Nét độc đáo của 2 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Theo giới nghiên cứu văn hóa, lịch Đoi có thể đã xuất hiện từ thời kỳ Đông Sơn (khoảng 800 năm trước Công nguyên), còn có tên gọi là lịch Tre, lịch Mường, là một công cụ tính lịch độc đáo mà ngày nay không nhiều người còn biết đến.

Có tên gọi là lịch Đoi bởi lịch này phân chia ngày tháng trong năm theo sự vận hành của sao đoi, hay sao tua rua. Khi sao đoi vượt qua mặt trăng, người xưa gọi đó là ngày đoi vào hay ngày ngậm đoi. Căn cứ vào các ngày đoi vào và sự chuyển dịch sao đoi mà người ta phân biệt ngày, tháng, trong một năm.

Về cấu tạo, bộ lịch có 12 thanh tre, mỗi thanh dài khoảng 20cm, tượng trưng cho mỗi tháng. Mỗi tháng có 30 ngày, được chia thành 3 khoảng gọi là tuần, gồm có thượng tuần, trung tuần và hạ tuần. Mỗi tuần có 10 vạch tượng trưng cho các ngày.

Lễ hội Khai hạ và lịch Đoi của người Mường trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Lịch Đoi của người Mường Hòa Bình. Ảnh minh họa

Lịch Đoi được xem như lịch vạn sự của người Mường với những chỉ dẫn chọn ngày lành tháng tốt cho các công việc quan trọng trong đời sống. Theo đó, thượng tuần gọi là “ngày kâl”, thường được chọn để tổ chức cưới xin, khánh thành, xây nhà mới. Hạ tuần là những ngày hết trăng, được gọi là “ngày cối”…

Lịch đoi chậm hơn lịch âm khoảng 15 ngày, vì vậy mà người Mường ăn tết hai lần, một lần Tết Nguyên đán theo lịch âm, và một lần ăn tết theo lịch đoi, gọi là ăn tết lại, tết đoi.

Lịch Đoi được xem như lịch vạn sự của người Mường với những chỉ dẫn chọn ngày lành tháng tốt cho các công việc quan trọng trong đời sống. Theo đó, thượng tuần gọi là “ngày kâl”, thường được chọn để tổ chức cưới xin, khánh thành, xây nhà mới. Hạ tuần là những ngày hết trăng, được gọi là “ngày cối”…

Lịch đoi được gìn giữ bằng cách cha truyền con nối. Bộ lịch là sự đúc kết tri thức qua nhiều thế hệ, là biểu hiện rực rỡ về nhận thức của người Việt - Mường xưa về thế giới. Cho đến đầu thế kỷ 20, lịch Đoi vẫn được sử dụng ở khắp các xứ Mường. Tuy nhiên, hiện nay bộ lịch độc đáo này đang dần bị thất truyền. Hiện toàn tỉnh Hòa Bình chỉ còn 5 bộ lịch Đoi cổ có tuổi đời hàng trăm năm và khoảng trên 100 bộ lịch Đoi được làm mới, đang được lưu giữ, sử dụng trong nhân dân. Số người còn xem được lịch Đoi, am hiểu, giải mã được toàn bộ các thông tin trong bộ Đoi của người Mường còn rất ít, chỉ khoảng trên 10 người, tập trung vào các thầy mo, thầy mỡi của dân tộc Mường.

Lễ hội Khai hạ là lễ hội dân gian truyền thống lớn nhất của người Mường ở Hòa Bình, gắn với nền sản xuất nông nghiệp lúa nước, mang nhiều dấu ấn của nền văn minh Việt cổ. Khai hạ cũng là hoạt động văn hóa - tín ngưỡng không thể thiếu của đồng bào Mường ở Hòa Bình, mang ý nghĩa tôn kính các vị thần linh, tưởng nhớ những người đã có công lập đất, lập Mường và cầu mong vạn vật phát triển thuận lợi, mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no, hạnh phúc, những điều tốt đẹp đến với người dân, xóm, bản.

Gìn giữ và phát huy giá trị di sản

Được xem là văn hoá tiêu biểu nhất, người Mường cùng với các dân tộc anh em khác đã làm nên nền văn hoá Hoà Bình tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Hiện nay, văn hoá truyền thống dân tộc Mường đã và đang trở thành tài nguyên quý giá được khơi dậy, phát huy mạnh mẽ, tạo động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, mang đến những đổi thay toàn diện trên quê hương Hoà Bình.

