Những bước tiến vững chắc tại huyện vùng cao Tu Mơ Rông
Đời sống người Xê Đăng đổi thay nhờ liên kết trồng sâm Ngọc Linh.
Nỗ lực vượt khó

Khi mới thành lập, Tu Mơ Rông là huyện miền núi đặc biệt khó khăn; dân số trên 27.000 người, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm trên 95%, chủ yếu là dân tộc Xơ Đăng. Đây là vùng núi cao có địa hình phức tạp, thường bị chia cắt về mùa mưa, khí hậu khắc nghiệt, luôn phải đối mặt với thiên tai. Cơ sở hạ tầng về kinh tế - xã hội, nhất là giao thông nông thôn vô cùng cách trở. Xuất phát điểm của nền kinh tế thấp, điều kiện kinh tế - xã hội gặp rất nhiều khó khăn. Thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 1,636 triệu đồng/năm; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 135 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo trong toàn huyện chiếm tới 76%...

Đặc biệt, đội ngũ cán bộ của huyện vừa thiếu lại vừa yếu. Phần lớn cán bộ, công chức, viên chức công tác ở huyện Tu Mơ Rông khi ấy được điều chuyển từ huyện Đắk Tô về, cơ sở vật chất, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn. Nhiều cán bộ trẻ còn thiếu kinh nghiệm, nhất là kinh nghiệm thực tế cơ sở.

Trước tình hình đó, với sự quan tâm của lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các ban, ngành của tỉnh, phát huy truyền thống đoàn kết, cần cù, sáng tạo trong lao động, Đảng bộ và cả hệ thống chính trị của huyện đã tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chương trình, dự án quan trọng, tập trung khai thác tốt các tiềm năng, thế mạnh của huyện, nhất là thế mạnh về phát triển các loại dược liệu quý gắn với các loại hình du lịch… Nhờ đó, tình hình kinh tế - xã hội của huyện từng bước chuyển biến tích cực; đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được giữ vững. Cả huyện bước vào công cuộc dựng xây, kiến thiết…

Bước đi vững chắc

Thành tựu nổi bật trong thời gian qua là khơi thông, từng bước tháo gỡ các điểm nghẽn, huy động được các nguồn lực cho đầu tư phát triển; hệ thống kết cấu hạ tầng từng bước được đầu tư đồng bộ; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, bước đi vững chắc. Các ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm chủ lực được tập trung phát triển, đặc biệt là sản phẩm Sâm Ngọc Linh và các sản phẩm dược liệu đặc hữu. Cùng với việc hình thành vùng trồng sâm, huyện Tu Mơ Rông đã hình thành đề án xây dựng làng thanh niên lập nghiệp gắn với du lịch trải nghiệm về rừng, dược liệu theo hướng xây dựng mô hình làng du lịch homestay và famstay. Theo đó, trong thời gian tới đây, thông qua con đường du lịch để đưa sâm Ngọc Linh và các sản phẩm đặc hữu cung cấp đến người tiêu dùng, đồng thời phát huy được chuỗi kinh tế xanh nhằm đưa người dân Xơ Đăng thoát nghèo hướng tới làm giàu.

Số lượng các nhà đầu tư, các doanh nghiệp quan tâm tìm hiểu cơ hội đầu tư và thực hiện đầu tư trên địa bàn ngày càng tăng. Chỉ trong vòng 2 năm trở lại đây, đã có 16 công ty khảo sát tìm hiểu cơ hội đầu tư và nhiều nhà đầu tư khác đang tìm hiểu cơ hội đầu tư tại huyện; đã có 5 doanh nghiệp lập dự án trình cấp có thẩm quyền thẩm định trình UBND tỉnh phê duyệt với tổng số vốn đầu tư 1.487.649 triệu đồng.

Đặc biệt, nhiệm vụ chăm lo, ổn định cuộc sống đồng bào DTTS là thành tích lớn của địa phương. Đến nay, đường giao thông đi các tới các thôn, làng vùng sâu, vùng xa đã bảo đảm được 2 mùa, nhiều khu sản xuất tập trung được đầu tư xây dựng, đường giao thông thuận tiện; nhiều mô hình, tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất về dược liệu được hình thành; hạ tầng lưới điện, thông tin, truyền thông, giáo dục, y tế, khoa học, công nghệ, văn hóa, thể thao, du lịch được đầu tư hoàn thiện. Đến nay, có 99,3% hộ gia đình được sử dụng điện; 100% thôn có điện; trên 80% hộ được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.

Có thể khẳng định, năm 2021, mặc dù phải đối mặt với đại dịch COVID-19, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 60,270 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt 29 triệu đồng/năm. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được triển khai quyết liệt và đạt được kết quả tích cực.

Văn hóa - xã hội, giáo dục, y tế tiếp tục có bước phát triển vượt bậc. Đến nay, toàn huyện có 10/26 trường đạt chuẩn quốc gia; 11/11 trạm y tế có bác sĩ; 100% số xã đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế; 85/86 thôn, làng có nhà rông. Công tác giảm nghèo đã huy động được nhiều nguồn lực để triển khai, bình quân mỗi năm giảm 8% tỷ lệ hộ nghèo.

Trong thời gian tới, Tu Mơ Rông tiếp tục khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực và tiềm năng, lợi thế của huyện với trục xoay là: rừng, Sâm Ngọc Linh, dược liệu gắn với du lịch; phấn đấu đến năm 2025, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 40 triệu đồng/năm; sản lượng cà phê đạt trên 2.470 tấn, mì đạt trên 28.220 tấn, sâm Ngọc Linh trồng đạt 1.210 ha và các dược liệu khác trên 860 ha; tỷ lệ độ che phủ của rừng đạt trên 67%…