Tại tọa đàm Khai thác giá trị văn hoá, phát triển sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tổ chức ngày 29/9, bà Bế Hồng Vân - Phó Vụ trưởng, Vụ Chính sách dân tộc, Ủy ban Dân tộc cho biết, Chính phủ khuyến khích hỗ trợ phát triển sản phẩm của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên cơ sở lồng ghép trong các chương trình, chính sách phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
![]() |
Người dân Bắc Giang livestream quảng bá, tiêu thụ sản phẩm đặc sản vải. Ảnh: Nguyễn Vân |
Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 - 2030 đã đưa ra mục tiêu là hỗ trợ các dự án phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị phù hợp với từng vùng, miền và sẽ khai thác tiềm năng, lợi thế theo hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có hiệu quả, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho hộ gia đình và giảm nghèo bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Kết quả, đến nay, cả nước đã tổ chức được 445 mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị và 402 mô hình phát triển sản xuất cộng đồng; tạo được 249 mô hình khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và tổ chức được 52 sự kiện kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm cũng như các sự kiện lễ hội gắn thương mại với du lịch; sự kiện quảng bá tiêu thụ sản phẩm của đồng bào…
Tuy nhiên, tại tọa đàm, TS. Chu Xuân Giao - Viện Nghiên cứu Văn hoá, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho rằng, để đạt được mục tiêu của Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 - 2030 đề ra còn nhiền thách thức mà tự thân đồng bào dân tộc thiểu số khó đạt được nếu không có sự trợ giúp mạnh mẽ hơn của Chính phủ và chính quyền địa phương.
Đồng thuận quan điểm nêu trên, bà Bế Hồng Vân cho rằng, thời gian tới, cần tạo một môi trường kết nối các đối tác tham gia vào liên kết chuỗi giá trị gồm cơ quan chính quyền, đó là đại diện cho cơ chế, chính sách. Bên cạnh đó, cần phát huy vai trò của các doanh nghiệp trên địa bàn đã triển khai thành công vai trò hỗ trợ kỹ thuật và tạo động lực cho việc khai thác các giá trị văn hóa trong sản xuất và phát triển sản phẩm vùng dân tộc.
Để khai thác giá trị văn hoá trong phát triển sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, các chuyên gia kinh tế cho rằng, các dự án hỗ trợ của nhà nước phải đưa những yếu tố tri thức, những giá trị văn hóa truyền thống cũng như cố kết cộng đồng vào trong tiêu chí để lựa chọn những dự án hỗ trợ phát triển chuỗi giá trị. Đặc biệt, chính sách phải lưu ý đến đội ngũ nghệ nhân tại địa phương vì đây là những nhân chứng sống truyền thụ và lưu giữ văn hóa địa phương đến muôn đời. |