Chú trọng phát triển nghề dệt thổ cẩm

Người Cơ Tu có nhiều nghề truyền thống, như: dệt thổ cẩm, đan lát, điêu khắc… Trong đó, nghề dệt thổ cẩm đặc sắc và quan trọng nhất với nhiều nét riêng. Đáng chú ý, với người Cơ Tu ở huyện Đông Giang (Quảng Nam), nghề dệt thổ cẩm là một phần không thể thiếu trong đời sống. Trước đây, nhà nhà đều có khung dệt, người người đều biết dệt.

Phát triển nghề dệt thổ cẩm gắn với du lịch cộng đồng để cải thiện sinh kế cho đồng bào Cơ Tu tại Quảng Nam
Những sản phẩm thổ cẩm của người đồng bào dân tộc Cơ Tu đặc sắc, độc đáo

Dựa trên đặc trung và lợi thế này, thời gian, tỉnh Quảng Nam tập trung khôi phục và phát triển các làng dệt thổ cẩm Cơ Tu. Cụ thể ở thôn Zara, xã Tàbhing và thôn Côngdồn, xã Zhuôi (huyện Nam Giang); thôn Bhơhôông, xã Sôngkôn (huyện Đông Giang), thôn Achinr, xã Atiêng (huyện Tây Giang), thôn Pơr’ning, xã Lăng, huyện Tây Giang.

Anh Bh’ling Phát, Trưởng thôn Pơr’ning, xã Lăng, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam, cho biết: "Điều rất mừng là vẫn còn lưu giữ được nghề dệt thổ cẩm truyền thống, vừa phục vụ cho nhu cầu hằng ngày, may mặc, vừa là sinh kế của đồng bào".

Những sản phẩm thổ cẩm của người đồng bào dân tộc Cơ Tu đặc sắc, độc đáo, mang tính nghệ thuật cao. Tháng 8/2014, nghề dệt thổ cẩm của người Cơ Tu tỉnh Quảng Nam đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Còn theo chị Blong Thị Tơn huyện Đông Giang, việc dệt thổ cẩm không nặng nhọc như công việc nương rẫy, tuy nhiên cần phải có sự tỉ mỉ, kiên trì và có sự khéo léo. Nếu ngày trước, phần lớn là các sản phẩm phục vụ cho gia đình, hoặc trang phục truyền thống; thì hiện nay mẫu mã sản phẩm được đa dạng hơn, phong phú hơn về hình thức và được nhiều khách hàng ưa chuộng hơn.

Trao đổi với phóng viên, đại diện lãnh đạo huyện Tây Giang cho biết thêm, những nghệ nhân Cơ Tu ở Quảng Nam đã không ngừng sáng tạo, làm ra những sản phẩm mẫu mã mới, đa dạng phù hợp với nhu cầu của khách hàng. Nhờ vậy, nghề truyền thống của cha ông được duy trì, đồng thời tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân.

Tại thôn Giàn Bí, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng, các chị em Cơ Tu của tổ dệt thổ cẩm xã Hòa Bắc ngày ngày miệt mài dệt vải. Được biết, trong thời gian dài, nghề dệt thổ cẩm ở xã miền núi huyện Hòa Vang gần như mai một. Hiện nay, nhờ sự nỗ lực của chị em Cơ Tu nơi đây cũng như sự quan tâm hỗ trợ từ chính quyền địa phương, nghề dệt thổ cẩm đã có nhiều khởi sắc.

Gắn với du lịch cộng đồng để phát triển bền vững

Trao đổi với phóng viên về định hướng khôi phục và phát tiển nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Cơ Tu, gắn với phát triển du lịch tại địa phương, ông Đỗ Hữu Tùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang, cho biết: Địa phương rất quyết tâm trong việc bảo tồn, phát huy các yếu tố làng nghề truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, có làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống được chú trọng đầu tư để phát triển thành sản phẩm đặc thù, gắn với phát triển du lịch ở địa phương, cải thiện thu nhập cho người dân.

Vừa qua, huyện Đông Giang đã có Đề án phát triển văn hoá gắn với du lịch trên địa bàn giai đoạn 2022-2025; đồng thời có các nghị quyết về việc khôi phục và phát triển các làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống và các nghề thủ công khác tại địa phương. Bên cạnh đó, chính quyền cũng đang triển khai thực hiện việc kết nối du lịch đến các làng nghề. Địa phương cũng đẩy mạnh quảng bá sản phẩm của các làng nghề trên các nền tảng số và tại các hội chợ, triển lãm để đầu ra sản phẩm được tốt hơn, cải thiện thu nhập cho người dân và đồng thời góp phần bảo tồn bản sắc văn hoá của địa phương.

Để dệt được một tấm váy dài, tấm khố đẹp, tùy hoa văn đơn giản hay phức tạp, người phụ nữ Cơ Tu phải làm việc vất vả trong nhiều gày liền, thậm chí phải mất thời gian cả tháng mới xong.

Các đề án này thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã hỗ trợ rất lớn cho địa phương trong việc triển khai thực hiện các chính sách bảo tốn và phát triển làng nghề, trong đó có làng nghề dệt thổ cẩm ở Đhrôồng.

Phát triển nghề dệt thổ cẩm gắn với du lịch cộng đồng để cải thiện sinh kế cho đồng bào Cơ Tu tại Quảng Nam
Nhiều người dân Cơ Tu miệt mài giữ nghề truyền thống của đồng bào mình

Một điển hình khác, tại xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang hiện có 16 điểm du lịch cộng đồng, mỗi năm thu hút khoảng 30 ngàn lượt du khách. Du lịch cộng đồng khởi sắc trong thời gian qua đã tạo thêm việc làm cho người dân địa phương, trong đó, có chị em Tổ hợp tác dệt thổ cẩm.

Ông A Lăng Như, Tổ trưởng Tổ hợp tác du lịch sinh thái cộng đồng ở thôn Giàn Bí, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng cho biết, từ khi Tổ hợp tác đi vào hoạt động vừa tạo sinh kế cho bà con, vừa góp phần quảng bá, bảo tồn văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ Tu. Bà con tham gia du lịch sẽ có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống. Đặc biệt, có việc làm, có cuộc sống ổn định bà con không còn tác động vào rừng.

Thời gian gần đây, du lịch sinh thái cộng đồng ở Hòa Bắc ngày càng được nhiều du khách gần xa biết đến. Đây là cơ hội để đồng bào Cơ Tu giới thiệu, quảng bá, đưa văn hóa truyền thống, trong đó có dệt thổ cẩm vào trình diễn, phục vụ du lịch. Qua đó, bà con vừa có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống, vừa gìn giữ, bảo tồn nghề truyền thống.

Trong thời gian tới, Quảng Nam sẽ tiếp tục tăng cường thực hiện các chính sách, Đề án đầu tư cho phát triển du lịch sinh thái cộng đồng gắn với bảo tồn văn hóa truyền thống, trong đó, có nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Cơ Tu để cải thiện kinh tế - xã hội cho đồng bào địa phương./.