Kon Tum: Thay đổi nếp nghĩ, cách làm - cuộc vận động hợp lòng dân

Làng du lịch công đồng của đồng bào Ba Na tại xã Đăk Rơ Wa, thành phố Kon Tum. Ảnh: S.Nam

Từ thay đổi nếp nghĩ

Với 54% dân số là đồng bào DTTS, sinh sống chủ yếu ở các địa bàn kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, nhiều người vẫn duy trì nếp nghĩ cũ (trông chờ, ỷ lại, được chăng hay chớ, ngại thay đổi...). Vì vậy, trong nhiều năm liền, tỉnh Kon Tum vẫn nằm trong nhóm các tỉnh khó khăn nhất cả nước.

Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum Dương Văn Trang, thực trạng trên tồn tại lâu nay trên cùng một địa bàn, cùng một vùng đất mà người Kinh trồng cây, cây tốt; chăn nuôi lại sinh trưởng nhanh mang lại hiệu quả và giá trị kinh tế cao, đời sống ổn định, khá giả và trở nên giàu có. Còn đồng bào DTTS lại vẫn nghèo khổ, thiếu thốn, chật vật. Tại sao đã có rất nhiều chương trình mục tiêu, nhiều dự án giảm nghèo đầu tư cho vùng miền núi, vùng DTTS nhưng đồng bào vẫn khó khăn và loay hoay mãi vẫn không thoát nghèo?

Theo ông Trang, một thực tế, các hộ dân không phải hoàn toàn thiếu đất, cũng không phải lười biếng mà họ siêng năng, cần cù, chịu khó lao động và có khát vọng làm giàu. Do vậy, trước khi triển khai thực hiện cần phải lý giải nguyên nhân để xóa bỏ thói quen nếp nghĩ, cách làm, kinh nghiệm, tập tục và lề thói sản xuất cổ xưa, hoặc chưa dám từ bỏ phương thức canh tác lạc hậu.

Trước thực trạng trên, ngày 24/2/2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum ban hành Kết luận số 08-KL/TU về triển khai Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững” trên địa bàn tỉnh.

Ngay sau khi Kết luận ban hành, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh Kon Tum đã nhanh chóng được thành lập. Với tinh thần quyết tâm cao, vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, chỉ trong thời gian 6 tháng, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đã ban hành 88 văn bản chỉ đạo, triển khai, các chương trình, kế hoạch, quyết định liên quan đến cuộc vận động.

Từ chủ trương đúng, hợp lòng dân, cuộc vận động đã nhanh chóng trở thành phong trào hành động rộng khắp trên địa bàn toàn tỉnh, được hầu hết cộng đồng DTTS đồng tình và hưởng ứng rất tích cực.

Để làm thay đổi nếp nghĩ lạc hậu, cũ kỹ, tất cả các lực lượng từ tỉnh đến cơ sở đã đồng loạt mở chiến dịch tuyên truyền, vận động. Sổ tay tuyên truyền đã được biên soạn cô đọng với 10 nội dung, từng nội dung lại được cụ thể hóa thành 5 mục, với phương châm dễ nhớ, dễ học, dễ hiểu, dễ làm. Sổ tay tuyên truyền được in 5 thứ tiếng (Kinh, Xơ Đăng, Ba Na, Gia Rai, Gié -Triêng) và phát hành xuống tận cơ sở là cẩm nang rất bổ ích cho các hộ đồng bào DTTS.

Với tinh thần cầm tay chỉ việc, làm trước nói sau, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức thành viên và các huyện, thành phố trong thời gian ngắn đã xây dựng hàng trăm mô hình trên tất cả các lĩnh vực. Trồng trọt (như lúa giống mới, mì cao sản, sâm dây, sâm Ngọc Linh, mắc ca); chăn nuôi (như bò, heo, cá, vịt, thỏ, ong lấy mật); trồng, bảo vệ, chăm sóc rừng. Trong đó, thành phố Kon Tum 240 mô hình; huyện Đăk Tô 61 mô hình; huyện Ia H’Drai 59 mô hình; huyện Kon Rẫy 54 mô hình; huyện Ngọc Hồi 53 mô hình; huyện Đăk Hà 52 mô hình…

Để xây dựng và duy trì các mô hình các cấp, các ngành, các đơn vị đã lồng ghép và huy động tối đa các nguồn lực phục vụ cho cuộc vận động. Trong 2 năm đã có hơn 37 tỷ đồng được đầu tư, trong đó, ngân sách và các quỹ là 24,8 tỷ đồng, tiền đối ứng của các hộ dân là 5 tỷ đồng.

