'Vui Tết Độc lập' tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Nghệ thuật Múa khèn của người Mông thể hiện tính gắn kết cộng đồng, tinh thần đoàn kết trong đời sống của đồng bào dân tộc Mông

Chuỗi sự kiện nhằm giới thiệu những nét văn hóa, phong tục tập quán của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam tại "ngôi nhà chung," góp phần quảng bá, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa đặc sắc và tăng cường giao lưu giữa các dân tộc, góp phần thu hút khách du lịch, hình thành điểm đến tại Làng.

Tham gia các hoạt động có hơn 200 người là đồng bào của 17 dân tộc và nghệ sĩ của Liên đoàn Xiếc Việt Nam và một số nghệ nhân làng nghề cho chương trình "Trung thu cho em". 45 nghệ nhân dân tộc Dao, Pà Thẻn, Mông tỉnh Tuyên Quang và 20 - 25 người dân tộc Cor tỉnh Quảng Ngãi sẽ về Làng, trực tiếp giao lưu và giới thiệu văn hóa truyền thống của dân tộc mình đến công chúng.

Từ ngày 1 đến 4/9, tại Làng có chương trình giới thiệu nghệ thuật múa Khèn của đồng bào Mông, tái hiện lễ cưới truyền thống của đồng bào Dao đỏ, lễ Cấp sắc của dân tộc Pà Thẻn đến từ tỉnh Tuyên Quang; tái hiện lễ Ăn trâu và nghệ thuật đấu Chiêng của đồng bào dân tộc Cor, tỉnh Quảng Ngãi; “Chợ phiên vùng cao – Sắc màu xứ Tuyên”. Cùng với các hoạt động xuống chợ, tại đây có nhiều hoạt động vui chơi giải trí gắn với dân ca, dân vũ, trò chơi dân gian, thưởng thức ẩm thực, giới thiệu mua bán sản vật với sắc màu của các dân tộc Mông, Dao, Tày, Thái...

“Vui Tết Độc lập” là chuỗi sự kiện nhằm giới thiệu những nét văn hóa, phong tục tập quán của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam tại "ngôi nhà chung," góp phần quảng bá, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa đặc sắc và tăng cường giao lưu giữa các dân tộc, góp phần thu hút khách du lịch, hình thành điểm đến tại Làng.

Chương trình "Sắc màu chợ phiên" của cộng đồng các dân tộc tại chợ vùng cao phía Bắc với các hoạt động biểu diễn dân ca dân vũ, giao lưu văn hóa giữa các cộng đồng dân tộc tham gia tại chợ vùng cao; giới thiệu nét đặc sắc nghệ thuật múa khèn của dân tộc Mông tỉnh Tuyên Quang; tái hiện "Lễ cưới" của đồng bào dân tộc Dao đỏ; lễ cấp sắc của dân tộc Pà Thẻn. Cùng với đó là không gian trò chơi dân gian của các dân tộc như đánh quay (tu lu), leo cột, đánh yến, đu dây, ném còn...

Chủ đề "Sắc màu Tây Nguyên" sẽ tái hiện Lễ ăn trâu (còn gọi là xa ố kpiêu) của dân tộc Cor, tỉnh Quảng Ngãi - một lễ hội lớn mang đậm bản sắc văn hoá Cor được tổ chức để củng cố mối quan hệ cộng đồng. Cùng với đó là trình diễn nghệ thuật đấu chiêng - một trong những sinh hoạt độc đáo của dân tộc Cỏ; biểu diễn dân ca dân vũ mừng Tết Độc lập của đoàn nghệ nhân dân tộc Cor tỉnh Quảng Ngãi...

Bên cạnh đó, tại Làng diễn ra nhiều hoạt cuối tuần hấp dẫn để thu hút du khách. Trong đó, Liên đoàn Xiếc Việt Nam mang đến các tiết mục xiếc đặc sắc như xiếc thú, ảo thuật, hề xiếc, tung hứng, lắc vòng, uốn dẻo… nhằm tạo ra những phút giây thoải mái cho du khách, đặc biệt là các em thiếu niên nhi đồng tới tham quan tại "Ngôi nhà chung" nhân dịp Quốc khánh.

Chương trình "Trung Thu cho em" giới thiệu, trình diễn và tương tác nghề thủ công truyền thống "Em tập làm nghệ nhân" như làm đèn ông sao, làm trống, làm mặt nạ, nặn tò he...; hoạt động "Trung Thu cho em" qua các trò chơi truyền thống ô ăn quan, đánh chắt chơi chuyền, nhảy bao bố, bịt mắt đánh trống…; tái hiện Lễ Sen Dolta - Lễ cúng ông bà tổ tiên của đồng bào Khmer tỉnh Sóc Trăng theo truyền thống.

Nhóm nghệ nhân đang hoạt động hàng ngày tại Làng sẽ giao lưu văn nghệ và các loại hình nghệ thuật dân gian, tổ chức trò chơi, tìm hiểu văn hóa ẩm thực và thưởng thức nhiều món ăn đặc sắc của đồng bào các dân tộc từ nhiều vùng miền trên cả nước.../.