Nâng mức sống đồng bào dân tộc thiểu số

Thực hiện nhiệm vụ phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc Khmer, giai đoạn 2016 – 2020, Trà Vinh đã đầu tư hơn 2.100 tỷ đồng từ nguồn vốn trung ương, địa phương để xây dựng 685 công trình cơ sở hạ tầng phục vụ yêu cầu dân sinh và phát triển vùng đồng bào dân tộc Khmer…Ngoài ra, đồng bào Khmer còn được thụ hưởng nhiều chính sách khác, như: gần 4.000 hộ Khmer được hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế; trên 3.000 hộ được hỗ trợ đất ở, trên 3.600 hộ được hỗ trợ xây dựng nhà ở; giải quyết việc làm cho trên 3.300 hộ và trên 15.000 hộ được hỗ trợ nước sạch sinh hoạt.

Trà Vinh đặt mục tiêu đến năm 2025, thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số đạt 80 triệu đồng/người/năm, hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm từ 3 – 4%/năm.

Theo ông Kiên Ninh - Trưởng ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, từ nay đến năm 2025, tỉnh Trà Vinh sẽ thực hiện 10 dự án, với tổng kinh phí khoảng 1.465 tỷ đồng. Trong số đó, ngân sách trung ương hơn 1.005 tỷ đồng, số tiền còn lại là nguồn đối ứng từ ngân sách địa phương, vốn vay tín dụng chính sách và nguồn vốn huy động hợp pháp.

Trà Vinh thực hiện đồng bộ chính sách giảm nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số

Diện mạo phum sóc ấp Tha La, xã Ngọc Biên (huyện Trà Cú – Trà Vinh) đang đổi thay, có sự đồng thuận của đồng bào Khmer đóng góp.

Cụ thể là giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết; phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị; đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và các đơn vị sự nghiệp công lập của lĩnh vực dân tộc; phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch; đầu tư phát triển nhóm dân tộc thiểu số rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn...” – ông Ninh nói.

Thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ

Hai năm qua dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến các mặt đời sống đồng bào dân tộc thiểu số. Bằng sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Trà Vinh; sự vào cuộc của các ngành đoàn thể trong triển khai các chính sách, nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng, những hộ nghèo, cận nghèo, người lao động… đã được tiếp cận một cách tốt nhất, nhanh nhất, đầy đủ hơn trong hỗ trợ các chính sách, dự án về phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập...

Trà Vinh thực hiện đồng bộ chính sách giảm nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số
Từ nguồn vốn chính sách hỗ trợ, nhiều mô hình chuyển đổi sản xuất nông nghiệp hiệu quả giúp đời sống đồng bào Khmer có thu nhập ổn định, đời sống được cải thiện rõ rệt.

Hòa Thượng Thạch Son - Chủ tịch Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước huyện Cầu Ngang (tỉnh Trà Vinh), Sư cả chùa Chêk ChRum (chùa Mới) xã Kim Hòa, cho biết: “Với nhiều chính sách ưu đãi đầu tư trong vùng đồng bào Khmer, các chính sách hỗ trợ đồng bào Khmer phát triển sản xuất, tạo việc làm, xuất khẩu lao động… đã góp phần giúp người dân thoát nghèo, đời sống vật chất, tinh thần ngày càng được nâng lên”.

Về xã nông thôn mới Hiếu Tử (huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh) trong những ngày này, không khí sản xuất của đồng bào dân tộc Khmer rất nhộn nhịp, người thì chăn nuôi, người trồng trọt, nuôi thủy sản… tạo nên một bức tranh của một vùng nông thôn mới.

Anh Thạch Dương ở ấp Chợ, xã Hiếu Tử cho biết: “Nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) thật sự là phao cứu sinh cho gia đình tôi. Trước đây gia đình tôi là hộ nghèo, thông qua tín chấp của Hội Nông dân xã, tôi được Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện cho vay 30 triệu đồng để thực hiện mô hình nuôi bò sinh sản. Số vốn đó cộng với nguồn vốn gia đình dành dụm, tôi đầu tư nuôi bò sinh sản, cải tạo đất để trồng cỏ nuôi bò, sản xuất lúa. Đến nay, đàn bò của gia đình có 9 con, trong đó có 4 con bò sinh sản, mỗi năm lợi nhuận trên 30 triệu đồng, gia đình tôi đã trả được nợ và thoát nghèo”.

Trà Vinh thực hiện đồng bộ chính sách giảm nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số

Anh Thạch Dương, ở ấp Chợ, xã Hiếu Tử (huyện Tiểu Cần – Trà Vinh) chăm sóc đàn bò sinh sản, giúp gia đình anh thoát nghèo bền vững.

Còn ông Danh Phi Nê người có uy tín cộng đồng ấp Tha La, xã Ngọc Biên (huyện Trà Cú – Trà Vinh) phấn khởi nói: “So với trước đây, hiện nay đời sống đồng bào Khmer đổi thay rất nhiều. Giao thông nông thôn được đầu tư xây dựng khang trang, đường làng ngõ xóm thông thoáng; điện, nước sinh hoạt về từng nhà; y tế, giáo dục phát triển vượt bậc; con em người dân tộc ngày nay là bác sĩ, kỹ sư… rất nhiều. Đặc biệt, những năm gần đây, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đời sống dân sinh được đầu tư nhiều hơn, diện mạo nông thôn khởi sắc, đời sống đồng bào Khmer được cải thiện rõ rệt”.

Với việc thực hiện có hiệu quả các chính sách dân tộc, tỉnh Trà Vinh đã làm thay đổi nhận thức, tạo việc làm, tăng thu nhập giúp đồng bào dân tộc thiểu số từng bước thoát nghèo, đời sống vật chất, tinh thần ngày càng được nâng cao, góp phần xây dựng quê hương ngày càng phát triển.