườn. Có 31/52 vườn vay vốn đạt từ 3 tiêu chí trở lên, 45/52 vườn đã cho thu nhập, tổng thu nhập trên 670 triệu đồng, bình quân mỗi hộ có thu nhập sau cải tạo vườn 15,5 triệu đồng. Một số hộ điển hình như ông Tháng Thanh Bắc, Tháng Thanh Vượng, thôn Tu Đoóc, xã Đông Minh có thu nhập từ 53 – 62 triệu đồng; Thào Mí Ly, xã Thắng Mố thu nhập 37,8 triệu đồng; Lò Ngán Thìn, xã Lao và Chải thu nhập 30 triệu đồng từ cải tạo vườn… Ngoài ra, các địa phương đã huy động được trên 114 triệu đồng và trên 4.100 ngày công hỗ trợ các hộ cải tạo vườn.

Dù gặp nhiều khó khăn như: Đây là chương trình mới, nhiều địa phương và ngành chuyên môn có lúc lúng túng, chưa nhận thức đúng ý nghĩa, mục tiêu CTVT; đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo thiếu kinh nghiệm, kiến thức kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, chưa mạnh dạn đầu tư cho sản xuất; vị trí vườn hộ địa hình đồi núi, diện tích nhỏ, thiếu nước, ứng dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa vào sản xuất hạn chế; nguồn lực đối ứng của nhiều hộ không có, chủ yếu dựa vào sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân và vốn tín dụng; nhiều hộ còn tư tưởng trông chờ ỷ lại vào hỗ trợ của nhà nước, dịch bệnh trên gia súc và dịch Covid-19 diễn biến phức tạp cũng ảnh hưởng không nhỏ đến công tác chỉ đạo và thực hiện CTVT…

Tuy nhiên, kết quả lớn nhất trong thực hiện CTVT ở Yên Minh trong năm qua không chỉ có số vườn lớn đã được cải tạo mà chương trình còn nhận được sự hưởng ứng, ủng hộ, lan tỏa trong nhân dân; bước đầu nhiều hộ có thu hoạch từ những cây trồng ngắn ngày để cải thiện thực phẩm tại chỗ cho gia đình và một phần tiêu thụ sản phẩm ra thị trường. Đồng thời từng bước thay đổi tư duy sản xuất, phong tục, tập quán canh tác của bà con, chuyển từ các loại cây trồng, vật nuôi giá trị kinh tế thấp sang cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao hơn… giúp tạo sinh kế, việc làm ổn định, tăng thu nhập, tiến tới thoát nghèo. Ngoài ra, thực hiện cải tạo vườn tạp giúp chỉnh trang khuôn viên nhà ở, sắp xếp bố trí lại không gian vườn hộ một cách hợp lý, khoa học, phù hợp với bản sắc văn hóa và điều kiện thực tiễn của từng hộ, đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn “xanh - sạch - đẹp”.

Động lực thực hiện hiệu quả chương trình cải tạo vườn tạp ở Yên Minh

Cải tạo vườn tạp ở Yên Minh không chỉ nhận được sự hưởng ứng của các hộ nghèo, cận nghèo thiếu sinh kế mà lan tỏa tới các hộ khá giả, hướng tới mục tiêu tận dụng tối đa diện tích đất sản xuất của gia đình, thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và bố trí khoa học, hợp lý diện tích vườn, đồi để sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn, trở thành điển hình, làm gương cho các hộ khác học tập…