Trà Vinh: Huy động nguồn lực để đầu tư phát triển toàn diện vùng đồng bào Khmer
Đồng bào Khmer chuẩn bị lễ vật cúng trong lễ Pithi Sêne Đôlta.

Chính sách dân tộc đi vào cuộc sống

Từ năm 1999, tỉnh Trà Vinh bắt đầu triển khai thực hiện Chương trình 135 của Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa.

Tỉnh ủy Trà Vinh đề ra Nghị số 01 về chương trình phát triển toàn diện vùng đồng bào Khmer trong tỉnh. Với sự hỗ trợ đầu tư của Trung ương, cùng sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền trong tỉnh, hàng loạt các công trình, dự án được triển khai thực hiện theo từng năm, từng mục tiêu để phục vụ dân sinh cho vùng đồng bào Khmer của tỉnh.

Cụ thể, từ nguồn vốn Chương trình 135 của Chính phủ, đến nay tỉnh Trà Vinh đã đầu tư xây dựng được hơn 1.170 công trình kết cấu hạ tầng phục vụ cho yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào Khmer.

Cùng với đó, Trà Vinh còn được Trung ương hỗ trợ thông qua các chính sách đặc thù cho đồng bào Khmer, như: hỗ trợ đất ở cho trên 3.750 hộ; đất sản xuất cho hơn 1.100 hộ, nhà ở cho 36.454 hộ; chuộc lại đất sản xuất cho 449 hộ, khoan giếng cho 144 hộ, đấu nối nước sạch cho 3.360 hộ; hỗ trợ tiền mặt, hiện vật cho hơn 199.930 lượt hộ nghèo ở vùng khó khăn.

Bên cạnh đó, hàng trăm ngàn lượt hộ được vay vốn ưu đãi lãi suất để cải thiện cuộc sống, chuyển đổi nghề, phát triển sản xuất... từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Từ các nguồn vốn hỗ trợ đầu tư của Trung ương và của tỉnh, thời gian qua, vùng đồng bào Khmer trong tỉnh đã cơ bản phát triển toàn diện kết cấu hạ tầng về giao thông, điện, thuỷ lợi, y tế...

Nhờ đó, đời sống vật chất tinh thần đồng bào Khmer không ngừng cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo Khmer giảm nhanh với mức bình quân hàng năm giảm 4,17% và đến cuối năm 2021, tỷ lệ hộ Khmer nghèo của tỉnh còn dưới 4%.

Nâng cao các giá trị văn hóa dân tộc Khmer

Không chỉ nâng cao về đời sống vật chất, nhiều năm qua, tỉnh còn chăm lo đời sống tinh thần, chú trọng nâng cao dân trí, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc của đồng bào Khmer.

Hàng năm, Trà Vinh có khoảng 2.500 sinh viên, học sinh dân tộc Khmer theo học ở các bậc: đại học, cao đẳng; duy trì khoảng 70.000 học sinh dân tộc Khmer ở bậc mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông (chiếm 34% so với học sinh chung).

Việc dạy và học chữ Khmer được tổ chức hằng năm tại 121 điểm trường với hơn 19.000 học sinh là con em đồng bào Khmer theo học.

Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh luôn quan tâm đầu tư và nâng cao các giá trị văn hóa dân tộc Khmer. Hàng năm, trong dịp lễ Chôl Chnăm Thmây và lễ Sene Đôlta ngành đều cho ra mắt 2 số nội san văn hóa bằng chữ Khmer.

Trung tâm Văn hóa tỉnh có Đội Thông tin tuyên truyền lưu động Khmer vừa phục vụ nhu cầu thưởng thức của quần chúng, vừa tuyên truyền chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người dân.

Trà Vinh còn có Bảo tàng Văn hóa dân tộc Khmer được xây dựng và đi vào hoạt động từ năm 1995, đến nay đã sưu tầm, hệ thống hóa, trưng bày trên 1.000 hiện vật thể hiện rõ nét văn hóa, lao động sản xuất, tín ngưỡng tâm linh, phong tục tập quán của đồng bào Khmer.

Toàn tỉnh có 40 di tích cấp quốc gia và cấp tỉnh được công nhận là các cơ sở thờ tự. Riêng lễ hội Ok-Om-Bok do Trà Vinh tổ chức hàng năm đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia...

Trong giai đoạn 1 thực hiện chương trình (năm 2021 - 2025) Trà Vinh có 9 dự án, gồm: giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; quy hoạch, sắp xếp, bố trí ổn định dân cư ở những nơi cần thiết; phát triển nông, lâm nghiệp, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hoá chuỗi giá trị; đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống vùng đồng bào dân tộc thiếu số; phát triển giáo dục, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch; chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể chất, tầm vóc người dân tộc thiểu số; phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em; thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp bách với phụ nữ và trẻ em.

Mục tiêu quan trọng của Trà Vinh là các cấp ủy, chính quyền trong tỉnh nỗ lực huy động tất cả nguồn lực để đầu tư phát triển toàn diện vùng đồng bào Khmer trong tỉnh trong giai đoạn 2021 - 2030, để xóa bỏ khoảng cách khó khăn, tụt hậu giữa vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số với các vùng địa phương còn lại của tỉnh.