Lễ hội Khai hạ và lịch Đoi của người Mường trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Lễ hội Khai hạ của người Mường trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ảnh minh họa

Với 2 di sản là lễ hội Khai hạ và lịch Đoi vừa được công nhận, tỉnh Hòa Bình hiện có 788 loại hình di sản văn hoá phi vật thể. Bao gồm các loại hình tiếng nói, chữ viết, ngữ văn dân gian, nghệ thuật trình diễn dân gian, tập quán xã hội, nghề thủ công truyền thống, tri thức dân gian. Trong đó, 4 di sản văn hoá phi vật thể là mo Mường, nghệ thuật chiêng Mường, Lễ hội Khai hạ và lịch Đoi đã được ghi danh vào danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia. 101 di tích được xếp hạng cấp quốc gia và cấp tỉnh. Nhiều giá trị văn hoá đặc sắc được quan tâm khôi phục, phát triển, nhiều lễ hội có ý nghĩa, tiềm năng lớn để khai thác, phát huy phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong lĩnh vực du lịch với loại hình du lịch di sản, góp phần thu hút du khách, nâng cao thu nhập, giảm nghèo.

Lễ hội Khai hạ là lễ hội dân gian truyền thống lớn nhất của người Mường Hòa Bình, gắn với nền sản xuất nông nghiệp lúa nước, mang nhiều dấu ấn của nền văn minh Việt cổ. Khai hạ cũng là hoạt động văn hóa - tín ngưỡng không thể thiếu của đồng bào Mường ở Hòa Bình, mang ý nghĩa tôn kính các vị thần linh, tưởng nhớ những người đã có công lập đất, lập Mường và cầu mong vạn vật phát triển thuận lợi, mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no, hạnh phúc, những điều tốt đẹp đến với người dân, xóm, bản.

Sự phong phú, độc đáo về bản sắc cả trong đời sống vật chất, tinh thần của cộng đồng người Mường tại tỉnh Hoà Bình có sức hấp dẫn đặc biệt đối với nhiều du khách. Chỉ tính riêng năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tỉnh Hòa Bình vẫn là một trong số ít địa phương ở miền Bắc có lượng du khách ổn định, với tổng lượng khách đón trên 1,4 triệu lượt. Dự kiến hết năm 2022, toàn tỉnh đón trên 2,5 triệu lượt khách, tổng thu từ du lịch trên 2.400 tỷ đồng.

Theo bà Bùi Thị Niềm - Giám đốc Sở Vă hóa Thể thao và Du lịch Hòa Bình, văn hoá dân tộc Mường được quan tâm khơi dậy, kết hợp khai thác gắn với du lịch và dần khẳng định hướng đi đúng, hiệu quả, phù hợp với thế mạnh của địa phương. Người Mường ở Hoà Bình đang tiếp tục gìn giữ, bảo tồn giá trị bản sắc văn hoá truyền thống, những nét cơ bản về phong tục, tập quán, tín ngưỡng, nếp nghĩ, cách làm trong sinh hoạt hàng ngày, các giá trị văn học nghệ thuật, ngôn ngữ, chữ viết, tri thức dân gian, trang phục…

“Để chung tay gìn giữ, tạo sức sống mãnh liệt, lâu bền của bản sắc Mường trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, cùng với việc tăng cường công tác lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, tỉnh Hòa Bình luôn chú trọng tuyên truyền, giáo dục ý thức, lòng tự hào dân tộc; tôn vinh và thực hiện đầy đủ chính sách đãi ngộ của Đảng, Nhà nước đối với các nghệ nhân gìn giữ, trao truyền; huy động nguồn lực cho công tác bảo tồn bản sắc Mường nói riêng, di sản văn hoá các dân tộc trong tỉnh nói chung; phổ biến, truyền dạy để di sản và bản sắc văn hoá Mường ngày càng lan toả, nhất là chữ viết, trình tấu chiêng, dân ca, dân vũ Mường với trọng tâm truyền dạy là thế hệ trẻ, đội văn nghệ các xóm, bản phát triển du lịch cộng đồng…” - Giám đốc Sở Vă hóa Thể thao và Du lịch Hòa Bình cho biết./.