Xã Nậm Hàng có 8 bản, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông, Thái sinh sống. Nơi đây, điều kiện địa hình phức tạp, trình độ dân trí không đồng đều, một bộ phận người dân còn trông chờ, ỷ lại vào các nguồn hỗ trợ, gây cản trở cho sự phát triển.

Đồng bào dân tộc xã Nậm Hàng thoát nghèo từ phát triển nông nghiệp
Xã phát huy hiệu quả các chương trình để hỗ trợ các hộ khó khăn về giống, công cụ, từng bước cải thiện chất lượng cuộc sống.

Để phát triển kinh tế, xã hội, cấp uỷ, chính quyền xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao ý chí tự lực, tự cường của người dân, khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương để xây dựng mô hình kinh tế phù hợp.

Anh Mùa A Cờ - Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Hàng, cho biết giảm nghèo là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Hàng năm, xã thường xuyên cử cán bộ xuống tuyên truyền, giúp bà con nhìn thấy lợi ích kinh tế từ phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại; khai hoang, mở rộng diện tích, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; đưa máy móc hiện đại vào sản xuất thay thế sức người. Ngoài ra, xã phát huy hiệu quả các chương trình, dự án để hỗ trợ trực tiếp các hộ khó khăn về giống, công cụ, từng bước cải thiện chất lượng cuộc sống.

Lấy nông nghiệp là nguồn lực để phát triển kinh tế, người dân đưa giống mới thay thế giống cũ, áp dụng khoa học kỹ thuật. Đến nay, toàn xã có 450 ha lúa, 280,3 ha ngô, năng suất ngô, thóc đạt từ 34 - 55 tạ/ha.

Tận dụng diện tích sau mùa vụ, người dân các bản trồng rau màu, cây ăn quả như: xoài, dứa, thanh long. Nhận thấy cây sắn được nhiều doanh nghiệp thu mua, người dân cải tạo đất trồng 175ha, khi thu hoạch bán với giá từ 10.000 đến 12.000 đồng/cân.

Bà con nơi đây đã chủ động cải tạo bãi chăn thả, xây dựng chuồng trại, hình thành các mô hình chăn nuôi đại gia súc. Nguồn thức ăn kết hợp giữa tự nhiên và ngoài thị trường, chú trọng công tác phòng, chống dịch bệnh nên vật nuôi khỏe mạnh và phát triển tốt. Người dân còn nuôi 195 thùng ong lấy mật. Hiện, toàn xã có 5.490 con gia súc, hơn 48.000 con gia cầm.

Gia đình chị Lù Thị Thuyết (bản Nậm Dòn) - một trong những hộ gia đình tiêu biểu trong chăn nuôi của bản. Trước kia do kinh tế khó khăn, chủ yếu chăn nuôi nhỏ lẻ, bán được con nào hay con đấy.

Từ khi được cán bộ xã tuyên truyền, vận động làm kinh tế, hướng dẫn kỹ thuật, năm 2013, chị vay 100 triệu đồng thông qua Hội Phụ nữ xã để mở rộng chăn nuôi. Tham gia các lớp dạy nghề, tập huấn đã giúp chị có kiến thức chăn nuôi, từ đó áp dụng vào thực tiễn, xây chuồng trại, mua 3 con trâu giống về nuôi, đến nay đàn trâu đã phát triển thành 16 con. Không dừng lại, chị tiếp tục đầu tư nuôi 100 con gà và 21 con lợn về nuôi.

Chị Lù Thị Thuyết cho biết, từ chăn nuôi, đến nay, gia đình tôi đã trả hết nợ và thu nhập bình quân gần 200 triệu đồng/năm. Nhà cửa được sửa lại khang trang, cuộc sống từ đó khá giả hơn. Tôi còn giúp đỡ bà con trong bản, truyền đạt lại kiến thức, kinh nghiệm chăn nuôi, hỗ trợ giống lợn, gà cho hộ nghèo để mong sao người dân nơi đây sớm thoát khỏi cảnh nghèo khó./.

Việc triển khai, thực hiện các định hướng phát triển kinh tế của xã đã tạo chuyển biến tích cực, giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã xuống còn 28,96% (năm 2023), thu nhập bình quân đạt 34 triệu đồng/người/năm, góp phần cải thiện bộ mặt nông thôn, đưa xã Nậm Hàng trở thành một trong những xã đầu tàu về kinh tế của huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu.