Năm 2023, tỉnh Tây Ninh thực hiện nhiều chính sách tín dụng ưu đãi. Ngân hàng Chính sách xã hội - Chi nhánh tỉnh Tây Ninh đã trở thành kênh tín dụng hiệu quả đối với người nghèo, giúp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và tạo được nhiều việc làm cho người dân.

Cụ thể, Ngân hàng Chính sách xã hội - Chi nhánh tỉnh Tây Ninh đã cho vay 6.909 hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo, với số tiền trên 294,2 tỷ đồng. Tính đến ngày 31/10/2023, tổng dư nợ đạt trên 551,7 tỷ đồng với 16.663 hộ còn dư nợ.

Theo ông Nguyễn Văn Vy - Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Tây Ninh, cho biết: “Việc phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc thực hiện công tác an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong chương trình phối hợp hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp. Việc vận động, hỗ trợ người nghèo có nhiều cách làm phong phú, thiết thực, từ đó, huy động các nguồn lực xã hội trong chăm lo cho người nghèo. Giai đoạn 2021 - 2023, các đơn vị đã vận động được trên 85 tỷ đồng.”

Từ nguồn quỹ vận động, tỉnh đã xây 829 căn nhà đại đoàn kết tặng cho người khó khăn, người nghèo với tổng giá trị 56,4 tỷ đồng; chi 2,2 tỷ đồng sửa chữa 123 căn nhà. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh phối hợp đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm hỗ trợ quà tết cho người nghèo; hỗ trợ học sinh nghèo hiếu học, vượt khó trong học tập; hỗ trợ vốn cây trồng, vật nuôi cho hộ nghèo với tổng kinh phí gần 50 tỷ đồng.

Tây Ninh: Lồng ghép nhiều dự án phù hợp trong công tác giảm nghèo bền vững

Công tác giảm nghèo đã được đưa vào nghị quyết hàng năm của tỉnh Tây Ninh, trở thành nhiệm vụ chính trị quan trọng của địa phương.

Đặc biệt, với các dự án đa dạng hóa sinh kế, việc phát triển mô hình giảm nghèo đã tạo việc làm, sinh kế bền vững, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người nghèo; đồng thời, góp phần thực hiện mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, tăng trưởng kinh tế và mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Thống kê đến tháng 11/2023, UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh đã phê duyệt, thẩm định trên 95 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng với hơn 845 hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo (trong vòng 36 tháng), người khuyết tật không có sinh kế ổn định tham gia dự án, tổng kinh phí trên 20,3 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, tỉnh đã thẩm định 53 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp với 337 hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người khuyết tật tham gia, tổng kinh phí trên 9,5 tỷ đồng; phê duyệt, thẩm định các dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn và hỗ trợ việc làm bền vững với kinh phí hơn 1.477 tỷ đồng.

Để từng bước giảm nghèo bền vững, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Tây Ninh xây dựng các chương trình, đề án giảm nghèo gắn với thực chất như: đề án hỗ trợ trâu, bò sinh sản với 1.003 con trâu, bò, trị giá gần 24 tỷ đồng đã được trao cho các hộ nghèo; dự án hỗ trợ vốn hoàn lại (500 triệu đồng) và nhân rộng mô hình chăn nuôi trâu, bò sinh sản cho 30 hộ đồng bào dân tộc Khmer ở 3 ấp Tầm Phô, Kà Ốt, Suối Dầm thuộc xã Tân Đông, huyện Tân Châu.