Các địa phương, đơn vị đã tổ chức khảo sát, lựa chọn duy trì và xây dựng được 562 mô hình hỗ trợ, giúp nhau phát triển kinh tế, chỉnh trang cải tạo vườn tạp, bảo vệ môi trường, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, vận động xóa bỏ các hủ tục, phong tục không còn phù hợp, hỗ trợ, giúp đỡ 12.682 hộ dân phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Cuộc vận động đã thu được thắng lợi lớn, làm thay đổi tư duy, nếp nghĩ, cách làm của các hộ đồng bào DTTS, từ chỗ chỉ trông chờ, ỷ lại sự hỗ trợ, giúp đỡ từ bên ngoài nay đã mạnh dạn bỏ vốn của gia đình để đầu tư nhằm vươn lên thoát nghèo bằng chính nội lực của mình.

Cho đến cách làm hiệu quả

Theo đánh giá của Ban chỉ đạo cuộc vận động, sau hơn 2 năm triển khai thực hiện, cuộc vận động mang lại hiệu quả vượt xa kỳ vọng và nhanh chóng đi vào cuộc sống.

Không chỉ dừng lại ở chủ trương, nghị quyết, các ban chỉ đạo đã tổ chức lồng ghép hợp lý các phong trào thi đua yêu nước với cuộc vận động. Như phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

Kon Tum: Thay đổi nếp nghĩ, cách làm - cuộc vận động hợp lòng dân
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum Dương Văn Trang tiếp xúc với bà con DTTS ở cơ sở. Ảnh: S.Nam

Đặc biệt, ngay sau khi ban hành Kết luận 08, Ban Thường vụ Tỉnh ủy liên tiếp ban hành Chỉ thị số 12-CT/TU, ngày 18/2/2022 về “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp đối với việc xây dựng thôn (làng) nông thôn mới ở vùng đồng bào DTTS” và Chỉ thị số 13-CT/TU, ngày 18/3/2022 về “Tăng cường lãnh đạo tuyên truyền, vận động nhân dân xóa bỏ các hủ tục, không còn phù hợp”, tạo thành 3 mũi giáp công.

Vì vậy, chỉ mới hơn hai năm, 8 chỉ tiêu của cuộc vận động đề ra đều đạt và vượt, đây là thắng lợi mà ít có phong trào và cuộc vận động nào làm được.

Trong hơn 2 năm đã có 51,15% hộ nghèo, cận nghèo đồng bào DTTS thay đổi nếp nghĩ, không trông chờ ỷ lại; 56,7% hộ nghèo, cận nghèo đồng bào DTTS biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, biết tích lũy vốn để đầu tư; 45,7% hộ nghèo, cận nghèo có mức thu nhập cao hơn mức thu nhập bình quân các hộ đồng bào DTTS trong tỉnh; đặc biệt có 3.583 hộ tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã; cuối năm 2022 đã có 6.115/15.215 hộ nghèo thoát nghèo, chiếm 38,35%; 2.149/8.857 hộ thoát cận nghèo, chiếm 24, 3%...

Trong đó, một trong những kết quả thành công nhất qua cuộc vận động này đã giúp người dân nêu cao tinh thần cảnh giác, không nghe, không theo kẻ xấu; đấu tranh và xử lý kiên quyết tệ nạn, tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự nông thôn, không để xảy ra bị động, bất ngờ.

Với kết quả này, tại Hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Kết luận 08, Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum Dương Văn Trang cho rằng, đây là thắng lợi bước đầu nhưng rất quan trọng, vừa là tiền đề, vừa là động lực để cuộc vận động tiếp tục giành được kết quả cao hơn. Muốn vậy, trong thời gian tới cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động với phương châm đi từng ngõ, gõ từng nhà, ra tận nương, vào tận vườn, đến tận rẫy; làm trước nói sau, cầm tay chỉ việc; kiên trì, mưa dầm thấm lâu.

Thực tế cho thấy để thay đổi suy nghĩ (nhận thức) đi đến thay đổi hành động (cách làm) là cả một quá trình lâu dài, đòi hỏi sự mạnh dạn và thậm chí là sự đột phá của chính đồng bào DTTS, cách làm cũ (sinh đẻ nhiều, phương thức canh tác cũ, sử dụng các giống cây trồng cũ cho hiệu quả kinh tế thấp, thiếu quan tâm đến việc học hành của con em...), nên để thay đổi được nếp nghĩ, cách làm đòi hỏi cán bộ, đảng viên phải luôn sát dân, gần dân, nói cho dân tin, làm cho dân hiểu.