Niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng, Nhà nước ngày càng vững chắc
Tăng cường công tác phát triển giáo dục ở vùng dân tộc thiểu số - cơ sở quan trọng để thực hiện bình đẳng giữa các dân tộc.

Trước tháng 6/2021, vùng đồng bào DTTS và miền núi bao gồm: 5.266 xã, 548 huyện thuộc 51 tỉnh/thành phố. Đây là địa bàn sinh sống chủ yếu của gần 14,2 triệu đồng bào của 53 DTTS. Ngày 4/6/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 861/QĐ-TTg phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025. Theo tiêu chí phân định vùng đồng bào DTTS và miền núi theo trình độ phát triển, vùng đồng bào DTTS và miền núi hiện có 3.434 xã thuộc 51 tỉnh/thành phố. Địa bàn cư trú chủ yếu ở vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và Tây Duyên hải miền Trung, chiếm 3/4 diện tích cả nước.

Bộ mặt nông thôn miền núi đã có bước phát triển mới

Mặc dù đất nước còn khó khăn nhưng Đảng và Nhà nước đã ưu tiên bố trí ngân sách trung ương; các tỉnh, thành phố ưu tiên bố trí ngân sách địa phương hỗ trợ đầu tư cho vùng DTTS và miền núi. Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững và nguồn ngân sách đầu tư công đã tập trung xây dựng hàng vạn công trình đường, điện, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa… ở vùng DTTS và miền núi.

Các cấp, các ngành, cả hệ thống chính trị đã ưu tiên nguồn lực, đầu tư phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo ở vùng DTTS và miền núi, nhất là địa bàn kinh tế - xã hội (KT-XH) đặc biệt khó khăn, đạt được kết quả rất quan trọng. Cơ sở hạ tầng thiết yếu được đầu tư xây dựng ngày càng đồng bộ, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, bền vững hơn.

Trong những năm qua, nhờ có sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, sự đoàn kết vượt khó vươn lên của đồng bào các dân tộc, KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi đã có bước phát triển vượt bậc. Diện mạo vùng đồng bào DTTS và miền núi đã thay đổi căn bản; đời sống của đồng bào các DTTS từng bước được cải thiện; niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng, Nhà nước ngày càng được củng cố.

Hiện nay, 98,4% xã có đường ô tô đến trung tâm, tỷ lệ hộ DTTS được sử dụng điện lưới đạt 96,7%; 100% xã có trường tiểu học, trung học cơ sở (THCS); 99,7% xã có trường mầm non, mẫu giáo; 99,5% xã có trạm y tế; 76,7% thôn có nhà văn hóa sinh hoạt cộng đồng…

Tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số và miền núi giảm

Những năm qua, công tác xóa đói, giảm nghèo được Đảng và Nhà nước chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả, được cả xã hội quan tâm, đồng lòng ủng hộ, đạt được kết quả nổi bật. Từ năm 2016 đến nay, hằng năm, tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS và miền núi giảm 2 - 3%; các xã, thôn đặc biệt khó khăn giảm 3 - 4%; các huyện nghèo giảm 4 - 5%; đã có 22 huyện, 125 xã, 1.298 thôn ra khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn. Vùng DTTS và miền núi đã có 1.052 xã (chiếm 22,3%) đạt chuẩn nông thôn mới, có 27 huyện ở vùng DTTS và miền núi (chiếm 6%) đạt chuẩn nông thôn mới...

Tuy nhiên, so với mặt bằng chung của cả nước, hiện nay vùng đồng bào DTTS và miền núi vẫn là vùng khó khăn nhất, chất lượng nguồn nhân lực thấp nhất, KT-XH phát triển chậm nhất, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản thấp nhất, tỷ lệ hộ nghèo cao nhất. Vì vậy, thời gian tới, cần tiếp tục triển khai những chính sách có trọng tâm, trọng điểm; khai thác được tiềm năng, lợi thế, phát huy nội lực của đồng bào để đẩy mạnh phát triển toàn diện vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Sự nghiệp "trồng người" đạt được kết quả đáng khích lệ

Sự nghiệp giáo dục đào tạo, sự nghiệp y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân, văn hóa, thông tin, truyền thông được chú trọng. Hợp tác quốc tế về công tác dân tộc, tạo điều kiện để đồng bào DTTS tiếp cận với các dịch vụ công… đã góp phần nâng cao nhận thức, mức độ hưởng thụ văn hóa, mặt bằng dân trí, chất lượng nguồn nhân lực và xóa bỏ các hủ tục tập quán lạc hậu.

Các địa phương đã quan tâm đầu tư sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất, đổi mới nội dung hoạt động sưu tầm, kiểm kê, trưng bày hiện vật để phát huy giá trị di sản văn hóa ở 3 bảo tàng cấp trung ương và 65 bảo tàng cấp tỉnh. Nhiều địa phương đầu tư ngân sách, huy động nguồn lực xã hội hóa thực hiện các đề án, dự án bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống hiệu quả. Phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được đồng bào DTTS hưởng ứng, đạt kết quả tốt; nhờ đó, một số phong tục tập quán lạc hậu dần được xóa bỏ. Hằng năm, đã tổ chức được nhiều ngày hội văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao của các dân tộc đặc trưng cho từng vùng, miền.

Sự nghiệp giáo dục, đào tạo và dạy nghề ở vùng đồng bào DTTS và miền núi đã đạt được kết quả đáng khích lệ về cả quy mô, mạng lưới và chất lượng. Hiện nay có 5.766 trường mầm non và 100% số trường, nhóm lớp thực hiện chương trình giáo dục mầm non mới. Các tỉnh vùng DTTS và miền núi đều được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học và phổ cập trung học cơ sở…

Trong giai đoạn 2021-2030, đồng bào các DTTS và miền núi sẽ khai thác tiềm năng, lợi thế so sánh của vùng, đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp khoảng cách về mức thu nhập so với vùng phát triển; giảm dần địa bàn đặc biệt khó khăn; cải thiện rõ rệt đời sống của nhân dân. Gia tăng đầu tư nguồn lực của nhà nước và các thành phần kinh tế để quy hoạch, sắp xếp ổn định dân cư và xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH đồng bộ, liên vùng, kết nối với các vùng phát triển. Đẩy mạnh phát triển giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là người DTTS, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Xóa bỏ tập quán lạc hậu đi đôi với giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc. Chú trọng xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, giữ vững chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Củng cố tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.