Tín dụng an sinh xã hội vẫn tuôn chảy

Tốc độ tăng trưởng tín dụng chính sách trong 9 tháng đầu năm 2023 đạt 8,19% và tổng dư nợ là 316 nghìn tỷ đồng với 16,7 triệu khách hàng. Tốc độ tăng trưởng này cao hơn khá nhiều so với tốc độ tăng trưởng chỉ hơn 6% của tín dụng chung toàn ngành kinh tế.

An sinh xã hội là một trong những nội dung được đề cập toàn diện, xuyên suốt trong hệ thống quan điểm, chính sách của Đảng ta nhằm thực hiện chủ trương, chính sách kết hợp hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và thực hiện công bằng xã hội, coi đây vừa là mục tiêu vừa là động lực phát triển bền vững đất nước.

Điểm sáng tín dụng chính sách người nghèo, vùng dân tộc

Các chính sách tín dụng ưu đãi đã hỗ trợ hiệu quả cho đồng bào các dân tộc. Ảnh: T.L

Nhiều hỗ trợ từ ngân sách để thúc đẩy phát triển vùng đồng bào dân tộc Tạo dựng thương hiệu sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi

Đảng, Nhà nước ta đã ban hành đồng bộ nhiều chính sách và giải pháp nhằm bảo đảm an sinh xã hội, trong đó tín dụng chính sách xã hội do Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) thực hiện được coi là “điểm sáng” và là một trong những “trụ cột” trong hệ thống các chính sách giảm nghèo ở Việt Nam.

Không để ai bị bỏ lại phía sau

Những năm qua, phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” và “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” đã trở thành nhiệm vụ chính trị quan trọng trọng mục tiêu của các chương trình tín dụng chính sách. Hai phong trào thi đua được phát động sâu rộng, qua đó được hiện hóa thông qua các giải pháp đa dạng, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo tại địa phương.

Ngày 22/11/2014, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội và Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư. Ngày 10/6/2021, Ban Bí thư ban hành Kết luận số 06-KL/TW về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW.

Trải qua hơn 20 năm xây dựng và phát triển, đồng hành cùng người nghèo và các đối tượng chính sách khác, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ban, ngành trung ương, sự phối hợp chặt chẽ của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội và sự ủng hộ nhiệt tình của nhân dân.

Giai đoạn 2021 đến tháng 9/2023, nguồn vốn chính sách đã hỗ trợ, tạo việc làm cho gần 1.947 nghìn lao động, trong đó trên 16 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; giúp gần 147 nghìn học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập. Nguồn vốn này cũng đã giải ngân cho gần 90 nghìn học sinh sinh viên mua máy vi tính, thiết bị học tập; giúp gần 2 nghìn doanh nghiệp vay vốn để phục hồi sản xuất kinh doanh, trả lương cho gần 546 nghìn người lao động bị ảnh hưởng dịch Covid-19…

Đặc biệt quan tâm miền núi và vùng dân tộc

Một phần quan trọng trong việc thực hiện tính dụng chính sách là phần tín dụng dành cho đồng bào dân tộc, miền núi.

Nước ta có 53 dân tộc thiểu số với 14,119 triệu người, chiếm khoảng 14,7% dân số cả nước. Do điều kiện địa lý, môi trường sinh sống và yếu tố lịch sử, đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số nói chung, một bộ phận hộ gia đình, người dân tộc thiểu số nói riêng đến nay vẫn còn rất nhiều khó khăn, đòi hỏi phải có sự tiếp tục quan tâm, chăm lo, đầu tư, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội.

Cùng với các chủ trương, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, việc thực hiện chính sách tín dụng cho đồng bào dân tộc thiểu số có ý nghĩa rất quan trọng đối với công tác an sinh xã hội, xoá đói, giảm nghèo và phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Điểm sáng tín dụng chính sách người nghèo, vùng dân tộc

Đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc thiểu số đang ngày càng được cải thiện. Ảnh: T.L

Theo NHCSXH, với việc triển khai đến 100% thôn, xóm, bản, làng, tổ dân phố trên toàn quốc, nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần không nhỏ trong ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, nhất là tại các vùng nông thôn. Hoạt động này đã đẩy lùi nạn tín dụng đen thông qua việc thực hiện các chương trình tín dụng chính sách ưu đãi tạo được lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước; không bị các thế lực thù địch lôi kéo, lợi dụng. Mô hình tổ chức, phương thức quản lý tín dụng của NHCSXH là phù hợp với cấu trúc hệ thống chính trị và thực tiễn Việt Nam.

Các chương trình tín dụng chính sách được triển khai có hiệu quả ở các vùng trong cả nước, đặc biệt ưu tiên tập trung cho các vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, vùng biên giới, hải đảo… đã góp phần thúc đầy nền kinh tế nhiều thành phần từng bước phát triển. Trong tổng dư nợ tín dụng chính sách xã hội, dư nợ cho vay các xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi chiếm 35,7%, dư nợ cho vay tại huyện nghèo chiếm 9,8%/tổng dư nợ, dư nợ đối với khách hàng là đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 24,7%.

Theo đánh giá của ông Hầu A Lềnh, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc của Quốc hội, thời gian qua, người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã và đang được tiếp cận hầu hết các chương trình tín dụng chính sách. Đó là các chương trình tín dụng cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở...

Ngoài ra, đồng bào dân tộc thiểu số còn được thụ hưởng các chương trình tín dụng chính sách xã hội dành riêng cho đồng bào dân tộc thiểu số và theo từng vùng miền.

Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ vùng đồng bào dân tộc và miền núi

Tín dụng chính sách xã hội đã góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng của Đảng và Nhà nước; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ tại vùng nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; góp phần thu hẹp khoảng cách giữa các vùng trong cả nước và thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2016 - 2021 giảm từ 9,88% xuống 2,23%, giai đoạn 2022 - 2025 từ mức 5,2% năm 2022 dự kiến giảm xuống 4,03% năm 2023...