Đa dạng hóa sản xuất nông nghiệp để phát triển kinh tế

Ea Tam là xã vùng sâu vùng xa, cách trung tâm TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lắk gần 70 km về phía Đông Bắc, có 2.868,48 ha đất nông nghiệp, 2.561,7 ha đất rừng, đây là điều kiện thuận lợi để phát triển cây công nghiệp, hoa màu và lâm nghiệp. Cà phê được xem là cây làm giàu với 1.890 ha, sản lượng hằng năm đạt khoảng 3.000 tấn, là nguồn thu nhập chính của bà con.

Các loại cây lương thực và thực phẩm cũng được khuyến khích phát triển nhằm khai thác lợi thế đất đai. Trong đó, cây lúa có diện tích lớn nhất toàn huyện với gần 500 ha, sản lượng 2.790 tấn. Các loại khác có 105 ha rau, 1.250 ha ngô và 250 ha đậu phụng, khoai lang, sắn… Bên cạnh đó, nhờ có một diện tích lớn đất trồng cỏ, chăn nuôi đại gia súc cũng phát triển mạnh với nhiều mô hình trang trại. Hiện, tổng đàn trâu bò của toàn xã có gần 1.900 con.

“Tiểu Tây Bắc” giữa Tây Nguyên: Phát triển kinh tế đi đôi với bảo tồn bản sắc văn hóa
Cà phê được xem là nguồn thu nhập chính của bà con xã Ea Tam (Ảnh: TL)
Ngoài những loại cây trồng, vật nuôi thế mạnh lâu nay, các vật nuôi khác cũng được đưa về nuôi ngày càng nhiều ở Ea Tam; trong đó, có mô hình nuôi thỏ ngoại nhập đang tạo nên hướng đi mới phát triển kinh tế của địa phương. So với nuôi lợn, gà thì nuôi thỏ lãi hơn vì có thể tận dụng các loại thức ăn sẵn có trong tự nhiên, mỗi tháng sau khi trừ hết chi phí, người nông dân có thể lãi từ 10 - 15 triệu đồng. Trên địa bàn xã hiện có gần 100 hộ nuôi thỏ. Mới đây, Hội Nông dân xã đã thành lập Tổ hội nghề nghiệp nuôi thỏ với 14 thành viên nhằm tạo mối liên kết giữa các hộ chăn nuôi, giúp đỡ nhau về con giống và kỹ thuật nuôi, chăm sóc thỏ…

Nhờ phát huy thế mạnh sản xuất nông nghiệp, đa dạng hóa cơ cấu cây trồng vật nuôi, tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, bộ mặt nông thôn của xã Ea Tam thời gian qua đã có nhiều khởi sắc, đời sống người dân được cải thiện nhiều.

Những ngôi nhà sàn truyền thống khang trang đỏ tươi màu ngói của người Nùng An (dân tộc Nùng) ở làng Quảng Hòa (thôn Tam Điền) là minh chứng rõ nhất cho cuộc sống ấm no, sung túc của nơi này. Một người nông dân trong làng cho biết, thu nhập thấp nhất của mỗi gia đình trong làng cũng tầm 200 triệu đồng, còn lại là 400 - 500 triệu đồng/năm. Mỗi hộ có từ 2 - 3 ha trồng cây công nghiệp xen canh cây ăn quả.

Anh Triệu Trung Hưng, dân tộc Tày, một thành viên của Tổ hợp tác thanh niên của xã Ea Tam chia sẻ, trên diện tích 3 ha của gia đình mình, anh đã áp dụng quy trình sản xuất hữu cơ thuận theo tự nhiên, vừa kết hợp trồng cây ăn trái vừa làm hệ thống chuồng trại chăn nuôi: bò, lợn, giun quế và đào ao nuôi cá rộng 600 m2. Bình quân mỗi năm, tổng thu nhập của gia đình anh từ vườn cây trồng đạt hơn 300 triệu đồng.

Bảo tồn bản sắc dân tộc

Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế gia đình, người dân của xã Ea Tam còn nỗ lực bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc. Dù lập nghiệp xa quê đã lâu, nhưng người Nùng An (dân tộc Nùng) ở làng Quảng Hòa (thôn Tam Điền) vẫn giữ được những nếp nhà sàn truyền thống theo kiến trúc nguyên bản 4 mái, trang phục truyền thống, nghề dệt vải chàm và các sinh hoạt văn hóa tâm linh...

Những thanh niên chuẩn bị lấy vợ, gia đình đều làm sẵn nhà sàn cho ra ở riêng. Bà con nơi đây xem nhà sàn là “tài sản” vô giá. Với họ, Người Nùng An sinh ra từ nhà sàn, gắn bó cả cuộc đời với nếp nhà sàn nên dù ở đâu, làm gì cũng phải xây cho tổ ấm của mình một ngôi nhà giống vậy. Có như thế, truyền thống của gia đình và nét văn hóa của người Nùng An mới không bị biến mất.

Vùng “Tiểu Tây Bắc” giữa Tây Nguyên: phát triển kinh tế đi đôi với bảo tồn bản sắc văn hóa
Lễ hội văn hóa Dân gian Việt Bắc được tổ chức thường niên tại xã Ea Tam (Ảnh: TL)

Đặc biệt, từ năm 2009 đến nay, xã Ea Tam tổ chức thường niên Lễ hội văn hóa Dân gian Việt Bắc với phần lễ và phần hội rất long trọng, gồm các nghi lễ như Lễ Lồng Tồng (Lễ xuống đồng), cúng Thổ công, cầu mùa,… Trong lễ hội còn có nhiều trò chơi và các tiết mục đặc sắc khác như: cách nấu cất rượu men lá, cách quay heo với lá mắc mật, cách làm bánh chưng, bánh dày, bánh khảo, bánh tro bếp, nấu xôi ngũ sắc; xem điệu múa xòe của người Thái, nghe vài điệu hát then, lượn cùng cây đàn tính của người Tày, Nùng và xem những người đàn ông mặc áo chàm, ngồi quây quần uống rượu đàn hát khi men đã ngấm…

Bà La Bế Thủy Trang, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Tam cho biết, văn hóa là nguồn cội, hồn cốt của dân tộc, cùng với ý thức chủ động gìn giữ của người dân, Đảng bộ, chính quyền xã cũng quan tâm, tạo điều kiện để đáp ứng nhu cầu văn hóa, tín ngưỡng của bà con, làm cho diện mạo đời sống văn hóa ở đây ngày càng phong phú. Thông qua các lễ hội, địa phương cũng khuyến khích, người dân tiếp tục trân trọng, tự hào và giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình.