Mỗi vùng một loại cây giúp bà con thoát nghèo

Tây Giang là một huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam, nơi đây có hơn 90% người đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), thu nhập chủ yếu của bà con dựa vào sản xuất nông nghiệp, nên khi được mùa thì đủ ăn, khi mất mùa thì đói kém, vì thế cuộc sống rất bấp bênh.

Đồng bào dân tộc miền núi vươn lên làm giàu từ trồng cây dược liệu
Đồng bào dân tộc miền núi vươn lên làm giàu từ trồng cây dược liệu. Ảnh minh họa

Tuy nhiên, từ khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 12/NQCP (triển khai thực hiện Nghị Quyết số 88/2019/QH 14 của Quốc hội), phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, huyện Tây Giang đã phát triển mô hình trồng cây dược liệu với 2 loại cây chủ lực là đảng sâm và ba kích. Đây là 2 loại cây phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương. Hoạt động này đã giúp nhiều hộ gia đình tại đây không những có thu nhập ổn định, mà còn làm giàu từ loại dược liệu quý này.

Nhờ chuyển đổi mô hình sang trồng cây dược liệu, bà con dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa đã vươn lên làm giàu. Nhiều hộ gia đình đã có của ăn của để.

Là hộ gia đình tiêu biểu vươn lên phát triển kinh tế từ trồng cây dược liệu, ông Alăng Lơ, ở thôn Achoong, xã Ch’ơm cho biết, trước đây gia đình ông chỉ trồng keo, thu nhập không cao. Nhưng từ khi chuyển sang trồng cây đảng sâm, gia đình ông đã có “của ăn của để” bởi cây đảng sâm tương đối dễ trồng.

“Đến thời điểm này tổng diện tích trồng cây đảng sâm của gia đình tôi là 5ha, nhiều diện tích đã thu hoạch. Sau khi trừ các khoản chi phí, bình quân mỗi năm gia đình lãi từ 120 - 150 triệu đồng. Nhờ đó mà gia đình tôi có thu nhập ổn định, nuôi các con ăn học” - ông Alăng Lơ cho biết.

Yên Bái là tỉnh có tiềm năng về cây thuốc nam với trên 630 loài cây thuốc, gần 1.000 bài thuốc dân gian chữa nhiều loại bệnh.

Nhiều năm trước người dân ở các huyện miền núi của tỉnh Yên Bái thường lên rừng tự tìm cây thuốc khai thác không đúng kỹ thuật, không theo thời vụ, khai thác quá nhiều dẫn đến nguồn nguyên liệu làm thuốc cạn kiệt.

Để giúp bà con có nguồn thu nhập ổn định từ cây thuốc, tỉnh Yên Bái đã định hướng phát triển các vùng trồng cây dược liệu trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, tỉnh Yên Bái đã được Liên minh Châu Âu (EU) tài trợ cho Trung tâm Phát triển khoa học công nghệ và Chăm sóc sức khỏe cộng đồng tỉnh Yên Bái (YENBAI CDSH). Trung tâm đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm giúp người dân và doanh nghiệp liên kết, phát triển cây dược liệu theo chuỗi giá trị.

Hiện cây dược liệu chủ lực của tỉnh Yên Bái là cây cà gai leo. Nhiều hộ gia đình tại các huyện vùng sâu, vùng xa của tỉnh đã được Trung tâm Phát triển khoa học công nghệ và Chăm sóc sức khỏe cộng đồng tỉnh Yên Bái hỗ trợ liên kết thực hiện mô hình trồng thử nghiệm cây cà gai leo với Hợp tác xã sản xuất dược liệu Yên Bái.

Từ chỗ trồng thử nghiệm, đến nay nhiều hộ gia đình tại Yên Bái đã phát triển diện tích trồng cây từ vài trăm mét vuông lên đến hàng nghìn mét vuông đưa lại thu nhập ổn định, giúp nâng cao chất lượng đời sống.

Nhân rộng diện tích cây dược liệu trong tương lai

Kỳ Sơn là huyện miền núi biên giới của tỉnh Nghệ An, có điều kiện tự nhiên đặc thù. Nhiều xã như Na Ngoi, Mường Lống, Tây Sơn… có khí hậu quanh năm mát mẻ, rất phù hợp với sự phát triển một số cây dược liệu.

Đồng bào dân tộc miền núi vươn lên làm giàu từ trồng cây dược liệu
Bà con đang được cán bộ nông nghiệp hướng dẫn cách chăm sóc cây cà gai leo. Ảnh minh họa

Nắm bắt được lợi thế này, người dân đã tự trồng các loại cây dược liệu như giảo cổ lam, sâm thất diệp nhất chi hoa, sâm Puxailaileng, tam thất, đẳng sâm… cho kết quả rất tích cực. Tuy nhiên, quy mô trồng còn nhỏ lẻ và mang tính tự phát.

Phát triển cây dược liệu không chỉ góp phần bảo tồn những nguồn gen quý, mà còn giúp người dân địa phương thay đổi tư duy, tập tục sản xuất cũ, có hướng đi mới trong xóa đói giảm nghèo.

Hiện tại, địa phương đã liên kết với một số doanh nghiệp lớn để phát triển vùng trồng cây dược liệu có quy mô lớn và có thể nhân rộng trong tương lai như mô hình trồng dược liệu của Công ty cổ phần Dược liệu Mường Lống thuộc Tập đoàn TH trồng ở Na Ngoi. Đặc biệt, để biến những khó khăn thành lợi thế, Nghị quyết nhiệm kỳ 2021 - 2026 của HĐND huyện Kỳ Sơn đã đưa mô hình phát triển cây dược liệu dưới tán rừng làm mô hình mũi nhọn.

Việc trồng, phát triển cây dược liệu không chỉ góp phần bảo tồn những nguồn gen quý mà còn giúp người dân địa phương thay đổi tư duy, tập tục sản xuất cũ, có hướng đi mới trong xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, trên thực tế, việc phát triển cây dược liệu ở Nghệ An vẫn mang tính tự phát, chưa tương xứng với tiềm năng. Nằm trong Quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Nghệ An đang phấn đấu đến năm 2030 sẽ phát triển ổn định gần 18.000 ha cây dược liệu.

Tương tự, tại Quảng Nam, nhiều năm qua, tỉnh đã triển khai nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích bảo tồn và phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh như: Nghị quyết số 202/2016/NQ-HĐND ngày 26/4/2016 của HĐND tỉnh Quảng Nam về Cơ chế khuyến khích bảo tồn và phát triển một số cây dược liệu trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2018 - 2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 2950/QĐ-UBND ngày 17/8/2016 của UBND tỉnh Quảng Nam về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 202/2016/NQ-HĐND ngày 26/4/2016 của HĐND tỉnh. Nghị quyết số 39/2017/NQ-HĐND ngày 07/12/2017 của HĐND tỉnh về quy hoạch bảo tồn và phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2018 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam, chủng loại cây dược liệu ở khu vực miền núi của tỉnh Quảng Nam được đánh giá là đa dạng, phong phú, có nhiều tiềm năng để phát triển trở thành trung tâm dược liệu lớn của cả nước. Hiện tại, Quảng Nam có khoảng trên 500 ha diện tích trồng cây dược liệu và đang tiếp tục được mở rộng trong thời gian tới./.