Người Mông Sin Suối Hồ thay đổi cuộc sống từ du lịch cộng đồng

Du khách lựa chọn sản phẩm thêu dệt thủ công làm quà lưu niệm tại chợ phiên Sin Suối Hồ.

Thu nhập của hộ gia đình tăng từ việc làm du lịch

Trước năm 1992, hầu hết người dân ở Sin Suối Hồ đều trồng cây thuốc phiện và nghiện thuốc phiện. Thuốc phiện đã làm đời sống người dân nơi đây trở lên mù mịt, đói rách, khốn khổ, bệnh tật và nhiều tệ nạn khác, tưởng chừng bản không còn tương lai. Tuy nhiên, sau khi phát triển du lịch cộng đồng, từ năm 2005, số người nghiện đã giảm dần, đến nay bản Sin Suối Hồ không còn người nghiện ma túy.

Từ năm 2012, những con đường ở bản Sin Suối Hồ đã được đổ bê tông, những ngôi nhà của đồng bào dân tộc Mông được xây dựng gọn gàng, sạch sẽ, cùng với đó là những vườn địa lan, vườn đào, mận, thảo quả, táo mèo xanh tốt, trĩu quả. Cuộc sống ấm no, hạnh phúc đã thay thế cho cái đói nghèo lạc hậu.

Từ chỗ là một bản nghèo, hiện nay nguồn thu nhập của các hộ gia đình đều tăng từ việc làm du lịch và bán các sản vật của địa phương. Đặc biệt, kể từ khi mô hình du lịch cộng đồng sinh thái không khói thuốc với nhiều hình thức trải nghiệm mới được triển khai đã phát huy hiệu quả, ngày càng thu hút du khách và đem lại thu nhập cho người dân nơi đây.

Bản Sin Suối Hồ hiện có hơn 100 hộ, trong đó có hơn 10 hộ làm du lịch theo hình thức nghỉ dưỡng homestay. Nhiều hộ gia đình đã tự đầu tư hoặc nâng cấp nhà nghỉ để phục vụ nhu cầu ngày càng lớn của khách du lịch. Trung bình mỗi tháng có hàng trăm lượt du khách đến du lịch và nghỉ dưỡng tại bản Sin Suối Hồ, trong đó đa số là du khách nước ngoài. Du khách tới bản có thể ở cả tuần, cả tháng, cùng chia sẻ ẩm thực, văn hóa và được trải nghiệm các hoạt động: Gặt lúa, hái thảo quả, làm bánh, dệt vải… Được cùng ăn, cùng ở với chủ nhà trong không khí ấm cúng, thân thiện, du khách sẽ hiểu hơn về cuộc sống, con người và giá trị truyền thống dân tộc.

Bên cạnh đó, Sin Suối Hồ cũng phát triển mô hình chợ du lịch truyền thống của người Mông, bán các sản vật của địa phương như thuốc lá, thổ cẩm, ẩm thực gắn liền với không gian trình diễn các công đoạn sản xuất đặc trưng. Một sân khấu đã được xây dựng ở trung tâm bản để biểu diễn các tiết mục văn nghệ đặc sắc.

So với các khu du lịch khác, mô hình có nhiều điểm mới: Xu hướng dân làm - dân hưởng đem lại động lực phát triển kinh tế bền vững cho người dân địa phương; toàn bộ nguồn thực phẩm được sử dụng là thực phẩm sạch, không hóa chất; mô hình du lịch đậm chất văn hóa và thấm đượm bản sắc dân tộc; du lịch gắn liền với tạo sinh kế nông nghiệp cho người dân. Bản Sin Suối Hồ cũng để lại ấn tượng trong lòng du khách nhờ cộng đồng người dân đoàn kết, thân thiện, hiếu khách, sống văn minh.

Phát triển các sản phẩm đặc trưng

Người Mông Sin Suối Hồ thay đổi cuộc sống từ du lịch cộng đồng

Sin Suối Hồ cũng là thủ phủ của hoa Địa lan - loại hoa đem lại nguồn thu nhập đáng kể, giúp nhiều hộ dân vươn lên làm giàu.

Bên cạnh đồ lưu niệm thông thường, Sin Suối Hồ còn phát triển thêm các sản phẩm đặc trưng như cây cảnh: Địa lan, phong lan, hoa đào và các loại cây ăn quả như mận, đào, táo mèo. Địa lan là loại cây tạo nên điểm nhấn của bản du lịch Sin Suối Hồ, mang lại thu nhập 200 – 300 triệu đồng/hộ/năm. Đến nay 100% hộ trong bản đều trồng địa lan, nhà nào ít thì mấy chục chậu, nhà nào nhiều thì khoảng 500 - 600 chậu.

Mảnh đất từng trồng thuốc phiện khi xưa giờ đã khởi sắc, thu nhập của nhiều hộ gia đình đến 200 - 500 triệu đồng/hộ/năm, từ nhiều nguồn: Trồng lan, thảo quả, táo mèo, chăn nuôi dê.

Để phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu của du khách, những người làm du lịch cộng đồng tại Sin Suối Hồ đang ấp ủ dự định trong thời gian tới sẽ làm thổ cẩm bằng vải lanh, vẽ sáp ong trên vải lanh tạo thành các sản phẩm riêng biệt của người Mông, người Hoa và xuất bán ra thị trường. Cùng với đó, tạo ra các sản phẩm hoàn toàn từ tự nhiên theo phong cách cổ truyền của người Mông như dầu gội, xà phòng, dầu rửa tay, rửa bát, thuốc tắm, thuốc diệt muỗi. 100% thực phẩm sạch từ thiên nhiên không hóa chất và hoàn toàn tự cung tự cấp.

Từ sự thành công của bản Sin Suối Hồ, hiện Lai Châu đã và đang tiếp tục nhân rộng mô hình này. Đến nay, toàn tỉnh đã có 9 điểm bản du lịch cộng đồng ở hầu hết các huyện và TP. Lai Châu. Đề án Phát triển du lịch Lai Châu giai đoạn 2016 - 2020 cũng xác định ưu tiên đầu tư phát triển sản phẩm chủ lực là du lịch cộng đồng gắn với phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa danh lam thắng cảnh tại khu vực TP. Lai Châu, huyện Phong Thổ, huyện Tam Đường.