Tích lũy kiến thức và kinh nghiệm mưu sinh

Vận dụng kiến thức bản địa để giảm nghèo tại huyện biên giới Hà Giang
Khách tham quan tại gian hàng trưng bày sản phẩm của Hợp tác xã Lanh Trắng xã Sà Phìn. Ảnh: TL

Các dân tộc Đồng Văn trải qua quá trình sinh sống đã gắn bó lâu đời với núi đá, địa hình chia cắt mạnh, khi hậu khắc nghiệt; để sinh tồn và phát triển, buộc người dân nơi đây phải thích ứng với thời tiết khí hậu, diện tích đất canh tác ít (bình quân 0,4ha/hộ), đá nhiều (chiếm trên 70% tổng diện tích tự nhiên), thiếu nước sản xuất và sinh hoạt; thông qua những hoạt động sản xuất người dân bản địa đã tích lũy được các kiến thức và kinh nghiệm mưu sinh rất phong phú, đa dạng và quý giá.

Hệ thống kiến thức bản địa của các dân tộc ở Đồng Văn liên quan đến sản xuất như: Cách nhận biết về thời tiết thông qua những đặc điểm của tự nhiên; kinh nghiệm canh tác, chăn nuôi, kinh nghiệm chữa bệnh cho gia súc, gia cầm, kinh nghiệm lựa chọn những giống cây trồng để phù hợp với thổ nhưỡng, thời tiết khí hậu, kinh nghiệm làm các nghề thủ công truyền thống như dệt thổ cẩm, đan lát, thêu thùa, làm hương, nghề làm khèn Mông, đúc bạc… kinh nghiệm làm nhà trình tường đất, làm hàng rào đá.

Trong đời sống sinh hoạt, người dân bản địa đã tích lũy được những kiến thức phong phú, những kiến thức đó được tổ hợp từ những kinh nghiệm được hình thành trong lao động sản xuất; mỗi dân tộc khác nhau cũng có những kiến thức khác nhau về ngôn ngữ, trang phục, kiến trúc nhà ở, tập quán canh tác, phong tục văn hóa, tín ngưỡng dân gian và lễ hội…

Kiến thức trong sản xuất đặc trưng rõ nét nhất đó là người dân bản địa với phương thức sản xuất trên những hốc đá tai mèo “Thổ canh trên hốc đá”, năm 2014 đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định công nhận “Tri thức canh tác trên hốc đá” của cư dân cao nguyên đá là Danh mục di sản văn hóa phi vật thể.

Trong cây trồng thì có cây tam giác mạch, lũy kế, từ năm 2010 đến nay trồng được trên 2.900ha; sản lượng 1.199,2 tấn, góp phần thực hiện thành công 6 mùa lễ hội hoa tam giác mạch của tỉnh. Cây lanh cũng vậy là loại cây dễ sống, là nguyên liệu tạo ra sản phẩm thổ cẩm, thêu dệt chất liệu bền và đẹp, khách du lịch rất ưa dùng; trong khi đó đất canh tác sản xuất nông nghiệp của Đồng Văn chỉ được một vụ, còn lại là để không vì vậy tận dụng trồng cây lanh sau khi thu hoạch đây cũng là một trong những sản phẩm đem lợi nhuận kinh tế cho người dân.

Trong tương lai không xa Đồng Văn sẽ sớm đạt mục tiêu đến năm 2025 từng bước thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn, đến năm 2030 thoát khỏi huyện nghèo theo mục tiêu Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra.

Hiện nay Đồng Văn đã có Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp nông lâm nghiệp thôn Sà Phìn A, xã Sà Phìn chuyên sản xuất các sản phẩm thêu, dệt, nhuộm vải lanh truyền thống, hình thành chuỗi khép kín, tự cung cấp nguyên vật liệu, sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, được nhiều công ty, nhà may thời trang trong nước, nước ngoài như Hà Lan, Đức, Mỹ, Nhật Bản... đều ưa chuộng, thông qua đó đã giúp cho hàng chục hộ thoát nghèo. Hoặc kiến thức về chăn nuôi: Người dân bản địa đã có truyền thống chăn nuôi bò, lợn, gia cầm, nuôi ong... nhưng tiêu biểu nhất là bò vàng vùng cao nguyên đá Đồng Văn, hiện nay huyện cũng xây dựng được “Chỉ dẫn địa lý sản phẩm thịt bò vàng Hà Giang”.

Phát huy kiến thức văn hóa bản địa để giảm nghèo bền vững

Vận dụng kiến thức bản địa để giảm nghèo tại huyện biên giới Hà Giang
Người dân bản địa đã có truyền thống chăn nuôi. Ảnh: TL

Trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp huyện Đồng Văn đã vận dụng các cơ chế chính sách của Đảng và Nhà nước cùng với những chủ trương của tỉnh, Đồng Văn đã phát huy hiệu quả kiến thức bản địa vào trong sản xuất và đời sống từ đó từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân địa phương.

Cụ thể, trong sản xuất nông nghiệp gắn kết giữa kiến thức bản địa với áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, hàng năm Đồng Văn đã duy trì đảm bảo an ninh lương thực đạt trên 2,8 vạn tấn, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi nhiều giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng được đưa vào sản xuất: Các cây, con có lợi thế (dược liệu, tam giác mạch, lê; bò, lợn, dê,…) đã được đầu tư phát triển mở rộng về quy mô, hình thành vùng sản xuất hàng hóa như: Vùng rau chuyên canh, vùng lê hàng hóa, gia trại chăn nuôi…

Đến nay, giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản đạt gần 700 tỷ đồng. Giá trị sản xuất trên 1ha đất canh tác đạt gần 39 triệu đồng/năm; tỷ trọng chăn nuôi/giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 40%; tỷ lệ hộ nghèo bình quân hàng năm giảm 6%/năm. Tổng lượng khách đến tham quan trên địa bàn chỉ tính riêng trong 6 tháng là 25.463 đoàn với 211.690 lượt khách, vượt 549,69% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 33,08% kế hoạch giao. Doanh thu từ du lịch dịch vụ đạt 234,7 tỷ đồng…

Để làm được điều đó, đồng bào các dân tộc ở Đồng Văn rất cần sự quan tâm của các cấp chính quyền, sự vào cuộc quyết liệt của Đảng bộ tỉnh Hà Giang, sự quan tâm, giúp đỡ, phối hợp của các sở ngành và các cơ chế, chính sách của Đảng và Nhà nước cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Đồng Văn hiện nay vẫn là 1/63 huyện nghèo nhất của cả nước, tỷ lệ hộ nghèo còn chiếm 67,96%; hộ cận nghèo chiếm 12,38 (theo chuẩn nghèo mới áp dụng giai đoạn 2022-2025). Có thể khẳng định, nếu Đồng Văn phát huy được những tiềm năng, lợi thế của địa phương, nhất là trong việc vận dụng kiến thức bản địa trong sản xuất và đời sống cùng với việc áp dụng tiến bộ của khoa học vào sản xuất và đời sống chắc chắn công cuộc xóa nghèo ở đây sẽ có những bước tiến vượt bậc.