Chính sách liên quan đến công tác dân tộc ban hành nhiều, nhưng kết quả thực hiện còn hạn chế
Toàn cảnh cuộc làm việc.

Tham dự có: Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh; đại diện Văn phòng Chính phủ.

Phát biểu tại cuộc làm việc, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm nêu rõ, giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến công tác dân tộc giai đoạn 2016 - 2021 nhằm rà soát, đánh giá tính kịp thời, đầy đủ của việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật; việc tuân thủ các quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục ban hành, hình thức văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực dân tộc của Chính phủ, bộ ngành liên quan từ năm 2016 - 2021. Từ đó, đánh giá những kết quả đã đạt được, những tồn tại, khó khăn, vướng mắc; xác định nguyên nhân, trách nhiệm của các cơ quan tổ chức, cá nhân trong việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực dân tộc và có đề xuất, kiến nghị giải pháp nhằm tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng các văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực dân tộc.

Tại phiên họp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy Ban Dân tộc Hầu A Lềnh đã trình bày báo cáo việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến công tác dân tộc giai đoạn 2016 - 2021.

Theo báo cáo, về tổng thể, hệ thống chính sách, pháp luật liên quan đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi hiện nay đã tương đối đầy đủ, điều chỉnh hầu hết các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh đảm bảo khung pháp lý tạo điều kiện để tổ chức thực hiện các chính sách dân tộc thống nhất, đồng bộ, toàn diện, tính khả thi, ổn định, bền vững.

Tuy nhiên, ông Hầu A Lềnh cũng chỉ ra, dù hệ thống chính sách, pháp luật liên quan đến công tác dân tộc được ban hành nhiều, phủ kín các lĩnh vực, nhưng kết quả thực hiện còn hạn chế, do nhiều chủ thể ban hành, chủ yếu là văn bản dưới luật, hiệu lực pháp lý thấp… dẫn đến hệ thống chính sách dân tộc nằm rải rác ở nhiều văn bản, chưa thể hiện rõ tính chiến lược, tầm nhìn dài hạn; tính ổn định, tính dự báo và tính khả thi của một số chính sách dân tộc chưa cao.

Việc bố trí kinh phí, nguồn lực thực hiện nhiều chính sách chưa đạt được mục tiêu đề ra. Chất lượng thực hiện các chính sách dân tộc còn chưa đồng đều, có nơi chưa hiệu quả. Ví dụ, chất lượng giáo dục, y tế, văn hóa ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi còn thấp...

Cơ bản nhất trí với Báo cáo của Ủy ban Dân tộc, đoàn giám sát lưu ý thêm, vẫn còn tình trạng chậm ban hành các văn bản quy định chi tiết theo thẩm quyền, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác tổ chức triển khai thực hiện chính sách dân tộc và ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống đồng bào dân tộc thiểu số cũng như tình hình kinh tế - xã hội vùng dân tộc và miền núi.

Đáng lưu ý, Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14-1-2011 của Chính phủ về công tác dân tộc là văn bản có giá trị pháp lý pháp lý cao nhất về lĩnh vực này, nhưng nghị định này đã được ban hành quá lâu (trước cả Hiến pháp năm 2013) và đến nay vẫn chưa được sửa đổi, bổ sung, chưa cụ thể hóa các chính sách mới trong Hiến pháp năm 2013 và các luật, quy định mới có liên quan đến công tác dân tộc trong giai đoạn 2016 - 2021.